(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Chưa bao giờ hai tiếng “phong thủy” lại chi phối tư duy cuộc sống hàng ngày của con người nhiều như bây giờ. Người người nói về phong thủy. Nhà nhà nói về phong thủy. Từ nông thôn đến thành thị đâu cũng nói về phong thủy. Họ nói như một thứ đạo, một ma thuật thần bí. Họ xem phong thủy bằng nhiều cách, bằng mạng internet, đọc sách, thậm chí nhờ cả thầy phong thủy tư vấn, chỉ dạy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngày xuân nói chuyện phong thủy

(VH&ĐS) Chưa bao giờ hai tiếng “phong thủy” lại chi phối tư duy cuộc sống hàng ngày của con người nhiều như bây giờ. Người người nói về phong thủy. Nhà nhà nói về phong thủy. Từ nông thôn đến thành thị đâu cũng nói về phong thủy. Họ nói như một thứ đạo, một ma thuật thần bí. Họ xem phong thủy bằng nhiều cách, bằng mạng internet, đọc sách, thậm chí nhờ cả thầy phong thủy tư vấn, chỉ dạy.

Làm nhà, xây dựng, để mồ mả, đặt cái bàn, cái ghế trong phòng, cắm lọ hoa, treo bức tranh, dựng tác phẩm nghệ thuật trong phòng…nhất cử nhất động đều nói đến phong thủy, xem phong thủy, vận dụng phong thủy. Phong thủy vừa là khoa học, vừa là tâm linh, vừa là mốt sống thời thượng.

Vậy phong thủy là gì mà nó có sức chi phối tâm tư, ý nghĩ, đời sống con người ghê gớm đến thế?

Theo Từ điển Tiếng Việt (NXB Đà Nẵng, 2011, Hoàng Phê chủ biên), mục Phong Thủy ghi: “Thuật xem đất, hướng gió, mạch nước để chọn nơi dựng nhà cửa hay đặt mồ mả”. Từ điển Hán Việt giải thích: Phong là gió. Thủy là nước. Phong thủy là một khoa chuyên nghiên cứu về quan hệ giữa gió - nước và ảnh hưởng của nó đối với đời sống con người. Một vài định nghĩa khác về phong thủy cũng tương tự thế. Phong có nghĩa là gió, là hiện tượng không khí chuyển động. Thủy có nghĩa là nước, là dòng nước, tượng trưng cho địa thế.

Cách đây gần năm nghìn năm, người Trung Hoa nói riêng, người phương Đông nói chung đã nghiên cứu sự ảnh hưởng của phong thủy đến đời sống hoạ, phúc, sinh, lão, bệnh, tử của con người. Trong quá trình vận động của sự vật, con người nhận ra rằng, phong thủy không phải là sự tác động của một sự vật đơn lẻ mà nó có quan hệ hữu cơ, sâu chuỗi, thấy và không thấy, gần xa trên dưới trong ngoài như nhà cửa, sân vườn, làng xóm, khu vực, thế núi hình sông, long mạch, rộng hơn là vũ trụ.

Theo Giáo sư - Chuyên gia Phong thủy hàng đầu Việt Nam Nguyễn Nguyên Bảy, Phong thủy cổ (xa xưa) chủ yếu lý giảng về âm trạch (mồ mả); phong thủy hiện đại chủ yếu lý giảng về dương trạch. Nghiên cứu âm trạch là nghiên cứu những phạm trù vô hình, siêu nhiên, bí hiểm của vũ trụ kể cả yếu tố người sau khi trở về cát bụi. Đây là lĩnh vực cực khó, sức nghiên cứu của con người thường là lời đáp bó tay. Ông thú nhận, tôi hoàn toàn không lý giải được bất kỳ điều gì hung cát thuộc phạm vi âm trạch, ngoài các kiến thức được dân gian đúc kết qua đời sống mà thành phong tục, tập quán, thành hương ước bảo nhau theo. Ở chỗ này có thể suy ra, mọi kiến thức về phong thủy âm trạch, nói là vô cùng cao siêu, bí ẩn nhưng không thay được phong tục, tập quán, tình làng nghĩa xóm, nét đẹp văn hoá của làng xóm, quê hương. Ông giải thích, nghiên cứu về dương trạch là nghiên cứu những cái tai nghe, mắt thấy, tay cầm... tức là nghiên cứu cái hiện có, tìm ở nó cái chưa thích hợp (gọi là hung) mà nâng cao, thu hoạch nhiều hơn nữa chất lượng cuộc sống (gọi là cát). Việc nghiên cứu và ứng dụng phong thủy dương trạch hiện đang là trào lưu có tính toàn cầu. Đó chính là trào lưu thực dụng, thực chất, nôm na là nghiên cứu cầu sự lợi lạc ngay bây giờ, ngay ngày hôm nay, thời này, chứ không tạo cát phúc cho muôn đời con cháu mai sau.

Tranh minh họa của Ngọc Hiếu.

Ông cha ta đã đúc kết tinh hoa phong thủy cơ bản cho cuộc sống vô cùng đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, hiệu quả, đầy khoa học và thực tế. Một số thành ngữ gần như tục ngữ đã nói rất rõ triết lý phong thủy của ông cha ta từ xa xưa: Sông cùng, địa tận; Bếp đông phòng tây; Nhất cận thị, nhị cận giang; Đông che, hè mở; Nhà cao, cửa rộng; Vườn sau, ao trước; Hè mát, đông ấm. Tạm lý giải là: Không nên sống, sinh cơ lập nghiệp chỗ đường cụt, đất cụt, sông không còn nguồn, không còn chỗ chảy; Không nên làm bếp mở cửa hướng đông (gió đông bắc); không nên mở cửa phòng hướng tây (nắng gắt, khí khô, tà khí); làm nhà gần chợ có điều kiện làm ăn, buôn bán tốt; nhà gần sông thì mát, âm dương điều hoà, dễ giao thương…Mở rộng ra là hình sông thế núi, là long mạch, là huyệt đất. Xét cho cùng, phong thủy đạt đến trình độ nào đó có thể nhìn thấy nơi tụ khí lành, nơi sinh quả ngọt; nhìn thấu sự bền vững lâu dài hay ngắn ngủi sự màu mỡ, phồn thịnh của một vùng đất, nhìn thấy cấu trúc bên trong cấu tạo của vỏ trái đất, từ đó dự tính, dự báo được những hiện tượng va đập, động đất, sóng thần, phun trào núi lửa. Từ đó định ra kế sách lớn cho cuộc đời, dòng họ, dân tộc hoặc quyết sách cho một quốc gia. Thấu triệt phong thủy đến trình độ cao diệu như thế sẽ nhìn ra thủy kỳ địa linh.

Nhưng phong thủy không phải là thứ lộc vĩnh cửu, bất biến. Tìm ra cái hay, cái lợi to lớn của phong thủy hôm nay, lúc này, sự vật này, nhưng ngày sau, sự vật sau phong thủy ấy không còn linh diệu nữa. Vì sao vậy? Vì bản thân phong thủy vận động không ngừng, nó luôn thay đổi. Vì sao vậy? Vì chính sự vật hưởng phong thủy đã thay đổi phong thủy, triệt phá phong thủy, huỷ diệt phong thủy. Khai thác thiên nhiên môi trường, tận dụng phong thủy đến một mức nào đấy thì phong thủy vốn trông thấy ban đầu bị thôn tính. Hệ quả là nghịch phong thủy, đảo phong thủy. Cái hại to lớn do đảo phong thủy gây ra vừa thấy ở tầm vi mô, vừa thấy ở tầm vĩ mô. Ví dụ đơn giản, biển, rừng, sông, núi là phong thủy tầm vĩ mô của một vùng, miền, quốc gia, có khi cả một châu lục. Mất rừng, mất biển, mất sông, núi là mất phong thủy thiên nhiên ban tặng. Hạn hán nhiều, bão lũ nhiều. Gió nóng, sa mạc hoá, động thực vật biến đổi.

Phong thủy cũng không phải là lá bùa có phép màu nhiệm mang lại mọi thứ như khát vọng của con người. Phong thủy có thể mang lại sự thoải mái, cuộc sống trong lành nhưng không can thiệp vào sự đảm bảo an toàn cho những âm mưu, toan tính, sự tham lam, lừa gạt, xấu xa và tội ác.

Nhiều chủ nhân của những khu biệt thự cẩn thận đến mức cho xây núi, tạo thác, tạo sông, tạo hồ, tạo thủy cung, động gió ngay trong khuôn viên, văn phòng, dinh thự để phong thủy hài hoà, âm dương kỳ thú. Không những thế, họ còn xem tuổi, ngày sinh, tháng đẻ, cầm tinh con gì để sắp đặt phong thủy thật đúng như sách dạy. Có người đặt đôi sư tử đá trước cổng, trước cửa tạo uy lực. Có người đặt đôi nghê đá, đại bàng đá. Có người đắp gà vàng, rắn vàng, rồng vàng. Có người mua hàng chục, hàng trăm cây đại thụ vài trăm năm tuổi, cây nào cũng tiền tỷ về đặt ở khuôn viên. Có người còn đặt hẳn tượng Quan thế âm Bồ Tát. Rồi tượng ngọc, phật ngọc. Không thiếu một thứ gì. Phong thủy đến từng ngọn cỏ. Nhưng bao nhiêu gia đình, bao nhiêu mối tình trong các khu biệt thự tiền tỷ kia hạnh phúc? Báo chí không tính hết những cuộc chia ly và tan vỡ trong các khu biệt thự siêu sang, “siêu phong thủy” ấy. Bao nhiêu quan chức phải rời bỏ chiếc ghế “siêu phong thủy” vì tham ô hàng nghìn tỷ, phải chạy trốn nước ngoài, phải truy nã quốc tế? Rủi ro đến mức, về hưu rồi vẫn bị pháp luật lôi ra ngồi trước vành móng ngựa, bị tước chức vụ.

Từ nghìn xưa, Khổng Tử khẳng định, Dân là gốc. Khổng Minh cũng khẳng định Dân là gốc. Khi vua Trần Nhân Tông hỏi kế trị nước lâu dài, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn bảo Dân là gốc. Khoan sức dân là kế sâu rễ bền gốc. Hồ Quý Ly cho xây Thành Nhà Hồ thành cao, hào sâu, sông núi bao bọc. Hồ Quý Ly còn cho xây đền tế Nam Giao để tế lễ xin trời đất phù hộ cho triều đại vững bền. Về phong thủy, thế rất vững chắc. Nhưng khi Hồ Quý Ly hỏi về sức mạnh giặc Minh, Hồ Hán Thương đáp: Không sợ thế giặc mạnh, chỉ sợ lòng dân không theo. Quả là, phong thủy không phải là chìa khoá của sự bền vững hay hưng thịnh của một quốc gia. Cái gốc của sự bền vững chính là lòng người, ý thức con người.

Có lẽ vì thế mà Kinh dịch không đề cao phong thủy lắm. Kinh dịch có 384 quẻ nhưng chỉ duy nhất có một quẻ giảng luận về phong thủy. Phong trên, thủy dưới là phong thủy, là quẻ hoán (hoán chuyển, thay đổi, sửa chữa), nghĩa là, cái gì phạm đến phong (gió) và thủy (nước) thì phải hoán, phải thay đổi.

Phong thủy là sự biến đổi tự nhiên. Gần, phong thủy là hơi thở, là cơm ăn nước uống sự sống hàng ngày. Xa, phong thủy là đất trời, vũ trụ. Con người là trung tâm của vũ trụ. Sự chi phối của vũ trụ đối với vạn vật, con người từng giây, từng giờ, từng ngày là quá rõ. Nhưng chưa bao giờ, không bao giờ phong thủy có mối quan hệ, che chở cho cái ác, cái tham lam, cái không hướng thiện. Như vậy, phong thủy quay về đúng bản chất cuộc sống: Đức năng thắng số; khôn ngoan chẳng lọ thật thà; ác giả ác báo; sâu rễ thì bền gốc; gieo gió thì gặt bão; hại nhân nhân hại. Phong thủy không cao hơn pháp luật. Hưởng lộc phong thủy mà không biết tôn trọng phong thủy, lợi dụng phong thủy, trở thành đạo tặc của phong thủy thì bất cứ tuổi gì, cầm tinh con gì, chức vụ gì, trấn yểm phong thủy bằng cách gì cuối cùng cũng bị trả giá. Kết cục có thể rất cay đắng, không phong thủy nào có thể cứu vãn nổi.

Nguyễn Minh Khiêm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]