(vhds.baothanhhoa.vn) - Sơn La - vùng đất có nền văn hóa đa dạng, phong phú, nơi hội tụ, sinh sống từ lâu đời của 12 dân tộc, mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hóa đặc sắc mang sắc thái riêng. Những giá trị tinh thần quý báu đó đã được truyền qua bao thế hệ con người Sơn La, được hun đúc và trở thành truyền thống tốt đẹp của văn hóa, con người Sơn La.

Đặc sắc văn hóa Sơn La

Sơn La - vùng đất có nền văn hóa đa dạng, phong phú, nơi hội tụ, sinh sống từ lâu đời của 12 dân tộc, mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hóa đặc sắc mang sắc thái riêng. Những giá trị tinh thần quý báu đó đã được truyền qua bao thế hệ con người Sơn La, được hun đúc và trở thành truyền thống tốt đẹp của văn hóa, con người Sơn La.

Đặc sắc văn hóa Sơn La

Vòng xòe đoàn kết của đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La.

Đồng chí Hoàng Ngân Hoàn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa, ngành đã tham mưu cho tỉnh tổ chức nhiều hoạt động khơi dậy, bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị. Các thiết chế văn hóa, thể thao, sinh hoạt cộng đồng được đầu tư và phát huy hiệu quả. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong quần chúng Nhân dân phát triển mạnh mẽ. Bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của Nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La được định hình rõ nét.

Công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể được quan tâm. Đến nay, tỉnh Sơn La có 89 di tích văn hóa vật thể được phê duyệt đưa vào danh mục, trong đó có 63 di tích được xếp hạng; gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt, 15 di tích Quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích đang được bảo tồn và khai thác hiệu quả, nổi bật, như: Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, Di tích Văn bia Quế lâm Ngự chế - Đền thờ Vua Lê Thái Tông, Di tích lịch sử Trung đoàn Tây Tiến... thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, học tập và nghiên cứu, góp phần vào việc giáo dục truyền thống, ý thức phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các tầng lớp Nhân dân.

Đặc sắc văn hóa Sơn La

Biểu diễn nhảy Tha Khềnh của đồng bào dân tộc Mông, Sơn La.

Đối với di sản văn hóa phi vật thể, những năm qua, tỉnh đã kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể của chín dân tộc Thái, Mông, Dao, Mường, Xinh Mun, Khơ Mú, La Ha, Lào, Kháng, theo bảy loại hình, gồm: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; nghề thủ công truyền thống; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian. Đến nay, tỉnh đã nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học 13 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, trong đó có 12 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đặc biệt, cuối năm 2021, Sơn La và các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái tự hào khi được UNESCO ghi danh “Nghệ thuật xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Để bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa, tỉnh Sơn La quan tâm đến các văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian. Hiện nay, tỉnh Sơn La tỉnh có một Nghệ sỹ Nhân dân, 20 Nghệ sỹ Ưu tú thuộc các chuyên ngành nghệ thuật; có 28 Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hằng năm, tỉnh còn tổ chức cho các nghệ nhân, đội văn nghệ tham gia trình diễn dân ca, dân vũ, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống và các lễ hội, lễ nghi của tỉnh được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tại ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam và tham dự các liên hoan văn hóa, văn nghệ khu vực, toàn quốc…

Đặc sắc văn hóa Sơn La

Phục dựng, tái hiện Lễ hội Hết Chá tại bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu.

Những năm gần đây, Sơn La chú trọng phát triển du lịch, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch, như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng... Việc hoàn thiện và xây dựng các điểm, khu du lịch tiếp tục được đẩy mạnh, như: Tập trung phát triển Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, Khu du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La, Khu du lịch thành phố Sơn La; Khu du lịch Ngọc Chiến - Mường La. Xây dựng và phát triển các điểm du lịch, như: thác Dải Yếm, rừng thông bản Áng (Mộc Châu); rừng Vàng, thung lũng Hoa Ban (TP Sơn La); Đảo trái tim, vịnh Uy Phong (Quỳnh Nhai); điểm du lịch Tà Xùa, Sống lưng khủng long, đồi Pu Nhi (Bắc Yên)... góp phần hoàn thành mục tiêu đón 3,2 triệu lượt khách đến Sơn La trong năm 2022.

Đặc sắc văn hóa Sơn La

Ném pao trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Mông ở Sơn La.

Tự hào khi du lịch Mộc Châu được vinh danh tại World Travel Awards - giải thưởng được so sánh là có uy tín và tầm ảnh hưởng như giải Oscar trong lĩnh vực du lịch, đồng chí Nguyễn Thị Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế du lịch được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển du lịch Mộc Châu theo hướng bền vững. Cùng với tổ chức nhiều ngày hội xuyên suốt quanh năm, huyện còn hỗ trợ kinh phí để phục dựng, tái hiện một số lễ hội truyền thống, đặc sắc; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc, tạo thành sản phẩm du lịch thu hút du khách.

Với sự chủ động, tích cực của các cấp, ngành, địa phương, những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Sơn La đang được bảo tồn và phát huy, khơi dậy lòng tự hào của mỗi dân tộc về di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp, tích cực tham gia gìn giữ và phát triển để di sản văn hóa dân tộc sống mãi với thời gian.

Việt Anh


Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]