(vhds.baothanhhoa.vn) - Hoằng Hóa tự xưa đã nổi danh là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, “cái nôi” sinh thành và nuôi dưỡng nên nhiều hiền tài, nhà cách mạng kiên trung, gia đình, dòng họ hiếu học... Trong đó, nhà giáo, nhà cách mạng Lê Xuân Lan và dòng họ Lê Xuân là minh chứng sinh động, đóng góp lớn lao cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Nhà giáo, nhà cách mạng Lê Xuân Lan và dòng họ Lê Xuân:

Như mạch nguồn tươi mát...

Hoằng Hóa tự xưa đã nổi danh là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, “cái nôi” sinh thành và nuôi dưỡng nên nhiều hiền tài, nhà cách mạng kiên trung, gia đình, dòng họ hiếu học... Trong đó, nhà giáo, nhà cách mạng Lê Xuân Lan và dòng họ Lê Xuân là minh chứng sinh động, đóng góp lớn lao cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Như mạch nguồn tươi mát...

Vợ chồng Tiến sĩ Lê Xuân Thảo (con trai của cố nhà giáo, nhà cách mạng Lê Xuân Lan) - Tiến sĩ Lê Bích Thắng trao tặng kinh phí tài trợ xây dựng cơ sở vật chất cho Trường Tiểu học Lê Xuân Lan (xã Hoằng Tiến, Hoằng Hóa).

Về với vùng đất biển Hải Tiến, nơi sóng vỗ dạt dào bên những rặng dừa, phi lao xanh mướt cùng cảnh sắc thiên nhiên mộc mạc, trữ tình, câu chuyện về nhà giáo, nhà cách mạng Lê Xuân Lan (1916-1983) và dòng họ Lê Xuân như niềm tự hào, làm rạng danh thêm cho vẻ đẹp của đất và người nơi đây.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng, hiếu học, ngay từ những ngày còn nhỏ, cố nhà giáo, nhà cách mạng Lê Xuân Lan đã được nuôi dưỡng, rèn luyện trong mạch nguồn tươi sáng ấy. Cụ Lê Xuân Tuyển (tức Đội Tám), ông nội của ông Lê Xuân Lan là một trong những người tích cực tham gia khởi nghĩa Ba Đình (Nga Sơn); hai người con trai của cụ là Lê Tất Đạt và Lê Xuân Tiên đều thi đỗ tú tài Hán học cùng một khóa; tiếp đó, cụ Tú Tiên thi đỗ 2 khóa nữa. Gia đình cụ Tuyển được sắc phong “Hàn Lâm thị tộc”, là tâm điểm của phong trào hiếu học ở một miền quê “đồng khô cát bỏng” của tổng Ngọc Chuế (nay là 8 xã vùng ven biển Hoằng Hóa).

Từ rất sớm, ông Lê Xuân Lan đã được bố dạy cho biết chữ Hán. Năm 10 tuổi, ông theo học chữ Quốc ngữ tại trường sơ học tổng Ngọc Chuế. Ông học hành chăm chỉ, tư chất thông minh, thi đâu đỗ đó, thuộc lớp người đầu tiên của tổng Ngọc Chuế thi đỗ Pri-me dưới thời Pháp thuộc, xuất sắc thi đỗ đầu vào Trường Quốc học Huế dù lúc bấy giờ cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn nhiều điều. Tốt nghiệp loại ưu, được cấp học bổng đi du học ở Pháp nhưng ông đã từ chối với mong muốn được ở lại nước nhà tham gia hoạt động cách mạng, là người thầy giáo tâm huyết, nhiệt thành gieo con chữ, cống hiến cho ngành giáo dục, nâng cao dân trí cho Nhân dân.

Những câu chuyện về người thầy mẫu mực Lê Xuân Lan được nhiều thế hệ học trò ghi lại khiến thế hệ hôm nay càng thêm trân trọng, quý mến: Thầy tính tình điềm đạm, ôn hòa mà nghiêm túc, trầm tư mà đĩnh đạc, lương tâm và tri thức thì vời vợi, mà cuộc sống vật chất thì thanh đạm không hơn gì bà con nông dân thời đó. Bằng cách sống mẫu mực, thương yêu học trò như con em mình và bằng phương pháp sư phạm chặt chẽ đến nghiêm khắc, thầy đã trang bị cho học sinh mình một kiến thức rất cơ bản để bước vào đời, cống hiến sức mình xây dựng quê hương, đất nước.

Không chỉ là người thầy tài năng, mẫu mực, đáng kính của nhiều thế hệ học trò, cố nhà giáo Lê Xuân Lan còn là người cán bộ kiên trung, tận tụy với con đường hoạt động cách mạng. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, ông giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia hoạt động Việt Minh. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban lâm thời Nhân dân cách mạng tổng Ngọc Chuế và sau được bầu làm Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Hoằng Hóa. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông được cử làm Trưởng Phòng Thông tin trực thuộc Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa.

Cuộc đời và sự nghiệp của cố nhà giáo, nhà cách mạng Lê Xuân Lan và dòng họ Lê Xuân vừa như khúc ca đẹp vừa như lời động viên, nhắc nhở của bậc tiền nhân về nghị lực, ý chí vươn lên. Từ mạch nguồn tươi mát ấy, các thế hệ cháu con của dòng họ Lê Xuân không ngừng nỗ lực, cố gắng, ghi danh trên nhiều lĩnh vực với những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Trong đó, vợ chồng tiến sĩ Lê Xuân Thảo (con trai thứ ba của cố nhà giáo, nhà cách mạng Lê Xuân Lan) - Lê Bích Thắng là những người tâm huyết, nặng lòng “đặt viên gạch” đầu tiên xây dựng nên Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến, đánh thức cả một vùng biển rộng lớn của Hoằng Hóa, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách xa gần, nâng cao vị thế của du lịch biển xứ Thanh trên bản đồ du lịch biển cả nước, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện, tỉnh.

Thấm nhuần lời răn dạy của cha: “Nhân bất học bất tri lý”, “Ấu bất học lão hà vi”, bản thân cũng là những nhà khoa học, trưởng thành từ con chữ, tiến sĩ Lê Xuân Thảo - tiến sĩ Lê Bích Thắng đặc biệt quan tâm, đầu tư phát triển giáo dục. Từ hơn 30 năm trước, vợ chồng ông bà Thảo - Thắng là một trong những người đầu tiên hăng hái vận động, kết nối, sáng lập Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - VIFOTEC với sự tham gia của nhiều thế hệ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học đầu ngành, các giáo sư, tiến sĩ, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... Qua hơn 3 thập kỷ không ngừng nỗ lực, huy động các tiềm năng về chất xám, nguồn lực tài chính, đến nay VIFOTEC đã chắp cánh và trao cơ hội vàng cho hàng ngàn tài năng sáng tạo trên cả nước; tạo động lực thúc đẩy việc đưa nhanh các sáng kiến khoa học và công nghệ mới vào ứng dụng trong đời sống xã hội, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay, Quỹ VIFOTEC Việt Nam đã tổ chức được 27 lần Giải thưởng Sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam, 16 lần Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc, 17 lần Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc và đã có hàng ngàn công trình khoa học tham dự giải ở các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của Nhà nước như: Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, cơ khí tự động hóa... được vận dụng vào đời sống, sản xuất ra của cải vật chất, làm giàu cho xã hội.

Tại quê nhà Hoằng Hóa, vợ chồng tiến sĩ Lê Xuân Thảo - tiến sĩ Lê Bích Thắng cùng nhiều con cháu trong gia đình, dòng họ Lê Xuân là “mạnh thường quân”, chắp cánh cho nhiều mảnh đời khó khăn vươn lên trong học tập, cuộc sống; hỗ trợ kinh phí xây dựng trường học, trùng tu, tôn tạo nhiều di tích lịch sử - văn hóa, tâm linh. Đặc biệt, Quỹ Khuyến học Lê Xuân Lan được thành lập từ nguồn quỹ do hậu duệ cố nhà giáo Lê Xuân Lan và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện ủng hộ đã tiếp thêm ngọn lửa hiếu học cháy sáng. Quỹ Khuyến học Lê Xuân Lan có mục đích, ý nghĩa khuyến học - khuyến tài, hỗ trợ học sinh giỏi, đặc biệt là những học sinh nghèo vượt khó, học giỏi, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho huyện nhà và cho đất nước. Sau hơn 10 năm thành lập, quỹ thu hút hàng trăm tổ chức, cá nhân ủng hộ, nâng tổng số quỹ lên trên hàng chục tỷ đồng. Quỹ Khuyến học Lê Xuân Lan hiện đã có sức lan tỏa rộng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và một số tỉnh, thành khác...

Gia đình là tế bào của xã hội. Bởi vậy, mục tiêu xây dựng xã hội học tập phải bắt đầu từ trong những “tổ ấm nhỏ”. Gia đình học tập, dòng họ học tập và cứ thế lan tỏa, kết nối. Câu chuyện về nhà giáo, nhà cách mạng Lê Xuân Lan, vợ chồng tiến sĩ Lê Xuân Thảo - tiến sĩ Lê Bích Thắng và dòng họ Lê Xuân là những nhịp cầu trên hành trình lan tỏa, kết nối ấy...

Hoàng Linh

* Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn sách “Thầy giáo Lê Xuân Lan - cuộc đời và sự nghiệp”, Lê Trung Tấn chủ biên, Nxb Thanh Hóa, 2006.


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]