(vhds.baothanhhoa.vn) - Đời sống văn học nghệ thuật (VHNT) xứ Thanh đã và đang chứng kiến, ghi nhận sự nỗ lực, cống hiến, sức sáng tạo bền bỉ của nhiều “lão làng” để đi đến mục tiêu cuối cùng vì sự phát triển của quê hương, đất nước.

Sức sáng tạo bền bỉ của những “lão làng” xứ Thanh

Đời sống văn học nghệ thuật (VHNT) xứ Thanh đã và đang chứng kiến, ghi nhận sự nỗ lực, cống hiến, sức sáng tạo bền bỉ của nhiều “lão làng” để đi đến mục tiêu cuối cùng vì sự phát triển của quê hương, đất nước.

Sức sáng tạo bền bỉ của những “lão làng” xứ ThanhNSNA, nhà báo Trần Đàm trao tặng tập sách ảnh “Nơi chim hạc cất cánh” cho Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

1. Những ngày cuối năm 2023, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - không gian nghệ thuật sang trọng, danh tiếng của cả nước đã diễn ra triển lãm hội họa gồm 50 bức tranh sơn mài được nhà điêu khắc, họa sĩ Tạ Quang Bạo thực hiện trong vòng 3 năm. Ở độ tuổi 83, những nỗ lực sáng tạo, bền bỉ cống hiến cho nghệ thuật của người con quê Hà Trung này không phải là điều ai cũng có thể chạm tới.

Trước khi đến với hội họa sơn mài, ông đã thành danh trong lĩnh vực điêu khắc. “Vọng Phu”, “Tiếng Đàn”, “Giao duyên”, “Hội nghị Diên Hồng”..., nhiều tác phẩm điêu khắc của ông đã ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng yêu nghệ thuật, được giới chuyên môn đánh giá cao. Bàn tay ông làm nên nhiều dáng vóc tượng đài trên suốt dọc dài đất nước. Trong lĩnh vực điêu khắc, ông đã gặt hái được nhiều giải thưởng uy tín. Sau nhiều nỗ lực, cống hiến, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT (năm 2001); Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT (năm 2016)...

Với triển lãm lần này, Tạ Quang Bạo đặt dấu mốc cho một cuộc chơi mới - hội họa sơn mài. 50 tác phẩm được giới thiệu với công chúng trong triển lãm lần này thể hiện góc nhìn, cảm nghĩ của tác giả về con người, cuộc đời, thiên nhiên...

2. Khi được cầm trên tay cuốn sách giới thiệu, phê bình, tiểu luận với cái tên rất gợi - “Những ngôi sao bên tôi” của nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA), nhà báo Trần Đàm cùng mấy chữ viết tay “thân tặng...”, tôi đã thực sự yêu mến, trân trọng, cảm phục rất nhiều.

Dù tóc đã bạc phơ, tuổi đã qua độ “bát thập đắc hi hỉ”, song ông vẫn xông xáo khoác ba lô lên đường đi thực tế sáng tác khắp vùng quê Thanh và nhiều địa danh trên cả nước, “ngao du” sang trời Tây rồi lại hăng hái với ảnh, thơ, truyện ngắn, viết phê bình. Ở ông luôn thấy một thái độ trân trọng việc học, đúng nghĩa “sự học là trọn đời”. Những lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, nói chuyện chuyên đề do Hội VHNT tổ chức, ông ít khi nào vắng mặt... Cái tinh thần, năng lượng, sức sáng tạo bền bỉ ấy khiến “đám trẻ” chúng tôi không ngớt lời tán thưởng, học hỏi biết bao điều.

Chỉ tính quãng thời gian từ lúc nghỉ hưu đến nay (khoảng 22 năm), ông đã xuất bản 15 cuốn sách ảnh, trong đó có 5 cuốn được giải xuất sắc của Trung ương Hội NSNA Việt Nam, có 5 cuộc triển lãm với hàng trăm tác phẩm ảnh triển lãm trong nước và quốc tế. Ông đã được phong tặng tước hiệu ESVAPA (NSNA có cống hiến xuất sắc) và NSNA quốc tế APIAP.

Bước chân vào địa hạt văn chương là một “cuộc chơi” khác của ông với niềm đam mê rất riêng. Ở đó, ông vẫn luôn tự nhủ: Mình không phải là người viết chuyên nghiệp. Những danh xưng nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình không phải là “đích đến”. Niềm vui con chữ, trước nhất, là để sẻ chia tiếng lòng, thỏa mãn cảm xúc - những nhu cầu tự thân. Điều đó quan trọng hơn tất thảy. Đến nay, tác giả Trần Đàm đã có 4 tập thơ, 2 tập lý luận phê bình, 1 tập truyện ngắn...

“Những ngôi sao bên tôi” là tập sách giới thiệu, phê bình, tiểu luận mới nhất của tác giả Trần Đàm ra mắt độc giả vào tháng 9/2023. 21 bài viết được tập hợp trong cuốn sách là những đồng điệu, tri âm, hồi ức, kỷ niệm của Trần Đàm với những người “bạn văn” và các tác phẩm tiêu biểu của họ. Đọc những trang viết của tác giả Trần Đàm, bạn đọc thấy ở đó cái tình nồng đượm, cái sâu sắc của điểm nhìn, cái độc đáo của hướng tiếp cận, cái vững vàng của lập luận, lý lẽ, minh chứng.

Tác giả Trần Đàm đã rất tinh tế khi nhận định về nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải: “Cái vỉa quặng văn hóa dân tộc, văn hóa bản địa còn hiên ngang sừng sững, nhiều thứ còn như nguyên sinh. Cao Sơn Hải đau đáu với quê hương là đau đáu với di sản văn hóa ấy” (Thầy Cao Sơn Hải - người góp công giữ lửa hồn Mường).

Viết về “Mảnh vụn chiến tranh”, ông như đang “trút lời gan ruột” cùng nhà văn Từ Nguyên Tĩnh và độc giả: “Là người lính ngồi trên trận địa pháo cao xạ, ông thấu hiểu tâm can từng người đồng đội; ông thấu hiểu tình cảm của quân dân hai bờ sông Mã bên chiếc cầu lịch sử Hàm Rồng. Do đó, truyện của ông, văn của ông là máu của đồng đội, là mồ hôi nước mắt của Nhân dân, là sự tài tình của quân binh chủng, là sự thắt chặt gắn bó tình yêu, tình quân dân của một vùng đất anh hùng. Tiểu thuyết “Mảnh vụn chiến tranh” lấy cái “vụn” để nói cái to lớn vĩ đại của dân tộc...

Đọc tập sách, bạn đọc bắt gặp ở đó những chuyện rất đời và rất nghề của nhiều văn nghệ sĩ xứ Thanh như: Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, “Quái kiệt xứ Thanh” Lê Đình Quỳ, họa sĩ Đỗ Chung; tiếng thơ Văn Đắc, Lê Quang Sinh, Lâm Bằng, Vũ Duy Hòa, Phù Sa Trắng; nhà lý luận - phê bình Thy Lan; âm nhạc Đỗ Hoài Nam; văn chương Huy Súc, “lão ngư viết văn” Nguyễn Văn Đệ... Chân dung đời thường và chân dung tinh thần, nghệ thuật của họ cùng đồng hiện. Đó là cái tài, cái tình của Trần Đàm khi viết tiểu luận, phê bình.

3. Không chỉ có nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, NSNA, nhà báo Trần Đàm, đời sống VHNT xứ Thanh đã và đang chứng kiến, ghi nhận sự nỗ lực, cống hiến, sức sáng tạo bền bỉ của nhiều “lão làng”. Phần lớn các hội viên của Ban Văn nghệ dân gian, Hội VHNT Thanh Hóa tuổi tác đã cao nhưng vẫn miệt mài, hăng say điền dã, nghiên cứu, khảo cứu để viết nên những công trình học thuật chất lượng, để hướng đến mục tiêu cuối cùng là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống. Bao nhiêu lời thơ chan chứa tình, câu văn đầy phóng khoáng, hiện đại vẫn cứ thế được cất lên/viết nên từ những “lão làng” ấy. Hằng ngày, nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải vẫn ngồi bên cửa sổ đọc sách và ấp ủ dự định khởi thảo những công trình hàng trăm trang giấy. Cái tuổi 95 chẳng thể cản được tâm hồn trẻ trung, sung sức của nhạc sĩ Văn Hòe. Ông vẫn cứ say sưa đệm đàn cho các hậu bối ngân nga trong những cuộc gặp gỡ, giao lưu, vẫn cặm cụi dưới ánh đèn đọc sách kim - cổ...

Còn nhớ, cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ đặt bút viết công trình “Tinh hoa văn hóa xứ Thanh” khi tuổi đời đã ngoài 80. Trong suốt nhiều năm miệt mài như “con tằm rút ruột nhả tơ”, vượt qua nhiều giai đoạn sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ đã hoàn thành khoảng 2 nghìn trang bản thảo viết tay. Ngày cuốn sách “Tinh hoa văn hóa xứ Thanh” (NXB Thanh Hóa, 2019) đạt giải B, Giải thưởng Sách quốc gia, “cha đẻ” của nó đã trở thành người thiên cổ. Nhưng tinh thần cống hiến cùng giá trị mà cuốn sách mang lại đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả, trên hành trình phát triển VHNT xứ Thanh.

VHNT là sân chơi không tuổi, không có đường biên giới hạn. Bởi lẽ, đó là nơi nuôi dưỡng tài năng, phát triển niềm đam mê, khơi dậy động lực sáng tạo...

Bài và ảnh: Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]