(vhds.baothanhhoa.vn) - Những di sản văn hóa trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước đã góp phần hình thành và tạo nên tính cách con người xứ Thanh anh dũng, quật cường, tràn đầy dũng khí, vượt lên gian khó để chiến thắng thiên tai và các thế lực bạo tàn, song lại thấm đẫm tính nhân văn, giàu lòng nhân ái và đức hy sinh xả thân vì nghĩa lớn, vì lợi ích và sự trường tồn của dân tộc.

Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa tỉnh Thanh trên tiến trình hội nhập và phát triển

Những di sản văn hóa trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước đã góp phần hình thành và tạo nên tính cách con người xứ Thanh anh dũng, quật cường, tràn đầy dũng khí, vượt lên gian khó để chiến thắng thiên tai và các thế lực bạo tàn, song lại thấm đẫm tính nhân văn, giàu lòng nhân ái và đức hy sinh xả thân vì nghĩa lớn, vì lợi ích và sự trường tồn của dân tộc.

Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa tỉnh Thanh trên tiến trình hội nhập và phát triểnRước Kiệu Thờ lễ hội truyền thống.

Thanh Hóa là một trong những cái nôi của những giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Về di sản văn hóa vật thể, mỗi làng quê xứ Thanh đều gắn với các địa danh và những sự kiện lịch sử từng in dấu. Với 1.535 di tích, trong đó có Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, 5 di sản văn hóa quốc gia đặc biệt, gần 800 di tích xếp hạng quốc gia và xếp hạng cấp tỉnh hàm chứa nhiều giá trị lịch sử cách mạng, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh. Thông qua những di tích, hiện vật, sắc phong, văn bia, câu đối ở những di tích này giúp cho những nhà nghiên cứu và mọi người thấy được những giá trị lịch sử trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng, vẻ vang và oanh liệt của ông cha ta qua từng thời kỳ lịch sử. Chính ở các di tích này còn tiềm ẩn nhiều giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu như: Thần tích, huyền thoại, tục ngữ, ca dao, lễ tục, lễ hội, văn hóa ẩm thực, các nghi lễ... gắn với các nhân vật được thờ phụng, qua đó giúp cho giới nghiên cứu sử học, khảo cổ học, dân tộc học... từng bước nhận ra hiện thực lịch sử của những người anh hùng, chính họ đã làm nên và tô đẹp cho truyền thống dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc trên đất xứ Thanh.

Về di sản văn hóa phi vật thể của người Việt và đồng bào các dân tộc thiểu số còn lưu lại đến ngày nay đậm nét. Trong kho tàng truyền thuyết, truyện cổ bắt gặp cây Thần như cây Si trong mo “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường cành ngả ra tới đâu thành bản thành làng tới đó. Hệ thống các nhân vật khổng lồ như: ông Bưng, ông Lau, ông Vồm... đội đá vá trời, khai sinh ra sông ngòi, ruộng đồng tươi tốt của người Việt, đó là ông Thu Tha bà Thu Thiên của người Mường, Ải lậc cậc, Khăm panh... của người Thái lập nên những chiến công và kỳ tích phi thường, sáng tạo ra muôn vật, dạy cách trồng trọt, truyền nghề, đánh đuổi kẻ thù bảo vệ cuộc sống...

Đối mặt với thiên nhiên và môi trường sống khắc nghiệt, giành giật với thiên nhiên với các thế lực cản trở con người để tồn tại, qua quá trình lao động, người dân xứ Thanh từ xa xưa đã đúc rút và tích luỹ được nhiều kinh nghiệm sống. Những bài học đó đã được họ ghi nhớ và trao truyền cho các thế hệ mai sau bằng những câu tục ngữ, thành ngữ cô đọng. Vốn tri thức dân gian, kinh nghiệm trong cách ứng xử, quan hệ không chỉ đối với con người mà giữa con người với thiên nhiên cũng được đồng bào các dân tộc rất coi trọng. Dân gian còn tích luỹ và truyền dạy về các tri thức về văn hóa ẩm thực, chữa trị các chứng bệnh bằng cây thuốc cỏ, thuốc dấu, cách phòng trị bệnh theo mùa.

Xứ Thanh là đất “Tam vương, nhị chúa” và có cả trạng. Các câu chuyện về trạng không chỉ có ở Hoằng Hóa, quê hương của Tú Quỳnh, Xiển Bột mà ở xứ Thanh đến nơi nào cũng đều bắt gặp những câu chuyện trạng do dân gian tự giễu mình và cũng để giễu người.

Sông Mã, sông Chu không chỉ mang lại dòng nước mát lành và sa bồi tươi tốt cho những ruộng lúa, nương ngô mà trên dòng sông ấy đã ngân vang những câu ca thiết tha đằm thắm, chứa chan sâu nặng nghĩa tình về tình người và đất. Đồng bào các dân tộc thiểu số bao đời nay cư trú trên đôi bờ sông soi hình bóng núi, có vốn tri thức văn hóa - văn nghệ dân gian đặc sắc và phong phú như: khặp (Thái), Xường rang, Bọ mẹng (Mường), pả dung (Dao)... là lời ca phản ánh tâm hồn của họ với nhiều cung bậc tình cảm tinh tế, thiết tha mà đằm thắm. Người Việt với nhiều làn điệu dân ca phong phú và đặc sắc như: hát giao duyên, dân ca nghi lễ, hát đối đáp, hát ru... ở miền quê nào cũng có. Đặc biệt sông Mã – dòng sông văn hóa, ngân lên điệu hò sông Mã riêng có ở xứ Thanh, diễn tả tình cảm của người dân lao động, của những đôi lứa yêu nhau chan chứa ân tình. Cùng với các làn điệu dân ca, dân vũ ở xứ Thanh cũng không kém phần phong phú và đặc sắc. Nói đến trò diễn người Kinh phải kể đến: múa đèn (Đông Anh, Thiệu Quang), trò Xuân Phả, trò Tiên Cuội, trò Chuộc (múa rối), trò ngũ Bôn, trò Thủy, trò Thiếp... Đồng bào Thái có múa quạt, múa nón, trò diễn Kin Chiêng Boọc Mạy. Đồng bào Mường có múa Pôồn Pông, người Dao có múa Rùa, múa Bát, người Mông có múa ô, múa khèn... là cơ sở để hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu bác học sau này. Chính chèo và hát bội đều bắt nguồn từ tục chèo thờ làng Mưng, hát bội làng Quỳ Chử, hát bội làng Tòng Tân...

Âm nhạc dân gian của đồng bào tỉnh Thanh chứa đựng nhiều sắc thái tình cảm: Đồng bào Mường có âm nhạc cồng chiêng, đàn đỉnh, tộc người Thái có khua luống, trống chiêng, người Mông có kèn lá, kèn môi, khèn, người Kinh sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ dây, gõ, hơi... với muôn sắc màu và cung bậc tình cảm phong phú.

Văn hóa tín ngưỡng, xứ Thanh gần như hội đủ các tín ngưỡng và tôn giáo bản địa cũng như ngoại nhập. Tín ngưỡng thờ đá, thờ cây, thờ mẫu... xuất hiện khá rõ nét. Đặc biệt nơi đây có các tôn giáo tín ngưỡng độc đáo như: tục thờ thần Núi (Cao Sơn) có tới 114 nơi thờ, thờ Mẫu Liễu Hạnh 48 phủ đền thờ, Tứ vị Thánh Nương 94 làng thờ, Đông Hải Đại Vương 72 làng ven biển thờ, Thần Độc Cước 52 điểm thờ. Không nơi đâu như xứ Thanh lại xuất hiện Nội đạo An Đông được vua Lê, chúa Trịnh phong là nội đạo chính tông. Nhiều năm qua, công tác sưu tầm, nghiên cứu và bước đầu phát huy giá trị văn hóa phi vật thể đã được chú ý và quan tâm đúng mức, đã có nhiều công trình văn hóa đã được khôi phục, phát huy trong cuộc sống.

Những di sản văn hóa trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước đã góp phần hình thành và tạo nên tính cách con người xứ Thanh anh dũng, quật cường, tràn đầy dũng khí, vượt lên gian khó để chiến thắng thiên tai và các thế lực bạo tàn, song lại thấm đẫm tính nhân văn, giàu lòng nhân ái và đức hy sinh xả thân vì nghĩa lớn, vì lợi ích và sự trường tồn của dân tộc. Những giá trị văn hóa đó tiếp tục được bảo tồn và phát huy trong thời kỳ đổi mới, hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Những năm gần đây, với sự quan tâm, chỉ đạo và đầu tư của Trung ương và của tỉnh, các dự án và công trình tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa như: Khu Di tích Lam Kinh, Thái miếu Nhà Lê, Khu Di tích Gia Miêu, phủ Trịnh, đền Bà Triệu, đền Lê Hoàn, đền Đồng Cổ, đền thờ Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ... và nhiều dự án đã được thực hiện nhằm tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa của cha ông để lại phục vụ cho cuộc sống. Di chỉ khảo cổ học hang Con Moong đang được nghiên cứu lập hồ sơ để đề nghị UNESCO xem xét công nhận là di sản văn hóa thế giới; Danh nhân Lê Văn Hưu đang tiến hành xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới...; công tác xã hội hóa trong việc trùng tu, tôn tạo, và phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục được đẩy mạnh. Cùng với các giá trị văn hóa vật thể, công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh cơ bản đã hoàn thành, nghiên cứu, xây dựng hồ sơ để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Tục hát chèo thờ làng Mưng, hò sông Mã, trò diễn Viên Khê, trò Xuân Phả, lễ hội Cầu Ngư, múa đèn Thiệu Quang, lễ hội đền Bà Triệu, đền Lê Hoàn... của người Kinh; trò diễn Pôồn Pông, Kin Chiêng Boọc Mạy của người Mường và người Thái. Công tác sưu tầm, nghiên cứu và phục dựng dân ca, dân vũ, lễ hội được quan tâm thực hiện, tiêu biểu là những công trình như: Tục ngữ, hát Khặp của người Thái, Mo Mường, những bài ca trong đám cưới, hát ru, tục ngữ, trò diễn trong đám ma của người Mường, trò diễn Xên bản của người Thái, lễ tục trong đám ma của người Mông, lễ cấp sắc của người Dao... đã được nghiên cứu, in thành sách, phục dựng, ghi hình ảnh và dựng thành phim để lưu giữ, giới thiệu và phổ biến sâu rộng trong Nhân dân. Các ngày hội văn hóa dân tộc, đã góp phần khôi phục và phát huy được nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc trong quần chúng Nhân dân, huy động sự tham gia của cộng đồng. Việc tôn vinh các nghệ nhân dân gian được coi trọng, đến nay, đã có 2 Nghệ nhân Nhân dân và gần 100 Nghệ nhân Ưu tú sử dụng và truyền dạy nhiều loại hình di sản văn hóa đặc sắc.

Để di sản văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trên quê hương tỉnh Thanh càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Trước hết, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền có hiệu quả các nghị quyết của Đảng về văn hóa và chấn hưng văn hóa dân tộc nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh hiểu biết sâu sắc về vai trò, động lực của văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Lập quy hoạch và tiến hành thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích trọng điểm, phấn đấu hoàn thiện hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận di tích hang Con Moong là di sản văn hóa thế giới, nhà sử học Lê Văn Hưu là Danh nhân văn hóa thế giới; tu bổ hoàn thiện và phát huy giá trị Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền Bà Triệu, đền Lê Hoàn, Thái miếu nhà Lê, đền Đồng Cổ, Khu di tích Gia Miêu, đền thờ Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ, Khu danh thắng Hàm Rồng, Sầm Sơn... Tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, phổ biến và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể như: ngôn ngữ, chữ viết, tục ngữ, phương ngôn, dân ca, dân vũ, dân nhạc, tri thức dân gian, hương ước, quy ước, lễ tục, hội hè... của đồng bào các dân tộc để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của quần chúng, phát triển văn hóa du lịch.

Điều tra tổng thể, phân loại di sản văn hóa phi vật thể, có kế hoạch bảo tồn phục dựng và phát huy những giá trị di sản văn hóa ở mọi vùng, miền của mỗi tộc người nhằm xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, văn minh, tiến bộ. Muốn vậy cần phải quan tâm tới các nghệ nhân dân gian, các làng nghề... để lưu giữ và phát huy những bí quyết nghề nghiệp nhằm tạo nên những sản phẩm vật chất và tinh thần đặc sắc, phong phú.

Cần có chính sách đầu tư thỏa đáng để làm phim, chụp ảnh các lễ hội cổ truyền, phong tục, tín ngưỡng mang đậm sắc thái văn hóa của mỗi tộc người; in ấn, xuất bản các sản phẩm văn hóa về dân ca, dân vũ, dân nhạc... phổ biến sâu rộng tới Nhân dân trong, ngoài tỉnh cũng như giới thiệu tổ chức, giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế để di sản văn hóa tỉnh Thanh thực sự phát huy sức mạnh nội lực, lan tỏa, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc trong hội nhập, giao lưu quốc tế.

Hoàng Minh Tường (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]