(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn thoát cảnh ruộng đồng hay trong thời gian nông nhàn, nhiều người đã lên thành phố mưu sinh bằng các nghề lao động tự do. Vất vả, chịu nhiều thiệt thòi với đồng lương ít ỏi, bấp bênh, nhưng nhiều người trong số họ vẫn cố bám nghề. Họ vẫn thường được gọi là những người làm nghề cửu vạn, hay những "cửu vạn".

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhọc nhằn đời ‘cửu vạn’

(VH&ĐS) Hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn thoát cảnh ruộng đồng hay trong thời gian nông nhàn, nhiều người đã lên thành phố mưu sinh bằng các nghề lao động tự do. Vất vả, chịu nhiều thiệt thòi với đồng lương ít ỏi, bấp bênh, nhưng nhiều người trong số họ vẫn cố bám nghề. Họ vẫn thường được gọi là những người làm nghề cửu vạn, hay những "cửu vạn".

Ghi chép củaDoãn Tài

Mặc bộ quần áo lao động cũ kỹ, chân đi dép tổ ong, đầu đội mũ cối, tôi gia nhập vào đội quân "cửu vạn" ở công viên Lê Hoàn để thấm nỗi vất vả mưu sinh cực nhọc và những trải lòng riêng trong nghề này.

6 giờ 30 phút sáng, khi trời vẫn còn mờ mờ hơi sương, cái rét căm căm pha lẫn vài hạt mưa phùn khiến hơn chục con người lao động nơi đây ngồi nép vào nhau. Ngồi cạnh tôi là những người tứ xứ, già có, trẻ có mắt ai cũng chăm chăm nhìn sang hai bên đường, vào những chiếc bánh xe qua lại, ngong ngóng như khẩn cầu những chiếc bánh xe ấy sẽ lăn thẳng về phía mình. Nhưng chờ mãi, những dòng người vẫn vội vã đi qua.

Trò chuyện, tôi quen một người tên là Phú, 38 tuổi, sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê Quảng Trạch, huyện Quảng Xương. Hít thật sâu điếu thuốc lá Thăng Long, khuôn mặt hốc hác, chai sạm dần hiện lên nỗi buồn khắc khổ, anh kể: Cách đây 13 năm, khi vừa sinh đứa con đầu lòng thì vợ anh lâm bệnh nặng, không có tiền mua thuốc, gia đình có mỗi chiếc xe máy Dream Trung Quốc để chạy xe ôm cũng phải bán nó đi chạy vạy thuốc thang. Không ruộng, không nghề, anh cùng mấy người bạn kéo lên thành phố kiếm việc làm thuê. Ngày đầu anh được một phụ nữ thuê bốc vác gạo từ kho này qua kho kia, dẫu khi đó có sức khỏe nhưng do chưa quen việc nên vài hôm sau đôi vai đau nhức, rồi anh ốm li bì cả tháng trời. Kể tới đó, anh lại kéo điếu thuốc lào, đôi mắt sâu hoắm và nhăn nheo.

- Đứng đây có tai như điếc, có mồm như câm. Anh Phú nói.

- Tại sao vậy? Tôi hỏi.

- Tao thấy chú mày hiền nên tao khuyên. Ở đây cũng nhiều thành phần lắm, tốt có, xấu có, cũng có người là tay nghiện ngập đến đây đứng để trộm đồ. Cũng có những tay ra đây lôi kéo bài bạc, hút chích, tệ nạn... Tóm lại, thấy họ làm gì kệ họ, việc ai người nấy làm, tránh mang họa vào thân. Và nhớ đừng bao giờ nhận chở hàng thuê đến địa điểm nào đó.

- Nhận chở hàng thuê là sao anh?

- Ừ, nhiều khi nó là ma túy chứ sao.

Tôi đang dở câu chuyện thì có một người phóng xe máy đến: "Cần 3 người phá nhà, khoán việc". Cả đám đông đang ngồi im lặng bỗng nhao lên: "Tôi! Tôi đi nữa! Đủ ba người rồi".

Khi ba người được chọn đi làm, cả đám người còn lại không ai nói một lời nào nữa, đôi mắt lại chăm chú vào những bánh xe chạy qua đường. Đến khoảng 10 giờ trưa có thêm vài người nữa đến thuê dọn kho, lấp hố, đào mương, bốc gạch...

Một người nữa phóng xe đến:

- Cần 1 người vác hàng chuyển kho.

Đám đông lại nhốc người lên, nhao nhao chạy tới, nhưng vị khách kia đã điểm chỉ người đàn ông tên Phú đang nói chuyện với tôi. Anh Phú vội lên xe, trước khi đi còn nói với.

Tại khu vực hồ Đồng Hương, đường Quang Trung, những người cửu vạn đang mỏi mòn chờ người tới thuê.

Gần trưa, người thưa dần. Chẳng ai thuê tôi cả. Có lẽ cái cặp kính cận là minh chứng nói tôi không phải là người họ muốn. Tôi cũng bắt đầu ngán và muốn rút lui. Nhìn quanh, đám đông cửu vạn cũng thưa dần. Một người đàn ông mặc bộ quần áo bộ đội cũ nhàu, rách một bên đầu gối vừa phà xong hơi thuốc lào, cười nhạt với tôi:

- Trưa nay lại đói rồi, chú em ạ!

Tôi cũng chỉ cười gượng với anh rồi lên xe phóng một mạch đến "chợ người" khu vực ngã Ba Bia. Tại đây, tôi bắt gặp một nhóm cửu vạn 6 người, họ đang say mê bên ván bài tá lả theo kiểu miền Nam. Sự xuất hiện của tôi cũng chẳng khiến họ bận tâm lắm. Tôi thấy trong số đó có một chú lớn tuổi nằm gác chân trên yên xe máy, lân la mời chú điếu thuốc rồi hỏi chuyện đời, chuyện nghề...

Chú tên là Nguyễn Văn Dương, quê ở Quảng Phong, Quảng Xương, năm nay 46 tuổi, vào nghề cửu vạn được hơn 10 năm. Khi được hỏi về những khó khăn, vui khổ của công việc này.

Chú Dương tâm sự: "Cửu vạn ở thành phố này tập trung khá đông, nhiều địa điểm lắm. Tượng đài Lê Lợi, Công viên Hội An, Công viên Lê Hoàn, ngã Ba Bia, Cầu vượt Phú Sơn... công việc lao động này ở đâu cũng vất vả như nhau. Nhiều khi phải nuốt nước mắt vào trong mà tiếp tục làm. Uất ức nhất là cảnh họ thuê làm rồi quỵt tiền công, họ còn có những lời lẽ miệt thị, xúc phạm mình nhưng vì miếng cơm của các con mình vẫn phải làm. Đã nhiều lần chú gặp phải chủ chỉ thanh toán một phần tiền công rồi cứ khất lần, khất lượt mãi. Chán ngán, thấy mình tuổi cũng đã lớn không muốn tranh đua nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt".

Lời chú Dương vừa dứt, một thanh niên tóc vàng hoe, tuổi độ hai mấy tiến đến.

- Có thuốc, xin điếu ông anh.

Tôi rút bao thuốc ra đưa cho anh ta 1 điếu. Cầm điếu thuốc, anh ta đi thẳng đến hội bài mà không nói một lời cảm ơn.

"Nó là thằng Thanh, nhà nó ở Quảng Tân, khổ thân nó. Bố mẹ nó mất sớm, đi làm nuôi bà ngoại. Nghe kể, trước đây bố nó cũng làm cái nghề này. Lúc mới đến đây nó ngoan hiền lắm, nhưng rồi không biết từ đâu nó trở nên hỗn ngược như vậy. Có lẽ do cái nghề này đào tạo nó cũng nên" - chú Dương phân trần.

12 giờ kém 5 phút, thành phố những dòng người qua lại như vội hơn. Tôi đi theo mọi người vào một quán cơm bình dân ngay đầu cầu Sâng, đường Trường Thi. Nghe chú Dương kể, ông chủ quán cơm này cùng quê dưới Quảng Xương, trước đây là dân cửu vạn nhưng thích kinh doanh, mở quán cơm bọn này đến ủng hộ, giá cũng phù hợp, bọn này được nhờ.

Chúng tôi ngồi túm tụm, một chú lớn tuổi khác nói: "Hôm nay tổ mình đằng nào cũng về không rồi. Làm một tí rượu cho giãn gân cốt, giải đen anh em à. Chú em này tham gia luôn nhé!..." . Mọi người cười giòn tan, rồi cùng nâng chén uống trăm phần trăm dù ngày hôm nay họ về tay trắng. Tôi cũng không có lý do gì để từ chối cùng họ.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]