(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghĩ về ông, tôi nghĩ đến tiếng cười rổn rảng, hào sảng của một người có thể rượu uống cả chum, “lắc vò bảy khoanh, khiêng vò chín sải”. Hơn chục năm nay bạn bè thấy ông sức khỏe kém, đi lại khó khăn, chân tay run lẩy bẩy. Nhưng ông vẫn làm thơ, vẫn lấy thơ làm nguồn vui để mỗi ngày trôi đi không còn quá dài. Tuy nhiên, biến cố đời người ai mà biết trước được, người vợ luôn chăm sóc ông lại “ra đi” trước, trở về làng Lú, xã Quang Trung (Ngọc Lặc) gặp tổ tiên rồi. Ngày tháng càng dài hơn, xung quanh ông là những gói thuốc to nhỏ, chữa đủ thứ bệnh… “Con cái gửi về, bắt tôi uống đó. May nhờ thuốc mà tôi không phải nằm bệt một chỗ”. Và ông đang leo sang mốc tuổi 80 như leo con dốc cheo leo, qua con suối to, vực sâu tự thuở nào.

Nhà thơ Vương Anh và nỗi cô đơn

Nghĩ về ông, tôi nghĩ đến tiếng cười rổn rảng, hào sảng của một người có thể rượu uống cả chum, “lắc vò bảy khoanh, khiêng vò chín sải”. Hơn chục năm nay bạn bè thấy ông sức khỏe kém, đi lại khó khăn, chân tay run lẩy bẩy. Nhưng ông vẫn làm thơ, vẫn lấy thơ làm nguồn vui để mỗi ngày trôi đi không còn quá dài. Tuy nhiên, biến cố đời người ai mà biết trước được, người vợ luôn chăm sóc ông lại “ra đi” trước, trở về làng Lú, xã Quang Trung (Ngọc Lặc) gặp tổ tiên rồi. Ngày tháng càng dài hơn, xung quanh ông là những gói thuốc to nhỏ, chữa đủ thứ bệnh… “Con cái gửi về, bắt tôi uống đó. May nhờ thuốc mà tôi không phải nằm bệt một chỗ”. Và ông đang leo sang mốc tuổi 80 như leo con dốc cheo leo, qua con suối to, vực sâu tự thuở nào.

Nhà thơ Vương Anh và nỗi cô đơn

Trên con dốc ấy ông không có đứa con nào ở sát sạt bên cạnh để vịn vào, bạn bè tuổi cao sức yếu dăm thì mười họa ghé qua thăm, gọi điện cho nhau thì nghe không còn rõ tiếng. Thơ lúc này còn hơn cả cái cây to để ông tựa vào.

Từ năm 1968, khi tập trường ca “Sao chóp núi” đến tập thơ gần đây nhất, nghĩ về một người tiêu biểu của xứ Mường Trong, không ai không nhắc ngay đến nhà thơ Vương Anh. “Như con chiêng bay đi/ Như con chiêng bay về.../ Bay về/ Bay về.../ Đánh thức từng dấu vết loài vật, loài người/ Chiêng phang ở đầu trời/ Âm vang rơi trả về cuối đất/ Đất nào!/ Hỡi mảnh đất Mường/ Chẳng tắt mùa hoa”.

Cầm trên tay tập thơ ông vừa xuất bản có tiêu đề: “Rừng mở sân trăng”, tôi thật sự bất ngờ. Bởi chưa gặp ông tôi cứ còn nghĩ ngắn, sau những biến cố lớn, ông chẳng thể viết văn làm thơ gì được nữa. Nhưng không, viết như sự sống của ông. Tôi còn nhớ lời tâm sự cách đây chừng 5 năm khi ông nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật: Mỗi khi cầm bút viết văn, làm thơ tôi thường nhớ đến bố. Bố là người ép tôi nhấp vài ngụm rượu thuở mười hai tuổi, ý là cho tỉnh táo và bò rạp trên sàn nhà để nghe và chép sử thi Mo Mường: “Đẻ đất đẻ nước”. Chuyện về những chiếc đùi gà, những nắm xôi nếp, cái bút sắt, lọ mực tím và cái đãy vải xô ám khói theo tôi và bố ròng rã hai mươi năm trời để đựng đầy bốn mươi hai tập giấy, quyển vở học trò với hơn 2 vạn câu thơ Mường. Nhờ tài sản vô giá đó của cha ông, của tổ Mường, tổ Việt để tôi có bước đi ban đầu.

Đọc lại bài thơ “Hoa trong Mường” ra đời cách đây gần 55 năm đủ thấy ông yêu dân tộc Mường của mình thế nào. Từ ý tứ bàn tay là hoa một đời, ông đã nhìn ra “Ngón dài, mòn đốt giữa, bởi vít cần rượu uống/ Ngón ngắn như vẻo măng mai, măng hóp dựng nên nhà kín cột, rộng gian/ Ngón trỏ móc mắt ông đạo ông quan/ Để ngón tùn lùn giữ của”. Nhờ những ngón tay ấy mà người đồng bào được no mắt nhận bông cơm trái lúa: “Lúa nếp đồng trong chạy kín thung dài/ Lúa chăm (tẻ) đồng ngoài cõng nhau trèo từng thang đất”.

Nhà thơ Vương Anh và nỗi cô đơn

Phía sau những ruộng lúa ấy là rừng. Bài thơ “Rừng mở sân trăng” với những câu thơ: “Rừng chong mắt lá giữ nguồn/ Bao nhiêu cây biết lớn khôn với người/ (...) Mến rừng... Nhớ nhớ quên quên/ Chống chênh lạc bước giữa miền sân trăng” dễ giúp chúng ta hiểu ra rừng chính là ngọn nguồn khơi mở thế giới thơ, thế giới đời ông.

“Rừng vẫn sức voi chín ngà/ Nhà vẫn ngàn đời ủ lửa/ Cây càng xanh ngút ngát ca dao/ Như thể rừng chưa hề biết lao đao” và ông cứ thế tựa vào rừng với những sườn mây vách đá, tựa vào ruộng nơi chân đồi, chân lũng...

Và ở trong thế giới của rừng là rượu cần, là tiếng cồng chiêng. Ở hầu hết các tập thơ của ông, tiếng cồng, chiêng vang vọng, và đến cuối đời thì âm vang chiêng, cồng càng dữ dội hơn.

Điều này ta dễ nhận ra khi đọc từ trường ca “Hồn Chiêng gánh núi” (2008) với: “Chiêng trốn ở đầu khe/ Gió lục tung lũng suối/ Chiêng nấp vào cây lim/ Thả đàn khỉ rung cành/ Cồng leo dây tròng trành/ Hãy nấp vào cánh bướm/ Cồng thức dậy cho sớm/ Để gióng hồi cồng thăm/ Chiêng ngẩng mặt nhìn trăng/ Để soi tìm bầu bạn”; đến Rừng mở sân trăng (2022): “Đi từ suối ra sông/ Khiêng theo tiếng chiêng cồng/ Gùi vầng trăng xuống núi/ Khấp khởi cõng đời tôi”.

Cồng chiêng vang lên khi đứa bé Mường chào đời, đến khi người con Mường qua đời. Cồng chiêng nói thay tâm tình giữa người với người, thay người liên lạc với thần linh, dẫn linh hồn người Mường chu du qua vũ trụ “ba tầng bốn thế giới” Mường. Thấm đẫm âm thanh ấy, nhà thơ Vương Anh đã để tiếng cồng, tiếng chiêng chảy lúc róc rách, lúc cuộn trào trong rất nhiều tập thơ của mình. Và trong số 9 công trình nghiên cứu văn hóa dân gian, những bài mo, bài xường, không thể thiếu thanh âm ấy. Tiếng cồng chiêng hòa vào điệu múa, lâng lâng bên ché rượu cần dưới ánh trăng. Bởi thế, cồng chiêng và nàng trăng từ dân gian vẫn chảy say đắm và uyển chuyển, tình tứ trong tiếng thơ nhà thơ Mường hiện đại Vương Anh. Nhưng sau những say mê ấy lại là sự đau đớn từ gan ruột. Trong hàng nghìn chiếc cồng, chiếc chiêng ấy lưu giữ bao bài mo, bài xường, sao giờ mỗi bản làng còn dăm ba chiếc?. Cứ đọc từng bài thơ trong “Rừng mở sân trăng” ta nhận ra sự xa xót ấy. Không gian phố thị có lẽ khiến một người lớn lên từ rừng, uống nước suối, đẫm mình trong điệu cồng chiêng cứ thấy lẻ loi, đơn côi mà nhớ “Rừng xiêu liêu lời hẹn bạn tình”. Chuyện trò với ông thời điểm này, ông thường xuyên nhắc về ký ức. Ông nhớ chuyến đi Lào về là in ngay một tập thơ. Ông tiếc nhà văn hóa làng Lú của ông đã bị dỡ bỏ. Nỗi tiếc nuối ấy thể hiện cái khát khao: “Ta cứ sống ở làng/ Cho tuổi trăm năm và nữa/ Lúa nương gõ cửa/ Rượu suối rì rào”; “Hỡi đất đã chôn nghìn điều thương/ Hỡi mường từng nuôi mượt mà muôn nỗi nhớ”. Khẳng định “Ta cứ sống ở làng” nhưng là sự tiếc nuối đến nhớ thương.

Điều đáng phải nói, trong nỗi cô đơn về tuổi già, sự lẻ bóng, những lo âu đung đưa trước gió thì thơ của ông lại vẫn rộn ràng, vẫn nhịp cồng chiêng ngân vang. Cầm trên tay bản thảo đang hoàn chỉnh “Bùa lá”, ông chia sẻ: Trên giá sách của tôi vẫn còn có vài tập bản thảo, có bản thảo đã từng được giải của Hội Văn nghệ dân gian, nhưng vẫn chưa in. Sắp tới tôi sẽ in tập thơ “Miền gió nương” và Truyện nàng Ả Kòm, bản tráng ca khát vọng tồn tại của con người nghề dệt vải của phụ nữ Mường”.

Nếu trước đây khi gặp tôi ông thường thể hiện nỗi lo về những người làm công tác văn hóa ngày nay, những ngôi nhà sàn dần thưa thớt, con gái Mường chẳng thiết tha đến cái váy, cái khăn. Đã thế, vừa nói ông lại vừa so sánh về sự nhiệt huyết ở cái thời ông cùng nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân đi qua các bản làng để ghi lại những câu xường, bài mo...

Còn giờ đây, ông chỉ nghĩ cố làm được tí nào hay tí ấy, ông sợ thời gian sẽ dừng lại. Bàn tay run rẩy của ông cứ lạch cạch “mổ cò” trên bàn phím để ghi lại những câu thơ viết về một thời đã xa. Giá như có phép màu nào đó, tôi sẽ cầu mong những thi sĩ già như ông không phải cô đơn một mình bước đi trên con đường ngắn ngủi còn lại ở cõi đời này.

Từng dạy học rồi làm cán bộ quản lý nghiệp vụ văn hóa của tỉnh, rồi làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nhưng nhà thơ Vương Anh (sinh năm 1944) lại được cả nước biết đến với tư cách là đồng tác giả biên soạn trường ca “Đẻ đất đẻ nước”, rồi giải Nhì cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1969, và gần đây nhất là giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017. Ông được xem là nhà thơ nổi bật của người Mường nói riêng và các nhà thơ dân tộc miền núi nói chung. Tính đến nay, tổng số đầu sách của ông là trên 50 cuốn.

Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]