(vhds.baothanhhoa.vn) - Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa đặc biệt coi trọng công tác phát triển hội viên, nhất là hội viên trẻ, xem đó là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, yếu tố “sống còn” để xây dựng, phát triển tổ chức hội. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, thông qua nhiều nỗ lực, cố gắng, chủ động, linh hoạt, công tác phát triển hội viên nói chung, hội viên trẻ nói riêng của VHNT Thanh Hóa đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tín hiệu mừng sau những canh cánh nỗi lo.

Phát triển hội viên trẻ tại Hội VHNT Thanh Hóa - khởi sắc và hy vọng

Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa đặc biệt coi trọng công tác phát triển hội viên, nhất là hội viên trẻ, xem đó là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, yếu tố “sống còn” để xây dựng, phát triển tổ chức hội. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, thông qua nhiều nỗ lực, cố gắng, chủ động, linh hoạt, công tác phát triển hội viên nói chung, hội viên trẻ nói riêng của VHNT Thanh Hóa đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tín hiệu mừng sau những canh cánh nỗi lo.

Phát triển hội viên trẻ tại Hội VHNT Thanh Hóa - khởi sắc và hy vọngCác hội viên trẻ Ban Mỹ thuật, Hội VHNT Thanh Hóa đi thực tế sáng tác

Sẽ không là nói quá khi nhận định rằng: Xứ Thanh là mảnh đất màu mỡ cho VHNT. Những vang động lịch sử, thăm thẳm chiều sâu, vỉa tầng văn hóa cùng sự vận động không ngừng của đời sống hôm nay, bứt phá mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội đã kết đọng nên nguồn “chất liệu” dồi dào, khơi nguồn sáng tạo VHNT lớn lao. Những năm qua, VHNT xứ Thanh có bước chuyển mình trên cả “bề rộng” và “chiều sâu”, cả lực lượng đến chất lượng hoạt động VHNT. Nơi đây đã trở thành “mái nhà chung” ấm áp, nơi tập hợp, đoàn kết thống nhất, phát huy tài năng, trí tuệ của văn nghệ sĩ xứ Thanh, cùng nỗ lực, phấn đấu, cống hiến tài năng, phục vụ sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.

Hội VHNT đã đi qua nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành. Từ 92 hội viên thuộc 7 ban chuyên ngành khi mới thành lập, đến nay, Hội VHNT có gần 500 hội viên sinh hoạt tại 11 ban chuyên ngành và 4 câu lạc bộ. Trong đó có 241 người là hội viên các hội chuyên ngành Trung ương; trên 50% hội viên có trình độ đại học trở lên, trong đó có 3 phó giáo sư, 10 tiến sĩ, 80 thạc sĩ. Hội có 8 hội viên được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT; 9 hội viên là nghệ sĩ Nhân dân và 47 hội viên là nghệ sĩ ưu tú. Một số hội viên của hội đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. 106 hội viên được nhận giải thưởng các hội chuyên ngành Trung ương. 114 lượt hội viên được nhận giải thưởng VHNT 5 năm của UBND tỉnh. 601 lượt hội viên được nhận Giải thưởng VHNT Lê Thánh Tông hằng năm. 207 hội viên được tặng Huy chương, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam và hàng trăm Huy chương Vàng, Bạc mà hội viên đạt được qua các kỳ liên hoan, hội diễn.

Nhìn sâu hơn vào quy mô, hoạt động của các ban chuyên ngành trực thuộc Hội VHNT Thanh Hóa để cảm nhận được “luồng sinh khí mới”, hăng say cống hiến, đổi mới quyết liệt.

Với số lượng 70 người, Ban Thơ là một trong những ban chuyên ngành của Hội VHNT Thanh Hóa được đánh giá là thu hút hội viên nhất. “Thi đàn xứ Thanh là một vườn hoa đa thanh, đa sắc, đa hương. Ở đó quy tụ nhiều sắc thái của tài năng, nhiều cung bậc của thành tựu và cũng có nhiều giọng điệu thơ, phong cách thơ được khẳng định và bứt phá thành công” – nhà thơ Lâm Bằng, Trưởng Ban Thơ chia sẻ. Đó là các tác giả “đã và đang khắc họa nên diện mạo thơ Thanh Hóa đương đại” như: Văn Đắc, Vương Anh, Bùi Nhị Lê, Nguyễn Minh Khiêm, Hải Minh, Trịnh Ngọc Dự, Huy Trụ, Vũ Thị Khương, Trịnh Minh Châu, Đinh Ngọc Diệp, Lê Đình Bằng, Nguyễn Duy Chinh, Lê Hai... Tiếp nối là đội ngũ các tác giả: Trương Vạn Thành, Phạm Thị Kim Khánh, Hoàng Quốc Cảnh, Vũ Quang Trạch... “Thi đàn Thanh Hóa hiện nay có một đội ngũ tác giả trẻ đầy tiềm năng, có sức viết rất sung lực. Đó là: Phạm Văn Dũng, Phạm Tiến Triều, Mai Hương, Phong Lan, Sơn Ca, Quách Lan Anh, Lâu Văn Mua, Bùi Xuân Tứ, An Thư, Vũ Tuyết Nhung, Lê Thị Đáng, Mạc Phong Tuyền, Trương Xuân Thiên, Việt Hưng... Lực lượng này có môi trường tốt, được trang bị khá đầy đủ kiến thức và các điều kiện để phát triển, có khát vọng, có niềm đam mê và đầy nhiệt huyết” - nhà thơ Lâm Bằng nhận định.

Lý luận, phê bình VHNT là lĩnh vực khó, mang tính đặc thù. Vì lẽ đó, lĩnh vực này vẫn luôn “kén” người. Tại chương trình tọa đàm khoa học “Đội ngũ lý luận, phê bình VHNT hiện nay” do Hội đồng lý luận, phê bình VHNT Trung ương tổ chức năm 2023, PGS.TS. Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, đánh giá: “Đội ngũ lý luận, phê bình VHNT hiện nay là “ngày càng teo tóp”; “trong khi các cây bút lớn tuổi gần như không còn viết phê bình (lui về nghiên cứu) thì các cây bút trẻ không đủ lực lượng, bản lĩnh để lấp đầy khoảng trống do thế hệ trước để lại". PGS.TS. Phan Trọng Thưởng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương cho rằng, đội ngũ phê bình thực thụ của chúng ta trong hai - ba mươi năm gần đây đang thưa vắng dần, mai một dần. Đã có lúc cả nền văn học “đốt đuốc đi tìm nhà phê bình”. Sự “khan hiếm” ấy là thực trạng chung từ Trung ương đến các địa phương, trong các hội VHNT.

Tại Thanh Hóa, hàng chục năm qua kể từ ngày thành lập, Ban Lý luận - Phê bình, Hội VHNT Thanh Hóa chỉ duy trì số lượng hội viên khoảng 10 người, số tuổi trung bình của hội viên cao. Đây thực sự là con số khiêm tốn so với sự nở rộ của đội ngũ sáng tác, sự phát triển năng động của đời sống VHNT Thanh Hóa. Tuy nhiên, cùng với việc đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng hoạt động, Ban Lý luận - Phê bình đã làm tốt công tác phát triển hội viên, giải “cơn khát” hội viên trẻ, tăng số lượng hội viên lên 18 người. Từ năm 2020 trở lại đây, ban đã kết nạp thêm một số hội viên trẻ, tuổi đời từ 30 - hơn 40 tuổi, công tác ở các đơn vị báo chí, trường học. Những hội viên này được đào tạo bài bản, có tinh thần nhiệt huyết, sung sức, dồi dào năng lượng sáng tạo.

Sự trưởng thành về lực lượng là một trong những động lực để ban gặt hái được nhiều kết quả trong hoạt động chuyên môn. “Những cuộc tọa đàm, hội thảo được mở ra với các phạm vi khác nhau: giới thiệu, nhận xét tác phẩm; đánh giá hoạt động của các ban chuyên môn... Năm 2021, Ban Lý luận - Phê bình đã tổ chức Hội thảo “VHNT Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”. Các chuyến đi thực tế về các địa phương trong tỉnh vừa mở rộng tri thức, kiến thức thực tiễn, vừa tăng thêm tình cảm tự hào, tình yêu quê hương xứ sở. Các bài viết, nghiên cứu từng bước cũng hướng tới nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác nhau. Một số hội viên của ban có bài tham luận tham gia các hội thảo quốc gia, đăng tải trên các tạp chí khoa học, tạp chí chuyên ngành, báo chí trong tỉnh và cả nước... Các hội viên của ban thường xuyên công bố tác phẩm, có nhiều tác phẩm đạt giải thưởng VHNT của tỉnh, Trung ương” - PGS.TS Hỏa Diệu Thúy, Trưởng Ban Lý luận - Phê bình, chia sẻ.

Là 1 trong 3 cơ quan báo chí của tỉnh, với đặc thù là tạp chí văn chương, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa làm “bà đỡ” cho tác giả, tác phẩm VHNT. Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh còn là vườn ươm, phát hiện và bồi dưỡng nhiều cây viết trẻ bổ sung vào lực lượng VHNT của tỉnh nhà. Trong 30 năm qua, tạp chí đã tổ chức nhiều cuộc thi, tạo sân chơi và cơ hội đưa tác phẩm đến với bạn đọc. Tiêu biểu như Cuộc thi sáng tác văn học trẻ (năm 2018), Nét đẹp lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2019), Thanh Hóa chung sức XDNTM (năm 2020), Linh thiêng Tổ quốc - Hào khí xứ Thanh (năm 2021), Cuộc thi truyện ngắn Tiếng vọng thời đại (năm 2022) và Cuộc thi ký văn học về chủ đề “Biên cương một dải vững bền” (năm 2023).

VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt nhạy cảm và tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, có tác dụng đặc biệt trong việc vun trồng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh cho con người. Tại buổi lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam (1948-2023), cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Thực tế đời sống văn học ở nước ta và trên thế giới cho thấy, những tác gia lớn đều là những tác gia có khát vọng và hoài bão lớn lao, có tầm nhìn xa rộng và có tư duy sâu sắc. Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được. Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai!”. Để làm được những điều lớn lao ấy, việc đầu tiên là phải xây dựng cho được một đội ngũ văn nghệ sĩ không chỉ đông đảo về số lượng mà phải “cao lớn” về trí tuệ, tầm tư tưởng, nhân cách.

Vì thế, hội cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình, đổi mới tư duy, cách thức tổ chức, hoạt động thông qua nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả như: tổ chức các sự kiện VHNT mang tính quần chúng và các diễn đàn, lớp bồi dưỡng, tập huấn, trại sáng tác, trao đổi nghiệp vụ; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ và văn học miền núi; tăng cường hỗ trợ sáng tác và quảng bá tác phẩm VHNT của các tác giả trẻ... nhằm tạo ra môi trường giao lưu, học hỏi, giới thiệu cây viết trẻ tới độc giả; mặt khác tạo sức hút, hấp dẫn các cây viết trẻ năng nổ, tích cực, “mặn mà” tham gia, sinh hoạt trong hội VHNT.

Song hành cùng với các hội VHNT, các tạp chí văn nghệ địa phương có vai trò quan trọng trong việc phát hiện, phát triển văn học trẻ. Thực tế chứng minh, các tạp chí văn nghệ địa phương là “bệ phóng”, “bà đỡ”, không gian giới thiệu, khẳng định tài năng, cá tính sáng tạo của các cây viết trẻ. Do đó, các tạp chí địa phương cần năng động, đổi mới, sáng tạo hơn nữa cả về nội dung, hình thức ấn phẩm và cách thức tổ chức hoạt động để ngày càng hoàn thiện mình hơn, tạo nên sân chơi mới mẻ, thúc đẩy các cây viết trẻ không ngừng nỗ lực, phấn đấu trên con đường sáng tạo nghệ thuật.

Bài và ảnh: Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]