(vhds.baothanhhoa.vn) - Đã nhiều ngày trôi qua nhưng xem ra câu chuyện xạ thủ Ngô Hữu Vương dừng bước ở trận Bán kết ASIAD 2018 nội dung 10m súng trường hơi di động (dành cho nam) vẫn là “quả đắng” khó nuốt với người hâm mộ cả nước bởi vấn đề chuyên gia tâm lý cho VĐV một lần nữa lại đặt ra những câu hỏi nhức nhối.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần lắm một chuyên gia tâm lý!

Đã nhiều ngày trôi qua nhưng xem ra câu chuyện xạ thủ Ngô Hữu Vương dừng bước ở trận Bán kết ASIAD 2018 nội dung 10m súng trường hơi di động (dành cho nam) vẫn là “quả đắng” khó nuốt với người hâm mộ cả nước bởi vấn đề chuyên gia tâm lý cho VĐV một lần nữa lại đặt ra những câu hỏi nhức nhối.

Để có cái nhìn toàn diện về chuyên gia tâm lý, hãy nhắc lại một chuyển động “xưa nay hiếm” nơi hậu trường đội tuyển Việt Nam thời HLV Letard. Khi nhận lời ngồi trên chiếc ghế “nóng” nhất làng cầu quốc nội, ông thầy người Pháp đã đệ trình lên Liên đoàn bản danh sách chuyên gia dài dằng dặc, lên tới 12 người, trong đó có những vị trí khá “lạ lẫm” như chuyên gia y tế, bác sỹ nha khoa…

“Lạ lẫm” bởi lâu nay vấn đề sức khỏe VĐV vẫn được giao cho duy nhất 1 bác sỹ. Về nguyên tắc, vị này đảm nhiệm gần như tất cả mọi vấn đề liên quan đến sức khỏe, thể lực cầu thủ nhưng trên thực tế chỉ tập trung vào một số vấn đề lớn, đặc biệt là chấn thương trong tập thi đấu và xoa bóp phục hồi sức lực sau đó. Vì vậy, chuyện ông Letard yêu cầu có cả... bác sỹ nha khoa khiến tất cả quan chức bóng đá nước nhà đều cảm thấy ngỡ ngàng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thể thao Việt Nam luôn thiếu chuyên gia tâm lý hay bác sỹ chuyên khoa. “Kinh phí eo hẹp” là một chuyện nhưng quan trọng hơn, chúng ta vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề này. Một thực tế ai cũng nhận thấy là ở xứ ta, ngoài việc chịu trách nhiệm chính về chuyên môn thì “công tác tư tưởng” hay tâm lý đối với VĐV thường được “khoán” luôn cho HLV trưởng.

Chính vì những lý do này mà khi “mang chuông đi đánh xứ người”, không ít VĐV đã thất bại bởi những lý do hết sức... lãng xẹt. Tại SEA Games 29, như thừa nhận của chính “người trong cuộc”, cung thủ Châu Kiều Oanh không thể đăng quang do “không vượt qua được áp lực”. Tương tự như vậy, nhà đương kim vô địch Olympic 2016 bộ môn bắn súng - Hoàng Xuân Vinh cũng “trắng tay” ở nội dung 50m súng ngắn bắn chậm do “căng cứng tâm lý”. Chưa hết, hình ảnh các đội tuyển bóng đá nước nhà thường “cóng chân cóng tay” trước Thái Lan đã trở thành chuyện “biết rồi - khổ lắm - nói mãi” nhưng đến nay vẫn chưa có “đơn thuốc” điều trị dứt điểm.

Các VĐV luôn cần bác sỹ và chuyên gia tâm lý.

Trở lại câu chuyện xạ thủ Ngô Hữu Vương “vồ hụt” HCV ASIAD 2018, tại trận bán kết gặp đối thủ người Hàn Quốc Jeong Youjin ở nội dung 10m súng trường hơi di động, khi đang dẫn đối thủ 1 điểm, bia điện tử của xạ thủ Jeong Youjin bất ngờ gặp trục trặc và sau khoảng 3 phút với sự can thiệp của BTC, cuộc đấu mới có thể tiếp tục.

Song thật bất ngờ là khi quay trở lại thi đấu, Ngô Hữu Vương đã không còn giữ được sự ổn định như trước và để thua đối thủ. Theo HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung, trạng thái hưng phấn của Hữu Vương bị mất đi là do anh... “hẫng tâm lý”.

Điều này hoàn toàn tương phản với Singapore, 1 năm trước, tại SEA Games 29, người Singapore đã khiến cả khu vực choáng váng khi họ bố trí theo chân “thần đồng bơi lội” Schooling là 3 vệ sĩ, 2 nhân viên y tế, 2 chuyên gia dinh dưỡng, 1 phát ngôn viên, số lượng bác sĩ tâm lý cũng lên tới 2 người. Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà từ gần 2 thập kỷ trước, ông Letard - nhà cầm quân đến từ một trong những nền bóng đá phát triển nhất thế giới (Pháp) đã yêu cầu có chuyên gia tâm lý trong danh sách đoàn.

Không còn nghi ngờ gì nữa, “đòi hỏi” của HLV Letard, sự chuẩn bị chu đáo đến mức không thua chị kém em của nền thể thao Singapore đối với “kình ngư trẻ” Schooling và những lần VĐV Việt Nam “gục ngã trước cửa thiên đường” chính là những dẫn chứng điển hình, khẳng định sự cần thiết của những chuyên gia tâm lý trong thành phần các đội tuyển thể thao. Dẫu có hiểu tâm tư, nguyện vọng của học trò đến mấy thì xét đến cùng, một HLV hay thậm chí một ban huấn luyện cũng chỉ “mạnh” về chuyên môn, họ không phải chuyên gia tâm lý đích thực.

Hy vọng là từ cái giá “cực đắt” mà xạ thủ Ngô Hữu Vương cũng như Đoàn Thể thao Việt Nam phải trả tại kỳ ASIAD, chúng ta sẽ rút ra những bài học cần thiết và có sự thay đổi ở các giải đấu sau!

Thanh Hà


Thanh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]