(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhắc đến lễ hội tiêu biểu của huyện Như Xuân là nhắc đến lễ hội dâng trâu tế trời gắn với đền Chín Gian của người Thái (xã Thanh Quân), diễn ra vào khoảng 23 đến 25 tháng Giêng; lễ hội Đình Thi của đồng bào dân tộc Thổ, thị trấn Yên Cát.

Bảo tồn lễ hội truyền thống trên địa bàn Như Xuân

Nhắc đến lễ hội tiêu biểu của huyện Như Xuân là nhắc đến lễ hội dâng trâu tế trời gắn với đền Chín Gian của người Thái (xã Thanh Quân), diễn ra vào khoảng 23 đến 25 tháng Giêng; lễ hội Đình Thi của đồng bào dân tộc Thổ, thị trấn Yên Cát.

Bảo tồn lễ hội truyền thống trên địa bàn Như XuânNghi thức tế lễ trong Lễ hội Đình Thi của đồng bào dân tộc Thổ Như Xuân. Ảnh: tư liệu

Tọa lạc trên đồi Pú Pỏm, đền Chín Gian là địa danh du lịch văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Thái. Nơi đây diễn ra lễ hội dâng trâu tế trời là nghi thức tín ngưỡng tri ân những người đã có công xây bản, lập mường, những người có công với nước; cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vào ngày lễ hội diễn ra lễ tắm trâu, lễ rước; lễ hiến trâu và cúng thần; lễ đại tế. Bên cạnh phần lễ là phần hội với những hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao... góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của Nhân dân, du khách thập phương vào mỗi dịp đầu xuân.

Nếu như lễ hội dâng trâu tế trời tiêu biểu trong đồng bào dân tộc Thái, thì lễ hội Đình Thi là lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc Thổ huyện Như Xuân. Trải qua thời gian do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến lễ hội phải tạm dừng trong thời gian dài, thì năm nay huyện Như Xuân đã và đang chuẩn bị tổ chức lễ hội với quy mô cấp huyện. Đây không chỉ là lễ hội riêng của đồng bào Thổ, mà góp phần xây dựng mối đoàn kết các dân tộc, các xã, thị trấn trên địa bàn, thu hút đông đảo Nhân dân, du khách.

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Như Xuân Phạm Văn Nam, cho biết: Nhằm tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho Nhân dân, đồng thời ôn lại truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, UBND huyện Như Xuân đã xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ hội Đình Thi huyện Như Xuân lần thứ V - năm 2024.

Bảo tồn lễ hội truyền thống trên địa bàn Như XuânLễ hội Đình Thi diễn ra tại di tích lịch sử văn hóa Đình Thi. Ảnh: tư liệu

Lễ hội tưởng nhớ đến công lao to lớn của Tướng quân Lê Phúc Thành - người đã lập công lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và cũng là người đầu tiên khai phá vùng đất nơi đây thành nhiều làng, xã của huyện Như Xuân. Sau khi ông mất, người dân tôn vinh ông là Thành hoàng làng. Thông qua Lễ hội nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đang có nguy cơ bị mai một và các hoạt động thể thao dân tộc được Nhân dân yêu thích.

Theo kế hoạch, Lễ hội Đình Thi lần thứ V - năm 2024 được tổ chức với quy mô cấp huyện, các hoạt động phần lễ và phần hội được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 22 đến hết ngày 24/4 (tức ngày 14 đến hết ngày 16/3 âm lịch). Sẽ có 16 xã, thị trấn tham gia các hoạt động trong lễ hội. Lễ hội bao gồm các hoạt động tế lễ theo nghi thức truyền thống như dâng trâu tế lễ, rước kiệu của các làng. Tại lễ hội sẽ diễn ra hoạt động cắm trại, hội thi văn nghệ, hội thi ẩm thực, hội thi thiếu nữ đẹp trong trang phục dân tộc, thi đấu các môn bóng chuyền, tung còn, kéo co, bắn nỏ. UBND huyện Như Xuân đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các nội dung, phần việc theo sự chỉ đạo của huyện một cách chu đáo với các nội dung thiết thực, phù hợp, tiêu biểu, hấp dẫn, thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung và dân tộc Thổ nói riêng. Việc tổ chức lễ hội nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần cổ vũ, động viên các cấp, các ngành, đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc. Đồng thời đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Cùng với việc xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, thời gian qua di tích lịch sử - văn hóa Đình Thi được tỉnh và huyện Như Xuân, thị trấn Yên Cát quan tâm đầu tư, tôn tạo xứng tầm. Tổng kinh phí trùng tu, tôn tạo Đình Thi hơn 5,2 tỷ đồng. Đến nay, các hạng mục công trình đã hoàn thành hơn 80% kế hoạch. Lễ hội Đình Thi trong lộ trình sẽ đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]