(vhds.baothanhhoa.vn) - Rừng ngập mặn được ví như “bức tường xanh” ngăn cơn sóng dữ, góp phần bảo vệ các tuyến đê, giữ gìn môi trường sinh thái tự nhiên, bảo vệ dân làng mỗi khi có mưa to, bão lớn. Trong những năm qua, người dân các xã ven biển tại huyện Nga Sơn còn tận dụng lợi thế về hệ sinh thái thực vật đa dạng trên những cánh rừng ngập mặn để nuôi ong lấy mật, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Nuôi ong rừng ngập mặn ở Nga Sơn

Rừng ngập mặn được ví như “bức tường xanh” ngăn cơn sóng dữ, góp phần bảo vệ các tuyến đê, giữ gìn môi trường sinh thái tự nhiên, bảo vệ dân làng mỗi khi có mưa to, bão lớn. Trong những năm qua, người dân các xã ven biển tại huyện Nga Sơn còn tận dụng lợi thế về hệ sinh thái thực vật đa dạng trên những cánh rừng ngập mặn để nuôi ong lấy mật, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Nuôi ong rừng ngập mặn ở Nga SơnNuôi ong lấy mật rừng ngập mặn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân ven biển của huyện Nga Sơn.

Với diện tích hơn 350ha, chạy qua địa phận các xã Nga Tân, Nga Thủy, Nga Tiến... nhờ được bảo vệ tốt, nhiều năm qua, rừng ngập mặn Nga Sơn với những cây sú, vẹt, bần chua... quanh năm xanh tốt. Mỗi năm, những dải rừng sú vẹt này lại mở rộng thêm, cộng với độ mặn phù hợp tạo điều kiện lý tưởng cho các loài ốc, cáy, cua... sinh sản, phát triển, nhờ vậy người dân có thể mưu sinh bốn mùa. Xung quanh khu vực này còn có những loại cây khác như nhãn, vải... Nhờ vậy, nghề nuôi ong lấy mật rất phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Tính tại thời điểm hiện tại, có khoảng trên 2.300 đàn ong đang được các hộ dân duy trì quanh vùng để tận dụng nguồn hoa từ khu rừng. Ngoài ra, người dân nuôi ong còn được tập huấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc, lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, để đàn ong phát triển bền vững lâu dài, có thương hiệu trong nước và quốc tế.

Gia đình anh Phạm Văn Thảo (Nga Tân) là một trong những hộ dân có thâm niên nuôi ong nơi rừng cây sú vẹt. Nhờ vào nguồn giống và chăm sóc kỹ càng, việc nuôi ong của anh rất thuận lợi. Đến nay, gia đình đã phát triển tới gần 400 đàn ong, trung bình mỗi năm bán ra khoảng trên 13 tấn mật, doanh thu trên 200 triệu đồng/năm, sản phẩm chủ yếu bán cho các công ty trong và ngoài tỉnh.

Nuôi ong rừng ngập mặn ở Nga SơnMô hình nuôi ong lấy mật ở rừng ngập mặn của anh Nguyễn Văn Nam, xã Nga Thủy.

Theo anh Thảo, khu rừng ngập mặn được Nhà nước, tổ chức quốc tế quan tâm, hỗ trợ địa phương trồng thêm sú, vẹt để ngăn sóng, gió biển. Chính những cánh rừng này đã bảo vệ hệ sinh thái và môi trường, có chức năng chống gió bão, xói lở, hạn chế xâm nhập mặn. Cũng nhờ hệ sinh thái đa dạng nên nhiều hộ dân mở rộng, phát triển mô hình nuôi ong lấy mật để tận dụng nguồn hoa rừng, góp thêm cho thu nhập gia đình.

Kế thừa truyền thống nuôi ong lấy mật của gia đình hơn 30 năm qua, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa hoa sú vẹt, anh Nguyễn Văn Nam (Nga Thủy) cũng di chuyển đàn ong của mình về khu rừng ngập mặn. Anh Nam chia sẻ, nghề nuôi ong cho thu nhập cao song không phải ai cũng theo được vì nghề này đòi hỏi sự cần cù, chịu khó, phải di chuyển liên tục. Do trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7, nhiều loại cây quanh đây đều nở hoa, nên việc để ong lấy mật thời điểm này là hiệu quả nhất. Với mong muốn phát triển nghề nuôi ong, anh Nam thành lập Công ty CP Nông nghiệp Vạn Hoa ở địa phương để tập hợp, bao tiêu sản phẩm mật ong cho các hộ nuôi, đồng thời hướng đến xây dựng sản phẩm mật ong rừng ngập mặn Nga Sơn trở thành sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh trong năm 2024. Theo tính toán, hàng năm công ty tiêu thụ gần 11 tấn mật ong cho bà con (trong đó có 2 tấn mật ong của gia đình). Dự kiến, trong năm nay, phấn đấu sẽ xuất bán trên 30 tấn mật ong.

Bà Quách Thị Khuyên,Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn, cho biết: “Ngoài lợi ích kinh tế, nghề nuôi ong lấy mật ở rừng ngập mặn ven biển nơi đây còn góp phần bảo vệ tính đa dạng sinh học của các loài thực vật, bảo vệ môi trường sinh thái ven biển. Đặc biệt, những cánh rừng ngập mặn như “tấm khiên” vững chắc, bảo vệ làng mạc, tài sản cho người dân ở nơi này trước thiên tai. Những năm qua, để bảo vệ hệ thống rừng ngập mặn, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, huyện Nga Sơn cũng đã xây dựng phương án quản lý dựa vào cộng đồng dân cư nhằm thực hiện bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. Từ đó, góp phần phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, hạn chế suy thoái môi trường, cung cấp sinh kế cho người dân...".

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]