Nhà to - lòng hẹp
Nhận khoản tiền của Nam đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc gửi về, ông bà Việt được con trai quyết nghị phá cái nhà cũ, xây nhà mới.
(Ảnh minh họa)
Nhà đang ở ít ra là có lịch sử hơn 50 năm. Ban đầu chỉ là căn nhà cấp 4, vừa làm chỗ ngủ, vừa là nơi sinh hoạt chung, rồi cả chỗ nấu nướng. Mấy thế hệ ở trong ngôi nhà này rồi. Nhiều lúc chật chội khó chịu, nhưng đành chấp nhận vì có muốn thay đổi cũng không cách nào.
Đời này, đời kia cứ thế sống. Đến khi thằng Nam thông báo cưới vợ, cả nhà cũng tính sửa sang lại. Nhưng nhà thì chỉ có thế, thôi thì đành chia đôi phòng chính lại để làm phòng riêng tư cho vợ chồng trẻ. Không để bếp trong nhà nữa mà chuyển ra gần gốc cây xoài, thưng ít tấm lợp pro-xi măng lại. Đâu cũng vào đấy, ổn hết.
Cả gia đình vui mừng đón thêm đứa cháu nội, thì thằng Nam trở tính trở nết, cộc cằn, thô lỗ. Có lúc nó còn nói xẵng: Ở thế này mà cũng ở! Không muốn về cái nhà này nữa.
Và nó quyết định đi xuất khẩu lao động. Chẳng ai cản nổi, dù đủ lí lẽ: Vợ còn trẻ, con còn thơ bé. Ở nhà kiếm chút nào ăn chút đó. Giờ đi thì có khi tan đàn sẻ nghé cả. Thằng Nam gầm lên: "Thế nào cũng được. Không đi thì chết khổ cả nhà".
Thế là nó đã đi được hai năm nay. Tháng nào cũng có tiền gửi về ổn định. Vợ con nó cũng đỡ chật vật.
***
Quyết định sửa nhà của thằng Nam khiến cả gia đình tá hỏa. Nó quyết: Phải sửa, tiền nong nó chi. Ông Việt ở nhà lo quán xuyến mọi việc. Rồi nó cho người đến đo đạc, bàn bạc, mọi người ù ù cạc cạc, nghe theo.
Thông tin ấy, người làng nhanh chóng truyền tai nhau. Gia đình bà vốn được coi là hộ nghèo mà sắp sửa tới đây có cái nhà to nhất làng. Ông bà Việt thì lo lắng, thì thầm với nhau: “Nó làm thế thì không biết khi nào mới trả hết nợ nần”; “Nghèo quá cũng khổ”; “Thôi thì cũng phải làm cái nhà cho nở mày nở mặt”...
Tốp thợ chủ yếu là người làng. Toàn người quen nên ông bà cũng yên tâm. Từ khi động thổ đến giờ mọi việc về cơ bản yên ổn. Chỉ lăn tăn nhất là người làng nên phải đối đãi cẩn thận. Mỗi lần nghe câu nói: “Nhà thì rộng mà lòng thì hẹp” là ông bà nghĩ mãi.
Ngày ngày ông bà nấu hai nồi nước trà thanh nhiệt, lá vối thay phiên nhau. Nhưng trưa đến thì nghe họ than phiền: “Sao không làm nồi nước chanh đường đá cho anh em đã khát”. Chiều đến lại xa xôi: “Kể mà có vài cốc bia hơi thì mát ruột”...
Ông bà Việt nay cũng hơn 60 tuổi rồi. Cả đời ông bà có uống bia đâu, thảng hoặc hôm nào có thức ăn thì ông làm chén rượu nút lá chuối. Nên kể ra thì cung cách đối đãi với thợ có thể kém hơn nhà khác. Ông gọi điện trao đổi, thằng Nam bảo: Con đã trao đổi với thợ cả rồi. Mỗi tuần chi cho anh em tốp thợ một lần, quy ra tiền hết. Còn anh em thích thì tự rủ nhau ra quán, nhà toàn người già không phục vụ được.
Thằng Nam nghĩ đơn giản thế, chứ ở làng thì mọi thứ không dễ. Còn con, còn vợ họ. Vì thế thông tin nhà ông bà Việt “kẹt xỉ” lắm, chả biết đường đối xử với thợ cho đàng hoàng càng ngày càng lan nhanh, lại còn thêm mắm thêm muối, đủ vị đậm nhạt.
Ông bà quyết định: "Nghèo thì nghèo, hồi công thợ cũng phải làm bữa ra trò. Thuê hẳn người về nấu nướng". Lên danh sách hẳn hoi, mà chỉ có thêm người này, chứ không dám bớt người kia. “Mụ này to mồm, phải cho tịt lại”; “ông kia Chí Phèo lắm”... Chốt lại là một danh sách dài kín mấy mặt giấy, 15 mâm cơ đấy. “Hơn cả cái đám cưới của thằng Nam”, ông bà Việt thở dài.
Nhưng ông bà nghĩ đi nghĩ lại rồi. Cái tiếng nhà thì to - lòng thì hẹp cần phải xóa bỏ, chứ không khó mà sống được ở làng. Còn bao công to, việc nhỏ trong đời nữa, ngày ngày va chạm nhau, nuốt miếng cháo cũng chả nổi ấy chứ bỡn à.
CHI ANH
{name} - {time}
-
2025-05-16 09:14:00
Thôi thôi, mẹ không nghe số lạ!
-
2025-05-15 09:59:00
Chuyện ở quầy hoa
-
2025-05-15 09:45:00
Nghỉ việc vì... việc trọng đại