Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông
Ngày 14/6/2024, khi chúng tôi dừng chân ở Đồn Biên phòng Trung Lý (Mường Lát) cũng là thời điểm đồng chí Ngân Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Trung Lý, thông tin cho biết ở bản Tà Cóm có một trường hợp là bà Giàng Thị Sâu, sinh năm 1932 vừa qua đời vào chiều cùng ngày. Đây cũng là đám tang thứ 2 ở bản Tà Cóm người mất được đưa vào quan tài.
Cán bộ xã và Đồn Biên phòng Trung Lý tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho bà con bản Pá Búa. Ảnh: Ngọc Huấn
Xã Trung Lý có 11/15 bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trong đó, bản Tà Cóm chiếm 100% đồng bào dân tộc Mông, nằm cách trung tâm xã Trung Lý khoảng 50km. Hiện nay, bản có 111 hộ, 612 nhân khẩu. Năm 2023, bản có 1 trường hợp người chết được đưa vào quan tài. Đây cũng là bản cuối của xã Trung Lý có người chết đã được đưa vào quan tài và thực hiện các nghi lễ, phong tục trong đám tang theo nếp sống văn hóa mới. Để có được “cuộc cách mạng đưa người chết vào quan tài” ở bản Tà Cóm chính là sự nỗ lực tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng, chi bộ, ban quản lý bản và sự đồng thuận của dòng họ, gia đình bà Giàng Thị Sâu.
Đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa sinh sống tập trung chủ yếu ở 44 bản, trong đó có 12 bản tiếp giáp với các huyện Sốp Bâu, Viêng Xay, Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào) thuộc 10 xã trên địa bàn 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Toàn vùng có 43/44 bản là thôn, bản đặc biệt khó khăn; địa bàn cư trú chủ yếu là rừng đầu nguồn, các khe suối, khu vực rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh. Đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa có hơn 3.700 hộ; trong đó hộ nghèo chiếm 80,5%. Thực hiện Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 19/3/2021 về “Triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”, thời gian qua, cùng với kết quả thực hiện các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn vùng đồng bào Mông, công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đã và đang được các ngành, các cấp và các địa phương triển khai đạt nhiều kết quả quan trọng.
Là cơ quan chủ trì thực hiện Kế hoạch 60/KH-UBND, hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành các kế hoạch về triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông; phối hợp với các sở, ngành và UBND 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ. Các báo cáo viên tuyên truyền tại các hội nghị do Ban Dân tộc tổ chức đều là người dân tộc Mông, trực tiếp truyền đạt các nội dung tuyên truyền bằng tiếng Mông nên đồng bào dễ hiểu, nghe và làm theo. 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn đã tích cực, chủ động thực hiện phối hợp, lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động thông qua các hội nghị với nội dung tập trung tuyên truyền quan điểm của Đảng và Nhà nước, phổ biến, giáo dục pháp luật, với tổng số 120 hội nghị/8.059 người tham gia.
Ông Cầm Bá Tường, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Thông qua các hội nghị tuyên truyền đã tạo sự thay đổi về nhận thức, tư tưởng, niềm tin của đồng bào Mông trong thực hiện nếp sống văn hóa tang lễ, người dân đã dần hiểu được việc thay đổi phong tục, tập quán không làm ảnh hưởng xấu đến dòng họ, gia đình mình; đồng thời việc thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ còn giúp cho đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội được nâng cao. Từ đó nhận biết được quan niệm, các hủ tục trước kia là sự mê tín do nhận thức cổ hủ, lạc hậu từ xưa để lại, góp phần tích cực đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ các hủ tục trong nghi thức tang lễ của đồng bào Mông, thực hiện theo nếp sống văn hóa mới. Ở các bản Mông đã có hương ước, quy ước và thực hiện hương ước, quy ước nếp sống văn hóa trong tang lễ; 253/253 đám tang không tổ chức bắn súng thông báo có người chết; 28/44 bản có nghĩa địa tập trung; 19/44 bản có đường giao thông từ bản ra nghĩa địa thuận lợi cả 4 mùa theo đúng quy hoạch về XDNTM.
Thực hiện nếp sống văn hóa mới trong tang lễ đã giúp đồng bào Mông giảm bớt được các chi phí tốn kém trong tổ chức do đám tang được rút gọn ngắn ngày, giảm các nghi lễ lạc hậu và không cần thiết, giúp người dân bớt đi gánh nặng kinh tế, tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình. Từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong tang ma của đồng bào Mông đã góp phần thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các trưởng dòng họ, người có uy tín luôn nâng cao vai trò, làm tốt công tác tư tưởng vận động đồng bào phát huy truyền thống đại đoàn kết các dân tộc, tương thân tương ái giúp đỡ nhau cùng phát triển. Việc thực hiện nếp sống văn hóa mới trong tang lễ không ảnh hưởng đến sức khỏe cho những người thân trong gia đình và cộng đồng, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường. Sự thay đổi trong nhận thức của người dân đã làm cho các thế lực phản động ít có cơ hội lợi dụng hủ tục, quan niệm lạc hậu của người dân để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc biên giới chủ quyền quốc gia.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong thực hiện văn hóa tang lễ, điều kiện về kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông vẫn còn quá nhiều khó khăn. Một số người già cao tuổi trong các dòng họ đồng bào Mông chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ còn gây khó khăn trong công tác vận động và thuyết phục thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định; tình hình tội phạm trên địa bàn đã được kiềm chế, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm về ma túy.
Để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 60/KH-UBND, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, huyện liên quan trong triển khai tổ chức thực hiện; sự vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể địa phương nơi có đồng bào Mông sinh sống. Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền thông qua tổ chức các hội nghị, tuyên truyền, vận động cho các đối tượng là cán bộ xã, thôn, bản và người dân tộc Mông; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh căn cứ nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện và phối hợp lồng ghép công tác triển khai, hướng dẫn, tuyên truyền trên địa bàn vùng đồng bào Mông của tỉnh. Huyện ủy, UBND các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn tiếp tục làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo “Ban tuyên truyền, vận động” cấp huyện, cấp xã và “Tổ tuyên truyền, vận động” của các thôn, bản. Trong đó, tổ chức hướng dẫn, vận động các hộ gia đình, dòng họ, người dân tích cực tham gia thực hiện tốt các nội quy, quy định, hương ước, quy ước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo nếp sống văn hóa mới. Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng, bản văn hóa gắn liền với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đưa các nội dung thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông vào nội dung của hương ước, quy ước nếp sống văn hóa, có chế tài xử phạt thích đáng đối với các trường hợp vi phạm hương ước, quy ước của thôn, bản. Tăng cường thực hiện quy hoạch nghĩa địa tập trung và làm đường đi ra nghĩa địa ở các bản đồng bào Mông sinh sống.
Ngọc Huấn
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-06-21 16:15:00
Về câu tục ngữ “Cát liền tay, thịt chầy ngày”
Nơi lan tỏa tình yêu với ngôn ngữ và văn hóa Nga
Kĩ năng đọc thông tin - Biến thông tin thành sức mạnh
Vì sao vợ chồng gọi nhau là “Nhà” ?
Thực hư thông tin ca sỹ robot tổ chức buổi hòa nhạc gây sốc tại Mỹ
Điểm sáng phát triển văn hóa đọc
Việt Nam có MV Youtube đầu tiên đạt 1 tỉ lượt xem
Lần đầu tiên tổ chức triển lãm về nghệ thuật thiết kế quảng cáo Việt Nam
“Sống đến bình minh” - Ký ức cuộc đời nhà báo Trần Mai Hạnh
“Càn” trong “ăn bậy nói càn” nghĩa là gì?