(vhds.baothanhhoa.vn) - Tục ngữ về kinh nghiệm sản xuất, cụ thể là canh tác cây lúa nước có câu “Cát liền tay, thịt chầy ngày”. Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân - NXB Văn học, 2018) giảng: “Cát liền tay, thịt chầy ngày: Kinh nghiệm nông dân cho là nếu cấy ở đất cát có thể cấy ngay, còn cấy ở đất thịt thì phải cày bừa cho kỹ”.

Về câu tục ngữ “Cát liền tay, thịt chầy ngày”

Tục ngữ về kinh nghiệm sản xuất, cụ thể là canh tác cây lúa nước có câu “Cát liền tay, thịt chầy ngày”. Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân - NXB Văn học, 2018) giảng: “Cát liền tay, thịt chầy ngày: Kinh nghiệm nông dân cho là nếu cấy ở đất cát có thể cấy ngay, còn cấy ở đất thịt thì phải cày bừa cho kỹ”.

Về câu tục ngữ Cát liền tay, thịt chầy ngày

Đây là lời giảng kiểu hú họa, nên chỉ hơi đúng nửa đầu nói về cấy đất cát, còn vế sai thì sai hoàn toàn. Bởi vì, đất nào khi cấy cũng phải cày bừa kỹ, chứ không cứ là “đất thịt” hay “đất cát”.

Thực ra, câu “Cát liền tay, thịt chầy ngày”, dân gian nói đến kinh nghiệm gieo cấy trên chân đất cát và đất thịt. Với đất cát nhanh lắng, thì bừa xong nên cấy ngay(“liền tay”) kẻo đất nén chặt xuống rất khó cấy, chứ không phải “có thể cấy ngay”. Bởi thế, dân gian có câu Trâu ra mạ vào, tức trâu bừa xong, bước chân ra khỏi ruộng thì đưa mạ vào cấy ngay là tốt nhất. Còn đối với đất thịt nhiều bùn non (bùn loãng) nếu bừa xong cấy ngay, cây lúa sẽ bị trôi đi, không đứng được. Thế nên phải để “chầy ngày” (đủ một ngày, sau một ngày) cho bùn lắng xuống, đặc lại, mới cấy là tốt nhất. Chữ “chầy” trong “chầy ngày” là chậm, muộn hơn, trái nghĩa với “liền”, “chóng” (như “chẳng chóng thì chầy”, “đau chóng đã chầy”). Bởi vậy, “chầy ngày” là cách tính thời gian một ngày sau khi bừa lần cuối rồi cấy, chứ không có nghĩa “phải cày bừa cho kỹ” (cày bừa liên tục trong thời gian một ngày) như cách giải thích của GS. Nguyễn Lân.

Đáng chú ý, trong cuốn Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương - NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2010), tác giả giải thích như sau: “Cát liền tay; thịt chầy ngày: (Ruộng) cát pha thì nên cấy ngay sau khi vừa bừa xong (cho lúa dễ bén chân lúc bùn chưa kịp se); (ruộng) đất thịt thì nên chờ ít ngày (cho bùn kịp se lại đã rồi hẵng cấy để lúa dễ bén chân)”.

Cách giải thích trên đây của Từ điển tục ngữ Việt khi mới đọc qua tưởng như không có gì đáng bàn. Tuy nhiên, xét cho kỹ thì thấy rằng tác giả cũng chưa thực sự hiểu đúng ý dân gian.

Như chúng tôi đã phân tích ở trên. “Cát liền tay” là với ruộng đất cát thì nên cấy liền tay sau khi bừa xong lần cuối để tránh đất cát “lắng xuống” khó cấy, chứ không phải là cấy khi “bùn chưa kịp se” như tác giả Nguyễn Đức Dương giải thích. Đất cát lắng bùn và đông lại hoàn toàn khác với khái niệm se bùn, vì “se” có nghĩa là “khô”. Khi bùn lắng xuống thì phía trên vẫn đầy nước, trong khi đất “se” thì trên ruộng sẽ không có nước. Tương tự, tác giả đã sai khi giảng vế hai “đất thịt thì nên chờ ít ngày (cho bùn kịp se lại đã rồi hẵng cấy để lúa dễ bén chân)”. Dù cấy trên chân đất nào cũng vậy, không ai để “cho bùn kịp se lại đã rồi hẵng cấy”, vì như vậy là cấy trong tình trạng ruộng không có nước, bùn đặc quánh, cây lúa bị bó rễ, thiếu nước có thể dẫn đến héo úa. Bởi thế, xưa kia khi chưa chủ động được nước tưới, lắm lúc nông dân phải “cấy chạy se”, tức bằng mọi cách tranh thủ cấy xong trước khi ruộng bị “se” lại.

Tục ngữ về kinh nghiệm sản xuất được tổng kết từ thực tế lao động sản xuất. Theo đây, phải xuất phát từ chính thực tế lao động sản xuất để giải thích chứ không thể phỏng đoán hoặc chỉ đơn thuần căn cứ vào câu chữ để phân tích.

Mẫn Nông (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]