(vhds.baothanhhoa.vn) - Chùa Linh Giang tọa lạc tại thôn Phú Lĩnh, xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc) - một vùng đất cổ, nằm bên bờ sông Mã, phong cảnh hữu tình, có cư dân sinh sống lâu đời. Được sự quan tâm của Nhà nước, chùa được tu bổ, tôn tạo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của Nhân dân trong và ngoài huyện.

Thăm ngôi chùa cổ bên dòng sông Mã

Chùa Linh Giang tọa lạc tại thôn Phú Lĩnh, xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc) - một vùng đất cổ, nằm bên bờ sông Mã, phong cảnh hữu tình, có cư dân sinh sống lâu đời. Được sự quan tâm của Nhà nước, chùa được tu bổ, tôn tạo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của Nhân dân trong và ngoài huyện.

Thăm ngôi chùa cổ bên dòng sông MãMột góc chùa Linh Giang.

Đến vùng đất Vĩnh Lộc du khách không thể bỏ qua Di tích kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật chùa Linh Giang. Đây là nơi sinh hoạt tâm linh của đông đảo người dân trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc. Hiện nay chưa có tài liệu ghi chép cụ thể xác định thời gian xây dựng chùa, nhưng theo lời kể của các cụ trong làng Phú Lĩnh thì chùa có từ khi nhà Hồ xây dựng Thành Tây Đô. Trước cảnh đẹp hữu tình của sông núi, nhà Hồ đã chọn nơi đây làm địa điểm lên xuống của nhà vua mỗi khi đi bằng đường thủy lên yết giá Thành Tây Đô và thưởng ngoạn cảnh quan, tĩnh tâm, trút bỏ những ưu phiền chốn cung đình. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa Linh Giang cũng là nơi trú chân của dân công vận chuyển lương thực, vũ khí, quân nhu lên chiến dịch Điện Biên Phủ và là nơi giam giữ tù binh Pháp.

Chùa Linh Giang trước đây có diện tích khoảng 4.500m2, với các dãy nhà chính, gồm: nhà thờ Tam Bảo, nhà thờ Tổ, phủ mẫu... Toàn bộ hệ thống khung nhà của chùa được xây dựng bằng đá khá vững chắc; khung cửa được tạo bằng những tảng đá xanh liền khối tạo nên vẻ đẹp khỏe khoắn, vững chãi. Các loại đòn tay, rui, mè làm bằng các loại gỗ lim, sến, táu. Trải qua những biến cố của lịch sử, chùa Linh Giang bị hư hỏng, xuống cấp nhưng vẫn giữ lại được một phần đất đai, nền móng cũ, hệ thống khung nhà được xây dựng bằng đá và các hiện vật quý, như: chuông đá, 4 pho tượng gỗ... Năm 1995, được sự quan tâm của Nhà nước và đóng góp của Nhân dân, chùa Linh Giang được trùng tu, tôn tạo khang trang.

Đến với chùa Linh Giang du khách không chỉ tìm thấy sự tĩnh tâm, mà còn được thả hồn vào cảnh đẹp bình yên nơi đây, với những bãi cát dài và ngắm nhìn dòng sông Mã nước chảy hiền hòa vào mùa nước cạn, mãnh liệt khi mùa nước lũ. Những giá trị kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật của chùa Linh Giang đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là di tích kiến trúc văn hóa nghệ thuật cấp tỉnh năm 2000.

Ông Trần Văn Thống, người dân có nhiều đóng góp xây dựng chùa Linh Giang ở thôn Phú Lĩnh, cho biết: "Chùa Linh Giang không chỉ là nơi thờ Phật, nơi các nhà sư tu hành, các tín đồ Phật giáo đến ăn chay, niệm phật, mà còn là nơi hấp dẫn với những người muốn tìm hiểu về nghệ thuật kiến trúc. Tôi luôn tự hào nơi mình sinh sống có ngôi chùa là di tích kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật cấp tỉnh. Vì vậy, tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động con cháu trong dòng họ tham gia gìn giữ và phát huy giá trị của di tích, đóng góp xây dựng chùa ngày càng khang trang".

Hiện nay nhiều hạng mục, như: nhà Mẫu, nhà Tổ và các hạng mục công trình phụ trợ của chùa Linh Giang đang trong tình trạng xuống cấp, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt tâm linh của các tăng, ni, phật tử và Nhân dân. Trước tình hình này, UBND xã Vĩnh Tiến đang làm hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép tu bổ, tôn tạo lại di tích theo quy định của pháp luật. Kinh phí để thực hiện tu bổ, tôn tạo chùa Linh Giang sẽ được xã Vĩnh Tiến huy động xã hội hóa.

Ông Lê Quang Lai, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Tiến cho biết: Thời gian qua, công tác quản lý và bảo vệ Di tích lịch sử kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật chùa Linh Giang luôn được xã Vĩnh Tiến quan tâm góp phần đáp ứng các hoạt động tâm linh của Nhân dân, tạo điểm đến độc đáo, phục vụ khách du lịch trong, ngoài tỉnh. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của chùa Linh Giang. Kết nối chùa với Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và các chùa Du Anh (Ninh Khang), chùa Tường Vân (thị trấn Vĩnh Lộc), chùa Nhân Lộ (thị trấn Vĩnh Lộc), chùa Báo Ân (Vĩnh Hùng)... để thu hút khách đến tham quan, vãn cảnh, cầu phúc, cầu an, góp phần phát triển du lịch tâm linh.

Bài và ảnh: Xuân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]