(vhds.baothanhhoa.vn) - Độc giả Ngô Mai Hương (Thanh Hóa) hỏi: “Trong một chương trình giải trí về tiếng Việt trên truyền hình, ban tổ chức yêu cầu lựa chọn giữa hai cách viết “tròng trành” hay “chòng chành”, người chơi trả lời là “chòng chành” nhưng không được chấp nhận và đáp án chương trình đưa ra là “tròng trành”.

“Tròng trành” và “Chòng chành”

Độc giả Ngô Mai Hương (Thanh Hóa) hỏi: “Trong một chương trình giải trí về tiếng Việt trên truyền hình, ban tổ chức yêu cầu lựa chọn giữa hai cách viết “tròng trành” hay “chòng chành”, người chơi trả lời là “chòng chành” nhưng không được chấp nhận và đáp án chương trình đưa ra là “tròng trành”.

“Tròng trành” và “Chòng chành”

Bản thân tôi thì thường viết là “tròng trành”, nhưng tôi vẫn thấy trên sách báo người ta viết là “chòng chành”, ví dụ “Chòng chành như nón không quai/ Như thuyền không lái như ai không chồng”. Vậy, xin chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa cho biết, hai cách viết “tròng trành” và “chòng chành” thì đâu là cách viết đúng chính tả.

Trân trọng cảm ơn chuyên mục”.

Trả lời: Đúng như độc giả Ngô Mai Hương nhận xét, “tròng trành” và “chòng chành” là hai dạng chính tả đang song song tồn tại và cùng được từ điển ghi nhận. Trong đó một số cuốn từ điển coi “tròng trành” như “chòng chành”, một số cuốn xem “tròng trành” dạng chính tả phổ thông, “chòng chành” dạng ít dùng, hoặc phương ngữ. Ví dụ:

- Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên), mục “chòng chành” chú là “như tròng trành”; mục “Tròng trành như nón không quai”, từ điển này giảng là “Bấp bênh, chưa ổn định được cuộc sống riêng (thường dùng để chỉ người phụ nữ chưa có chồng)” và lấy ví dụ: “Chòng chành như nón không quai, Như thuyền không lái, như ai không chồng (cd.)”.

- Từ điển điển thành ngữ tục ngữ - ca dao Việt Nam (Việt Chương) ghi nhận “Chòng chành như nón không quai” và giảng: “Nón lá đội đầu để che mưa che nắng, nhờ vào cái quai mới vững được trên đầu. Nón mà không quai hoặc lỏng quai sẽ chòng chành khó đội...”.

- Từ điển chính tả tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), thu thập “chòng chành” và chú giải là “h. tròng trành” (tức là viết “chòng chành” hoặc “tròng trành” đều được chấp nhận).

Một số cuốn từ điển khác như Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên - Vietlex), Từ điển tiếng Việt (Ban Biên soạn Chuyên từ điển New Era), thì thu thập “chòng chành” và hướng dẫn “xem tròng trành”. Từ điển chính tả tiếng Việt (Vũ Xuân Lương - Hoàng Thị Tuyền Linh - Vietlex) thu thập “chòng chành” và khuyên “nên viết tròng trành”.

“Trành” trong “tròng trành” có nghĩa là “nghiêng lệch”, gốc Hán là chữ “tranh” trong “tranh vanh” nghĩa là “cao ngất”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức ghi nhận “tranh vanh”, với lời chú là “cũng gọi chênh vênh” và giảng là “cao ngất và có dốc đứng: Thế núi tranh - vanh”. Như vậy, âm TR (tranh) đã biến thành CH (chênh) và sau khi được Việt hóa, nghĩa “cao ngất” của chênh vênh đã mất đi và thay bằng nghĩa mới là ở vị trí cao mà không có chỗ dựa chắc chắn, gây cảm giác trơ trọi, thiếu vững chãi. Theo đây, với trường hợp “tranh vanh” biến âm thành “chênh vênh”, rồi “chênh” xuất hiện trong “chông chênh”, ta không thể căn cứ vào âm gốc của “tranh” để đi đến kết luận phải viết là “trênh vênh”, hay “trông trênh” mới đúng chính tả. Tương tự, “chòng chành” là một biến thể của “tròng trành”. Ta không thể làm chuyện đơn giản là căn cứ vào nghĩa của “trành” trong “tròng trành” là nghiêng lệch, để bác đi dạng chính tả “chòng chành” được.

Hiện tượng lưỡng khả của “tròng trành” và “chòng chành” không phải là hiếm của hai cách phát âm TR và CH tương ứng với hai dạng chính tả đều được chấp nhận. Ví dụ: “trùng triềng” và “chùng chiềng”; “trùng trình” và “chùng chình”; “trằng trằng” (nhìn trằng trằng, tương tự nhìn trừng trừng) và “chằng chằng” (nhìn chằng chằng) đều được từ điển ghi nhận. Rộng hơn, ta còn thấy hai cách viết với âm TR và CH, TH và CH trong một số từ ngữ khác đều được chấp nhận, như: chết trương/ chết chương; trướng bụng/ chướng bụng; thọc gậy bánh xe/ chọc gậy bánh xe,v.v...

Kết luận: “Tròng trành” và “chòng chành” là hai dạng chính tả đều được từ điển ghi nhận, cùng tồn tại trong thực tế và đều được chấp nhận.

Mẫn Nông (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]