(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, xung quanh được bao bọc bởi núi rừng, từ bao đời nay, hàng chục hộ dân sinh sống ở thôn Cao Hoong, xã Lũng Cao (Bá Thước) thiếu đất sản xuất, chưa có nhà văn hóa, sóng điện thoại, cuộc sống thiếu thốn trăm bề.

Tiếng thở dài ở Cao Hoong

Nằm trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, xung quanh được bao bọc bởi núi rừng, từ bao đời nay, hàng chục hộ dân sinh sống ở thôn Cao Hoong, xã Lũng Cao (Bá Thước) thiếu đất sản xuất, chưa có nhà văn hóa, sóng điện thoại, cuộc sống thiếu thốn trăm bề.

Tiếng thở dài ở Cao HoongĐể tăng thu nhập, bà Hà Thị Tự, Bí thư kiêm trưởng thôn Cao Hoong tận dụng diện tích đất quanh nhà để ươm giống cây trồng, bán cho thương lái.

Con đường về Cao Hoong mặc dù đã được cứng hóa, nhưng vì nhiều khúc cua, dốc nên việc di chuyển của người dân trở nên khó khăn gấp bội. Phải mất hơn nửa giờ đồng hồ, chúng tôi mới có mặt ở trung tâm thôn. Nói là trung tâm, thực chất ở Cao Hoong, người dân sinh sống thưa thớt, rải rác dọc hai bên đường với những mái nhà lụp xụp, tạm bợ. Là thôn vùng sâu, vùng xa của xã Lũng Cao, thuộc vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, trước đây Cao Hoong cùng với thôn Kịt trong xã hầu như biệt lập với thế giới bên ngoài. Lý do chính là vì không có đường giao thông, điện chiếu sáng... Từ năm 2013 trở lại đây, được Nhà nước quan tâm đầu tư, con đường cứng hóa được hình thành, giao thông thông suốt nên đi lại đỡ vất vả hơn rất nhiều. Tuy nhiên, khó khăn do thiếu đất sản xuất, đất ở, tư duy canh tác lỗi thời đã khiến cái nghèo, đói luôn đeo bám bà con nơi đây.

Trên con dốc cheo leo đầu thôn là căn nhà sàn đơn sơ của bà Hà Thị Tự, Bí thư kiêm trưởng thôn Cao Hoong, dù đã hơn 60 tuổi nhưng bà vẫn năng nổ, nhiệt tình với công việc, được dân mến, dân thương. Khi được hỏi về cuộc sống của bà con trong thôn, bà Tự vừa thở dài vừa nói: “Cao Hoong hiện có 24 hộ với 106 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Mường, nhưng có đến 19 hộ nghèo, do thiếu đất sản xuất, các hộ dân chỉ làm nương kết hợp chăn nuôi nhỏ lẻ, thanh niên thì kéo nhau đi làm ăn xa để mưu sinh. Trước kia, Cao Hoong chưa có điện lưới, không tivi, loa truyền thanh, máy xay xát... cuộc sống cứ thế quẩn quanh, ảm đạm gắn với cái nghèo. Vừa rồi, được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, người dân có điện lưới để tiện sinh hoạt và sản xuất. Có điện lưới, nhưng thôn lại không có sóng điện thoại nên mỗi lần xã tổ chức họp thôn, việc liên hệ bằng điện thoại vào trong này rất khó khăn. Hơn nữa, do chưa có nhà văn hóa, mọi sinh hoạt đều tập trung tại nhà trưởng thôn, rất bất tiện...”.

Tiếng thở dài ở Cao HoongChăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún là nguyên nhân khiến cuộc sống của người dân thôn Cao Hoong vẫn khó khăn.

Rào cản giảm nghèo lớn nhất ở Cao Hoong là tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở. Một số gia đình muốn tách hộ, cơi nới nhà cửa... nhưng không được. Lý giải về vấn đề này, bà Tự cho biết: Kể từ khi nằm trong quy hoạch vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, cuộc sống của bà con bị giới hạn bởi những quy định ngặt nghèo. Xuống khỏi nhà là đất rừng, đất khu bảo tồn, vậy nên nhiều gia đình ở đây hiện vẫn chưa có sổ đỏ. Cao Hoong hiện chỉ có hơn 4 ha trồng lúa, vì thế cuộc sống càng khó khăn hơn. Gần đây, chính quyền xã Lũng Cao đã động viên bà con trồng thêm cây mướp đắng 2 vụ để cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên do hiệu quả kinh tế không cao, nên “nghèo vẫn hoàn nghèo”.

Do không có đất sản xuất, vợ chồng anh Ngân Văn Hiên (SN 1981) phải để hai con nhỏ ở nhà ông bà nội chăm sóc, lặn lội từ Nam ra Bắc để kiếm việc làm. Trở về quê sau nhiều năm xa xứ, kinh tế gia đình cũng đỡ vất vả hơn trước, nhưng bấp bênh, anh Hiên chia sẻ, giờ muốn tăng gia sản xuất cũng khó vì không có đất, thực sự khốn khó trăm bề, cuộc sống cứ trông chờ vào việc ai thuê gì làm nấy. Thầy giáo Vi Hữu Tình, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lũng Cao cho biết: Khu lẻ Cao Hoong có 3 lớp ghép với 17 học sinh. Dù không còn tình trạng học sinh bỏ học như trước, nhưng lực học các em còn hạn chế, một phần bởi cha mẹ đi làm ăn xa, giao phó hết cho ông bà, phần vì cuộc sống nghèo khó. Hàng năm, cứ mỗi dịp đầu năm học thầy cô lại đến nhà động viên để các em ra trường đúng độ tuổi.

Ông Hà Xuân Ban, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Cao cho biết: “Lũng Cao hiện có 11 thôn, trong đó Cao Hoong là 1 trong 5 thôn vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Do thiếu đất sản xuất, cuộc sống bà con còn nhiều khó khăn, nhiều năm qua địa phương đang loay hoay tìm giải pháp góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân thông qua chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả. Qua nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri, địa phương cũng đã kiến nghị, mong muốn với các cấp, ngành liên quan sớm giải quyết cho người dân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nằm trong quy hoạch Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông để họ yên tâm sản xuất, sinh kế lâu dài”.

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]