(vhds.baothanhhoa.vn) - Người dân vẫn có thói quen lựa chọn những loại thức ăn đường phố bởi tính tiện lợi, rẻ. Tuy nhiên, do không có sự quản lý chặt chẽ về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), nguồn thức ăn này lại chứa nhiều vi khuẩn, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, có hại cho người tiêu dùng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗi lo thức ăn đường phố

Người dân vẫn có thói quen lựa chọn những loại thức ăn đường phố bởi tính tiện lợi, rẻ. Tuy nhiên, do không có sự quản lý chặt chẽ về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), nguồn thức ăn này lại chứa nhiều vi khuẩn, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, có hại cho người tiêu dùng.

Thức ăn đường phố, bao gồm: rau, củ, quả, các loại thịt gia cầm, phở, miến, bún, bánh kẹo, kem, nước giải khát... được làm sẵn, chế biến, bày bán ngay trên đường, các con ngõ, hẻm. Do tính tiện lợi, giá cả lại rẻ, thức ăn đường phố ngày càng phát triển mạnh mẽ, được nhiều người dân mua dùng.

Thực phẩm đường phố bày bán khá đa dạng, thực khách có thể lựa chọn cho mình xôi, miến, phở, bánh mỳ, đồ chế biến sẵn... Các quý ông có thể thỏa thích la cà quán xá, nhậu nhẹt tới bến với anh em, bạn bè tại một số hàng quán vỉa hè, đơn giản vì thức ăn phong phú, lại hợp túi tiền...

Thống kê cho thấy, trên địa bàn TP Thanh Hóa có khoảng 1.475 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, tập trung chủ yếu tại các phường Điện Biên, Lam Sơn, Đông Thọ, Đông Vệ...

Dọc các tuyến đường: Hải Thượng Lãn Ông, Hàng Than, Hàng Đồng (TP Thanh Hóa) nhiều hàng quán mọc lên như nấm, phục vụ đủ loại từ sáng, trưa, chiều, tối. Những quán cơm bình dân, quán bún phở... nằm san sát, la liệt khắp các tuyến phố.

Đáng nói, tại đường Hải Thượng Lãn Ông, do nơi đây tập trung một số bệnh viện lớn của tỉnh, vì vậy hàng quán xuất hiện dày đặc. Buổi sáng, tại tuyến đường này kín mít người và phương tiện qua lại, phần lớn là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại các bệnh viện.

Qua quan sát, hàng loạt quán ăn ở đây phục vụ cho người nhà, bệnh nhân thăm khám là chính. Những thức ăn bày bán không được bảo quản, che đậy, có những món “nguội tanh” do chủ quán chế biến từ sớm phục vụ khách, vẫn được bày trên giá... Người bán thậm chí dùng tay không chế biến; thực phẩm được rửa qua loa rồi đem sơ chế. Nhiều bàn thức ăn, dụng cụ ăn uống bám đầy bụi bẩn.

Về đêm, ẩm thực đường phố trở nên náo nhiệt hơn. Nhiều hàng quán vỉa hè, với đủ loại món như nướng, lẩu, phở, bún... bày bán tại các điểm đông người qua lại.

Nhiều điểm bày bán thức ăn đường phố mất vệ sinh trên địa bàn TP Thanh Hóa.

Tuyến đường Lê Hoàn, Đại lộ Lê Lợi, đoạn đối diện chợ Vườn Hoa, được mệnh danh là "thiên đường ăn uống", hoạt động chủ yếu về đêm. Nhiều quán phở, bánh mỳ, đồ nướng luôn hút khách, chủ yếu là thanh, trung niên. Do khách đông, nhiều chủ quán thường không chú ý đến ATTP, bằng mắt thường có thể nhận ra, các điều kiện về vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường không đảm bảo.

Theo quy định, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố phải đảm bảo khoảng cách đối với các nguồn ô nhiễm; thức ăn nấu chín phải bảo quản, đậy nắp; người chế biến cần trang bị đầy đủ dụng cụ, trang bị găng tay, tạp dề; tập huấn kiến thức về ATVSTP; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP...

Theo lãnh đạo Chi cục ATVSTP Thanh Hóa, thực tế rất ít các điểm bán thức ăn đường phố tuân thủ những quy định trên. Bên cạnh việc chủ kinh doanh không chấp hành quy định về ATTP, đại đa số người dân cũng chưa ý thức được trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm sao cho đảm bảo sức khỏe.

Thời gian qua, Ban chỉ đạo về VSATTP tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 12 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP. Qua kiểm tra 274 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 52 cơ sở vi phạm, xử lý 44 cơ sở, phạt tiền gần 270 triệu đồng. Sở Y tế, Sở NN&PTNT và Sở Công thương thực hiện kiểm tra liên ngành 391 cơ sở kinh doanh thực phẩm, phát hiện 56 cơ sở vi phạm. Chi cục quản lý thị trường kiểm tra, xử phạt 595 vụ vi phạm về ATTP, nộp ngân sách 1.500 triệu đồng; UBND cấp huyện kiểm tra liên ngành 10.917 cơ sở sản xuất, kinh doanh, phát hiện 584 cơ sở vi phạm, phạt tiền trên 1.400 triệu đồng...

Để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng và cộng đồng, thiết nghĩ trước hết cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao kiến thức cho người kinh doanh thức ăn đường phố. Đồng thời tăng cường quản lý, kiểm tra, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm...

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]