(vhds.baothanhhoa.vn) - Đọc đi đọc lại “Tri âm cùng con chữ”, tập phê bình tiểu luận của nhà giáo, nhà văn Trịnh Vĩnh Đức, cảm nhận đầu tiên của tôi là anh có sự đột phá mạnh mẽ, tâm huyết, với nhiều khát vọng, năng lượng lớn trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận phê bình. Với “Tri âm cùng con chữ”, Trịnh Vĩnh Đức có nhiều tìm tòi, phát hiện mới, khẳng định sở trường của anh khi bước vào nghiên cứu và cảm nhận văn chương. Anh luôn xây cho mình một cách nhìn riêng mới về một số tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại, với sự lao động miệt mài, say mê không ngừng nghỉ. Anh đã tìm thấy hương thơm vị ngọt, cái hay, cái đẹp, cái hấp dẫn, lung linh, bí ẩn trong con chữ của các tác giả qua những bài viết mà anh muốn dành tình cảm yêu quý để trao tặng bạn bè.

Đọc “Tri âm cùng con chữ” của trịnh Vĩnh Đức

Đọc đi đọc lại “Tri âm cùng con chữ”, tập phê bình tiểu luận của nhà giáo, nhà văn Trịnh Vĩnh Đức, cảm nhận đầu tiên của tôi là anh có sự đột phá mạnh mẽ, tâm huyết, với nhiều khát vọng, năng lượng lớn trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận phê bình. Với “Tri âm cùng con chữ”, Trịnh Vĩnh Đức có nhiều tìm tòi, phát hiện mới, khẳng định sở trường của anh khi bước vào nghiên cứu và cảm nhận văn chương. Anh luôn xây cho mình một cách nhìn riêng mới về một số tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại, với sự lao động miệt mài, say mê không ngừng nghỉ. Anh đã tìm thấy hương thơm vị ngọt, cái hay, cái đẹp, cái hấp dẫn, lung linh, bí ẩn trong con chữ của các tác giả qua những bài viết mà anh muốn dành tình cảm yêu quý để trao tặng bạn bè.

Đọc những bài viết của Trịnh Vĩnh Đức, cái mà ta nghe rõ nhất là tiếng lòng của anh, tiếng tri thức của anh, chuyển động nội lực của anh. Từ khái quát, tổng hợp, anh nhận định, phân tích, đánh giá, không bị chi phối bởi những lý thuyết này, lý thuyết kia, xu hướng này, xu hướng kia trong học thuật. Chính vì vậy, anh tự nhiên, tự tin, không bị ám ảnh bởi bất cứ một cây cao bóng cả nào, kể cả trong sáng tác cũng như trong nghiên cứu phê bình văn học.

Anh dám đi vào những “lâu đài cổ kính” của những tác giả nổi tiếng như Nguyễn Bính, Nguyễn Minh Châu, nơi mà những nhận định, đánh giá, phê bình, tiểu luận, hội thảo khoa học, lời tôn vinh cao gấp nhiều lần tác phẩm của những nhà văn ấy. Song, anh không ngại những “tòa tháp kiến trúc đa phong cách kiểu mới” như Chu Văn Sơn, Ngô Văn Giá. Anh thấy cái đẹp, cái tiến bộ, cái chuyển động trong bức tranh thơ Từ Nguyên Tĩnh; anh mạnh dạn tìm tòi cái mới, cái hy vọng từ những cây bút vừa xuất hiện như Lê Xuân Đồng, Phạm Văn Dũng. Không chỉ vậy, Trịnh Vĩnh Đức thử sức mình khi bằng ngòi bút soi vào từng mảng văn học, từng thời kỳ, từng giai đoạn văn học của xứ Thanh để góp tiếng nói riêng của mình về giá trị nội dung, nghệ thuật, hoặc nhận diện từng tác giả trong giai đoạn văn học ấy. Thực chất đây là những tiểu luận có tính nghiên cứu, tham luận về một tác phẩm, đặt tính văn chương lên hàng đầu.

Anh nghiên cứu phê bình thơ của Nguyễn Bính, Nguyễn Minh Khiêm, Từ Nguyên Tĩnh, Huy Trụ, Trần Đàm, Phạm Văn Dũng, Lê Xuân Đồng. Anh trải luận bàn về vẻ đẹp nghệ thuật ảnh (trường hợp Trần Đàm); anh lật xới trong lĩnh vực phê bình tìm ra nét riêng khi viết về chân dung nghệ thuật với P.GS.TS- Ngô Văn Giá, Nhà văn Thy Lan, Lê Xuân, Lê Xuân Soan; anh soi chiếu vào các tác phẩm đúc kết các giai đoạn văn học (trường hợp Tiếp cận thơ xứ Thanh đầu thế kỷ XXI). Anh dày công nghiên cứu trường ca…Ngòi bút Trịnh Vĩnh Đức trải nghiệm từ thể loại này qua thể loại khác, từ lĩnh vực này qua lĩnh vực khác, vừa xuyên phá vừa xâu chuỗi, vừa tách bóc khu biệt từng tác giả, vừa gắn kết các gương mặt trong một bức tranh tổng thể của văn chương giúp người đọc nhìn nhận rõ cái riêng, cái khác biệt, đồng thời hình dung được cái chung, cái đồng nhất của một dòng chảy văn học.

Điểm nổi bật nhất trong phong cách viết phê bình của Trịnh Vĩnh Đức là kết hợp giữa phê bình dựng chân dung gắn với phê bình văn chương ở một số bài. Tiêu biểu cho dạng này là các bài: “Văn Giá – Một đời dạy và viết”; “Chu Văn Sơn – Người ra đi văn chương còn mãi”; “Nhà văn Lê Xuân với tác phẩm “Vẻ đẹp văn hóa, văn nghệ dân gian Nam Bộ”; “Bước đầu tiếp cận thơ Từ Nguyên Tĩnh”… Để khai triển ý, toát lên chân dung tác phẩm văn học, đòi hỏi người phê bình phải có một kiến thức lý luận văn học phong phú mới cho ta nắm bắt toàn bài dễ dàng, thuận lợi. Mặt khác còn phụ thuộc vào tài năng nghệ sĩ của người viết. Dẫu đơn giản, không cầu kỳ, nhưng phải làm toát lên được hồn cốt tác phẩm.

Trước khi viết, Trịnh Vĩnh Đức tìm hiểu rất công phu, kỹ càng tiểu sử cuộc đời văn nghiệp của từng tác giả. Chính vì vậy, phần khai mở về tác giả, anh nói rất kỹ, rất chắc. Trịnh Vĩnh Đức khéo léo vận dụng tiểu pháp lồng ghép nghệ thuật giới thiệu chân dung tác giả với đánh giá nội dung, nghệ thuật, giá trị tác phẩm. Cách làm này, làm cho bài viết hài hòa, dễ tiếp nhận.

Điểm nhấn trong phong cách phê bình ở phần diễn ngôn, lập thành ý các luận điểm, Trịnh Vĩnh Đức đã có những nhận định, đánh giá, bình luận tổng quát khá sắc sảo toàn bộ sự nghiệp sáng tác kèm theo văn bản và tài năng nghệ thuật của tác giả đó. Đồng thời cũng chỉ ra những khiếm khuyết. Anh tiếp cận về nhà thơ Từ Nguyên Tĩnh: “Như một bản phối trên nền nhạc, các tác phẩm mà ông sáng tác như tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, các thể ký văn học, cả tiểu luận phê bình để lại nhiều sắc màu trong lòng độc giả. Ở thể loại nào ông cũng tỏ ra sung sức. Đặc biệt ông có một gia tài thơ và trường ca khá phong phú. Thơ ông in thành tuyển tập. Nhà xuất bản Hội Nhà văn in năm 2017 gồm 163 bài cùng với Trường ca Hàm Rồng có 24 trường đoạn đã ghi đậm dấu ấn cá nhân Từ Nguyên Tĩnh” (tr.99). Trịnh Vĩnh Đức mạnh dạn, tự tin viết về Nguyễn Bính: “Hồn quê trong thơ ông được xét trong phương thức nghệ thuật biểu hiện đó là cảnh, là tình, là điệu dân tộc mà bao đời đã thấm đẫm… Hồn quê trong giọng điệu thơ Nguyễn Bính là cái tôi ám ảnh trong cảm nhận mắc nợ với quê hương…(tr.10)… Hồn quê trong thơ ông dẫu có mang theo hơi thở của nhịp sống đương thời vẫn không làm mất đi cái chất quê quyện chặt hồn dân tộc vươn tới đỉnh cao” (tr.14). Rất nhiều người viết về thơ Từ Nguyên Tĩnh, Nguyễn Bính nhưng ngòi bút của Trịnh Vĩnh Đức vẫn cố gắng cày xới ra mạch vỉa của riêng mình. Đây là chỗ thể hiện rõ nhất bản lĩnh của người cầm bút làm phê bình văn học.

Thế mạnh của Trịnh Vĩnh Đức là cái nhìn tổng thể, đánh giá tổng quát, cách phê bình dẫn giải đa dạng, phong phú mang tính chuyên môn đậm nét. Mạch văn lôi cuốn, phần nào được thỏa mãn người đọc. Tuy nhiên, vẫn còn có bài trong cấu trúc cân đối văn bản viết ở phần mở đầu còn dài. Dẫu vậy, những bài viết trong tập sách “Tri âm cùng con chữ” của Trịnh Vĩnh Đức là rất đáng trân trọng. Anh không viện dẫn nhiều triết lý, luận điểm, cơ sở này cơ sở kia. Anh chọn cách viết truyền thống, dễ đọc, dễ ngẫm, dễ cảm nhận, dễ xâu chuỗi, dễ nhận ra hồn cốt tác phẩm, dễ nhận ra diện mạo tác giả. Anh vận dụng nhuần nhuyễn lý thuyết văn bản. Đôi lúc anh cũng chạm đến lý thuyết cấu trúc, lý thuyết so sánh nhưng không sa đà vào các lý thuyết ấy, không bị nó cuốn theo.

Bạn đọc đã đón nhận “Tri âm cùng con chữ” với một tấm lòng tri âm cùng tác giả. Và trong hành trình gian lao vất vả của nghiệp viết, tôi rất tin ở một người sống chân tình, mộc mạc, chân chất, lại có niềm đam mê văn chương, giàu khát vọng, luôn được bạn bè yêu mến quý trọng như anh.

Nguyễn Minh Khiêm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]