Thôi thôi, mẹ không nghe số lạ!
Để lập mã số định danh, tôi mua cho mẹ chiếc điện thoại smartphone. Đó chỉ là lý do thôi, còn thực chất tôi muốn mẹ dùng điện thoại thông minh để thỉnh thoảng các cháu, các con còn gọi video cho mẹ, cho bà.
Tôi dành ra cả tiếng đồng hồ để chỉ cho mẹ cách sử dụng. Nghe chừng loằng ngoằng, mẹ nói cho qua chuyện: Ừ, mẹ hiểu rồi. Chỉ là chưa quen thôi!.
Tôi biết mẹ vẫn chưa thể dùng được, nếu không hướng dẫn thì khi tôi lên thành phố, mẹ lại cất chiếc điện thoại này vào tủ, khóa kín lại.
-Mai Anh, vào bổ túc thêm cho bà đi!
-Con bé lừ đừ miễn cưỡng ra sân để hướng dẫn bà. Bà phải mở máy thế này, bà nhìn thấy chữ OK bên trái màn hình chưa? Bà chỉ cần ấn vào đó thôi...
Nói mãi vẫn chưa thông, con bé tỏ ra chán nản...
-Bà ơi, bà còn kém hơn cả thằng cu Bin ấy!
-Tiên sư bố nhà chị, bà già rồi mới thế chứ ngày xưa nói gì bà cũng nhớ, cũng làm được hết. Bà còn phải dạy bố chị từng nét chữ, học từng que tính đấy!
Đôi kính mẹ tôi trễ xuống, bàn tay nhăn nhúm ấn thật mạnh vào màn hình, nhưng chưa chạm vào nút này thì hình ảnh khác lại hiện ra.
-Thôi, bảo mẹ ra đây lưu cho bà mấy số điện thoại cần thiết là được.
Rồi mẹ cầm tờ lịch ghi chi chít tên người, số điện thoại đưa tôi. “Chỉ cần lưu cho mẹ 10 số là được nhé. Người nhà quê cần kíp mới phải gọi điện thoại chứ ới nhau qua bờ rào đơn giản, cùng lắm thì đạp xe sang nhà hỏi cho nhanh”, mẹ tôi dặn dò.
Mười số mà mẹ chỉ định để tôi lưu là số con cái trong nhà, số của dì Tâm, bác Quang và 2 bà bạn làng bên. Mẹ bảo: già rồi, điện thoại mà làm gì, có khi còn mất tiền oan đấy.
Mẹ liệt kê nào là chị An ở làng đấy thôi, dồn mãi được ít tiền, định sửa sang cái bếp. Giờ cả làng còn mình nhà nó nấu củi, con cái cũng có vẻ không ưng, vì mỗi lần vào bếp là mùi khói, rồi nhọ nồi luẩn quẩn hết mặt mũi, tay chân. Nó thì vốn có tiền sử bệnh phổi, hạn chế khói bếp tí nào càng tốt. Định đầu tư mua bếp, làm lại bàn bếp rồi mua bộ nồi inox để bỏ mấy cái nồi gang dày cộp lớp nhọ nồi, ấy thế mà có một cuộc điện thoại ma xui quỷ khiến thế nào mất hết tiền.
Rồi bà Hạnh ở thôn bên, già rồi, tiền gom góp cất trong tủ phòng mấy đồng mua thuốc. Có một cú điện thoại video giả giọng con trai, “mặt nó chềnh ềnh trên điện thoại ấy, bà Hạnh tin ngay rồi đưa cho “bạn của con trai” 20 triệu để nó lo việc. Đến khi hỏi lại thông tin, biết mình bị lừa, bà ấy ốm cả tháng vì tiếc tiền đó...
-Vâng bà ạ. Giờ không còn trộm vặt đâu bà. Nhưng tội phạm công nghệ hoạt động ác liệt. Đặc biệt nó lại thường nhắm vào đối tượng kém công nghệ lại còn cả tin..., Mai Anh chêm vào.
-Thế người nhà quê càng khổ, cháu hầy?
Đang vui chuyện, giúp bà thư giãn thì tiếng điện thoại của bà reo vang. Cái Mai Anh nhanh nhảu nói:
-Bà nghe điện thoại đi ạ!
-Thôi thôi, bà không nghe đâu. Mất tiền thì chết đấy!
-Máy điện thoại của bà có gì đâu mà lo mất tiền.
-Nhiều người bị lắm rồi cháu. Bà chỉ nghe số nào có lưu tên thôi, số khác thì không cần nghe. Ai muốn gặp, muốn hỏi thì trực tiếp thôi.
Rồi Mai Anh giải thích cho bà hiểu:
-Máy của bà không cài đặt ngân hàng, bà sợ gì? Ai gọi đến bà cứ thoải mái mà nghe nhé!
Tiếng chuông kêu nhiều lần, và mẹ tôi vẫn chần chừ, lo lắng không muốn nghe.
-Mẹ đề phòng quá có khi lại bỏ nhỡ cuộc gọi của các anh chị trong Nam, ngoài Bắc gọi về.
-Lo bò trắng răng, chúng nó muốn gọi thì có nhiều cách. Các bà ở làng bảo điện thoại di động như con dao hai lưỡi, tiện thì có tiện nhưng hại thì khủng khiếp. Nghe nói con vi rút nào đó, hắc kơ nào đó, hoạt động mạnh lắm, nghe cũng mất hết tiền đấy.
-Điện thoại có phải con quỷ dữ đâu mà mẹ sợ?. Công nghệ hiện đại thì mình phải sử dụng chứ. Cháu con ở xa nhiều khi muốn gọi video xem hình mẹ hằng ngày mà mẹ không nghe, đâm ra lo lắng. Giờ mẹ cứ thoải mái nghe điện thoại, có gì con chịu trách nhiệm? Mẹ cứ nghe máy đi, ai cần thì mới gọi nhiều lần thế đấy.
Mẹ mạnh dạn ấn vào nốt OK tôi vừa hướng dẫn: “A lô, ai đó... ơ, thằng Hạnh hả... Về mà không báo cho bà sớm. Đang đầu làng hả, để bà bảo chị Mai Anh ra đón nhé. Cứ đứng im ở đó”.
-Đó, mẹ không nghe máy là thằng cháu còn đứng đầu làng còn lâu, hỏi còn chán.
Mẹ giục lại tôi: “Nhanh nhanh, chuẩn bị thức ăn cho cháu về còn kịp ăn kìa”. Điện thoại điện thiếc gì mất hết cả thời gian.
CHI ANH
{name} - {time}
-
2025-05-15 09:59:00
Chuyện ở quầy hoa
-
2025-05-15 09:45:00
Nghỉ việc vì... việc trọng đại
-
2025-05-07 15:42:00
“Sống cái nhà, thác cái mồ”