Những ngôi sao đom đóm
Tôi đã nhắc đến ông Mục Kỉnh và Bé Trán Dô trong câu chuyện trước rồi đấy. Đó là những người của làng tôi - cái làng dù giống thì cũng không phải bất kỳ cái làng nào quý vị từng biết và những câu chuyện của hai ông cháu, dù có giống nhưng nhất định không phải chuyện quý vị từng đọc, từng nghe.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Nhà ông Mục Kỉnh có một căn phòng cơ man nào là sách, có những cuốn sách truyền từ đời “ông nội của nhiều ông nội của ông Mục Kỉnh”, với thứ chữ mà chỉ ông Mục Kỉnh đọc được. Tối nào bà Mục Kỉnh cũng hãm cho chồng một tích chè mạn nhỏ để ông ngồi nhâm nhi đọc sách, khi thì trên bộ tràng kỷ trong nhà, lúc cái chõng che ngoài sân vào đêm gió mát. Trong lúc ấy thì Bé Trán Dô sẽ học đánh vần và đếm số. Học bài xong, Bé Trán Dô thể nào cũng chạy sang nhà ông Mục Kỉnh - có khi với một vài đứa trẻ khác nữa, cùng câu nói quen thuộc: “Ông ơi cháu xong bài tập rồi. Hôm nay ông sẽ kể chuyện gì hở ông?”. Ông Mục Kỉnh gấp cuốn sách lại nghĩ ngợi một hồi: “Ông sẽ kể chuyện gì bây giờ nhỉ? Chà chà... cháu đã nghe hết cả chuyện mà ông nội của nhiều ông nội của ông để lại cho ông rồi...”.
Tối hôm đó, bầu trời đầy sao, ông Mục Kỉnh chỉ tay lên trời đáp lại câu hỏi quen thuộc của Bé Trán Dô bằng một câu hỏi khác: “Cháu có biết những vì sao đến từ đâu không?”. Cô bé nghiêng nghiêng đầu nghĩ ngợi: “Cô giáo cháu bảo mỗi vì sao là một hành tinh. Nhưng hành tinh là gì, đến từ đâu thì cháu không biết”. Ông Mục Kỉnh xoa đầu cô bé, rồi bắt đầu với câu quen thuộc như ngày xửa ngày xưa: “Ở làng mình, đã lâu lắm rồi, từ thời ông nội của nhiều ông nội của ông... Tên của ông là Mục Kỉnh Thứ Nhất...
Hồi ấy, làng mình không có điện, vì thế người làng bắt đom đóm bỏ vào các vỏ trứng hoặc các hộp giấy để thắp sáng. Những cánh đồng làng mình hồi ấy trải dài đến tận khuất bóng đàn cò bay, đêm đêm có ngàn vạn đom đóm. Các hộp đèn đom đóm còn được treo dọc các con đường trong làng, nhấp nháy đến là vui mắt. Trẻ em cũng học bài bằng đèn đom đóm, vừa học vừa lại nghe đom đóm rù rì trò chuyện với nhau bên trong vỏ trứng”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Nhìn mắt Bé Trán Dô cũng hấp háy tưởng tượng theo ánh đèn đom đóm, ông Mục Kỉnh chậm rãi kể tiếp: “Năm đó làng mình mở hội Mùa Xuân. Từ đêm hôm trước, những cô cậu bé trong làng đã được phân công mang vợt đi bắt đom đóm - phải thật nhiều đom đóm cho cuộc thi rước đèn kéo quân siêu to khổng lồ.
Ông Mục Kỉnh Thứ Nhất cùng các bạn đã đi hết cánh đồng, đến mãi cuối đường chân trời, nơi có dãy núi màu xám mà buổi tối ông Mặt Trời chui vào đấy ngủ, để bắt được cơ man nào là đom đóm. Những chiếc giỏ đầy đom đóm, sáng rực lên, cứ như mỗi cô cậu đeo một mặt trăng bên hông vậy.
Tối hôm hội làng, ông Mục Kỉnh Thứ Nhất cùng các bạn mang giỏ đom đóm của mình đến sân đình để thả vào đèn. Sau đó mọi người sẽ tham gia rước đèn, thi xem đèn nào sáng nhất, đẹp nhất... Vui đáo để là vui, đến mức khó mà diễn tả được”.
“Thế rồi ông Mục Kỉnh Thứ Nhất có được đèn đẹp nhất không ông?” - Bé Trán Dô ngọ nguậy hỏi.
“Ấy, ấy...” - ông Mục Kỉnh làm điệu bộ tiếc rẻ và chép miệng: “Đúng là ông Mục Kỉnh Thứ Nhất bắt được nhiều đom đóm nhất với cái đèn kéo quân to khổng lồ nhất... Nhưng đúng lúc bước lên sân đình thì ông bị vấp, ngã nhúi cả vào các bạn đi trước, thế là các nắp giỏ bị bung hết khiến cơ man nào là đom đóm bay vụt ra như pháo hoa.
Cả sân đình sáng rực lên trong chốc lát, rồi bầy đom đóm sổ lồng hướng về phía mặt trăng tròn mà bay vút lên cao, cao mãi, đến mức không một cây sào nào trong làng có thể với tới. Rồi chúng tản ra, cứ thế treo mình nhấp nháy trên khắp bầu trời. Thành ra là, hội thi đèn kéo quân năm ấy không tổ chức được, nhưng cả làng mình được thắp sáng bởi ánh trăng và hàng triệu triệu đom đóm trên trời, khiến ai cũng ngơ ngẩn ngắm nhìn”.
“À, thế ra là các ngôi sao trên trời là đóm đóm làng mình do ông Mục Kỉnh Thứ Nhất với bạn thả lên ông nhỉ?!” - Bé Trán Dô tấm tắc.
“Ừ, chúng ở luôn trên đấy. Nhưng bị bắt một lần rồi, nên chúng nhát lắm, chỉ đêm nào trời quang mây mới xuất hiện thi nhấp nháy đèn với nhau, như hôm nay chẳng hạn”.
“Các làng khác có thả được đóm đóm lên làm các ngôi sao không ông nhỉ?”.
Ông Mục Kỉnh còn chưa kịp nghĩ ra câu trả lời, thì mẹ Bé Trán Dô đã sang xin phép đón con về. Cô bé cũng chợt nhớ ra là cơn buồn ngủ đã kéo đến nên ngáp một cái rõ dài rồi sà vào vòng tay mẹ, không quên nhắn lại: “Ngày mai ông lại kể chuyện tiếp ông nhé”. Ông Mục Kỉnh nhìn theo cô bé mỉm cười!.
Tôi cũng như Bé Trán Dô, chờ để chép lại những chuyện ngày mai và rất nhiều ngày mai, mà ông Mục Kỉnh làng tôi sẽ kể.
Nguyên Phong
- 2024-09-11 14:53:00
Ồ, hóa ra là cái bã chè à
- 2024-09-06 09:43:00
“Chạy” biên chế
- 2024-08-09 09:45:00
Không chịu bật đèn