Khắc khoải ở “Làng Thanh Niên”
Tham gia Dự án Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng tại xã Xuân Hòa (Như Xuân) với kỳ vọng một tương lai tươi sáng ở vùng đất mới. Song, sau nhiều năm bám trụ, làm ăn kém hiệu quả, không ít hộ đã “cửa đóng then cài” từ bỏ ngôi nhà của mình để đi làm ăn xa...
Dự án Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng vẫn đang gặp khó sau nhiều năm triển khai.
Những ngôi nhà không người ở
Tôi rẽ vào thôn Thanh Niên, tiền thân là dự án Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng để gặp bí thư chi bộ Trần Quốc Tuấn như đã hẹn. Trước mắt, người đàn ông mảnh khảnh, gương mặt khắc khổ đang đăm chiêu nhìn về những ngôi nhà không người ở, rầu rĩ: “Có cả chục căn nhà hoang tàn thế này. Xót xa quá!”...
Ông Tuấn cho biết, Dự án Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng được triển khai năm 2007, trên địa bàn xã Xuân Hòa, với diện tích 600ha, tổng nguồn vốn đầu tư hơn 32 tỷ đồng do Tỉnh đoàn Thanh Hóa phụ trách, quản lý. Dự án tuyển hồ sơ được 141 hộ, trong đó có 34 hộ thuộc diện tái định cư tại chỗ (tiền thân là công nhân Lâm trường Sông Chàng, nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng). Mỗi hộ khi tham gia dự án sẽ được cấp 400m2 đất ở, 3ha đất sản xuất.
Kể về hành trình từ khi dự án triển khai đến nay, ông Tuấn nhấn mạnh mục tiêu của dự án là rất khả thi. Những năm đầu, 141 hộ đều hăng hái thi đua sản xuất, đầu tư xây dựng nhà cửa,... trên nền diện tích được giao. Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch, giá mía giảm mạnh; cao su cho lượng mủ ít, thu nhập của người dân không được như kỳ vọng. Điều này khiến cho các hộ vốn đã bỏ ra rất nhiều công sức, tiền của, song không đạt được kỳ vọng như mong muốn. Bên cạnh đó, việc người dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cũng tạo tâm lý thiếu ổn định và hạn chế một số nhu cầu cấp thiết của người dân, như không được thế chấp ngân hàng vay vốn đầu tư sản xuất. Trong khi nguồn vốn là điều các hộ gia đình đang “khát”.
Từ những nguyên nhân trên, dẫn đến việc nhiều hộ dân “bất đắc dĩ” khóa cửa, bỏ nhà đi làm ăn xa. Có hộ quay về địa phương cũ để làm ăn. Nhà không người ở, bỏ hoang xuống cấp, hoang tàn; diện tích canh tác trồng keo, tràm do thiếu sự chăm sóc, cây trồng kém phát triển... đang là thực trạng diễn ra những năm qua.
Chỉ tay về phía một căn nhà cấp bốn đã xuống cấp, ông Tuấn nói, đó là nhà của anh Nguyễn Văn H., quê ở Thiệu Hóa. Cách đây khoảng 7 năm, anh H. quyết định chuyển tất cả diện tích đất được giao sang trồng keo, rồi đóng cửa đi làm thuê. Mỗi năm anh H. chỉ về thăm vườn vài lần. Còn việc anh đi đâu, làm gì không rõ.
Cách nhà anh H. không xa là hộ gia đình anh Lê Đình Việt, quê ở xã Yên Hùng (Yên Định). Anh Việt cho biết: "Cuộc sống trên này rất khó khăn, từ khí hậu đến thổ nhưỡng. Việc các hộ dân được cấp đất nhưng không được cấp giấy chứng nhận QSDĐ dẫn đến những khó khăn nhất định. Bà con nhiều lần kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết".
Một ngôi nhà nằm trong Dự án Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng không có người ở.
Dẫn chúng tôi về khu điều hành của dự án, với 3 dãy nhà lớn, nơi dự kiến để cán bộ của dự án làm việc, nghỉ ngơi và khu nhà hội trường rộng rãi. Thế nhưng, do không sử dụng, các công trình đã nhanh chóng xuống cấp. Các hệ thống cửa bị bung, bật bản lề, mối mọt. Các phòng làm việc bỏ hoang, cỏ cây mọc um tùm...
Ông Tuấn kiến nghị: “Bức thiết lớn nhất của bà con bây giờ là được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Đối với diện tích đất sản xuất có thể chưa cấp, nhưng đối với diện tích đất ở thì các cấp, ngành chức năng cần tạo điều kiện để bà con “an cư”. Bởi, có cấp giấy chứng nhận QSDĐ, người dân được công nhận quyền sử dụng lâu dài trên chính thửa đất được giao, đồng thời có thể thế chấp vay vốn ngân hàng đầu tư sản xuất".
Chờ chính sách...
Trao đổi với ông Lê Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, chúng tôi được biết: Ngày 5/9/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 3309/QĐ-UBND thành lập thôn Thanh Niên, xã Xuân Hòa trên cơ sở cụm dân cư Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng. Hiện, địa phương đang định hướng XDNTM tại thôn Thanh Niên. Song, việc này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, bởi số hộ, số nhân khẩu nơi đây thường xuyên có sự biến động. Toàn thôn Thanh Niên có 90 hộ, nhưng số hộ đang có mặt ở địa phương để sản xuất chỉ có 67 hộ. Điều này gây ra nhiều bất cập trong việc vận động đóng góp, xây dựng hay tổ chức cuộc họp lấy ý kiến tập thể. Đơn cử, muốn lắp đường điện chiếu sáng, muốn sơn lại hội trường, tu sửa bàn ghế... đều rất khó triển khai.
Cỏ cây mọc um tùm ngay từ cổng vào Dự án Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng.
Cũng theo ông Tuyên, bất cập nhất đối với người dân thôn Thanh Niên đó là chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Bởi, theo quy định của Luật Đất đai, việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các hộ dân còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đây không phải là trường hợp riêng của tỉnh, mà tại nhiều tỉnh có các dự án làng thanh niên lập nghiệp cũng cùng chung tình trạng. Hiện các hộ dân cơ bản đều đang bám trụ, cầm chừng sản xuất để chờ... chính sách.
Bài và ảnh: Đình Giang
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2024-05-16 07:40:00
Người phụ nữ dân tộc Mường năng động, làm kinh tế giỏi
Nhà tuyển dụng mất hàng triệu đồng vì CV “ảo”
Quan Sơn chung tay chăm lo cho hộ nghèo và gia đình chính sách
Tràn lan dịch vụ đẻ thuê, hiến tinh trùng, trứng
Chủ tịch hội phụ nữ tận tâm
Nga Sơn nâng cao chất lượng xử lý rác thải sinh hoạt
Mở đường vào bản
Chuyện ở làng nghề chế tác đá Minh Tân
Nâng cao ý thức trách nhiệm, giữ gìn và bảo vệ môi trường nông thôn
Giữ vững an ninh vùng biên giới Quan Hóa