(vhds.baothanhhoa.vn) - Vào dịp lễ hội đầu xuân, tại các khu, điểm di tích lịch sử, văn hóa tâm linh nổi tiếng trên địa bàn tỉnh đều đón hàng nghìn lượt khách mỗi ngày, kéo theo đó là lượng rác thải phát sinh trong quá trình tham quan, vãn cảnh. Nhằm đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp, tạo ấn tượng tốt với Nhân dân và du khách thập phương, các địa phương, ban quản lý các di tích đã xây dựng phương án, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Giữ gìn môi trường tại các di tích mùa lễ hội

Vào dịp lễ hội đầu xuân, tại các khu, điểm di tích lịch sử, văn hóa tâm linh nổi tiếng trên địa bàn tỉnh đều đón hàng nghìn lượt khách mỗi ngày, kéo theo đó là lượng rác thải phát sinh trong quá trình tham quan, vãn cảnh. Nhằm đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp, tạo ấn tượng tốt với Nhân dân và du khách thập phương, các địa phương, ban quản lý các di tích đã xây dựng phương án, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Giữ gìn môi trường tại các di tích mùa lễ hộiCảnh quan môi trường tại Khu Di tích lịch sử Đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn) luôn được giữ gìn xanh - sạch - đẹp.

Khu Di tích lịch sử Đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn) là một trong những điểm đến văn hóa tâm linh hấp dẫn, mỗi ngày thu hút hàng nghìn lượt khách dịp lễ hội đầu xuân. Tuy nhiên, địa hình núi rừng rộng lớn là khó khăn không nhỏ trong công tác quản lý, dọn dẹp, thu gom rác thải, bảo đảm cảnh quan xanh- sạch - đẹp trong thời gian cao điểm. Theo thống kê của UBND thị trấn Nưa, chỉ tính riêng trong tháng Giêng năm Quý Mão 2023, nơi đây đã đón tới 15 nghìn lượt khách. Nắm bắt trước tình hình về lượng khách, ban tổ chức lễ hội đã xây dựng các phương án đón tiếp và phục vụ khách, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu di tích. Cụ thể, UBND thị trấn Nưa huy động sự vào cuộc và phân công nhiệm vụ cho hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên đảm nhiệm công tác quét dọn, thu gom rác thải các trục đường chính và khu vực di tích trong những ngày cao điểm, tập kết về nơi quy định. Đồng thời bố trí 20 thùng đựng rác tại đền Nưa và 40 thùng đựng rác tại khu vực Am Tiên, đặt ở các vị trí thuận lợi cho người dân bỏ rác.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Triệu Sơn Nguyễn Thị Tâm cho biết: “Công tác tuyên truyền là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Năm nay, trung tâm đã bổ sung thêm 50 biển nội quy đặt tại Khu Di tích lịch sử Đền Nưa - Am Tiên. Cùng với đó, phối hợp, hướng dẫn thị trấn Nưa tăng cường các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn du khách thắp hương, dâng lễ, giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi, bẻ cành cây... làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và làm mất mỹ quan di tích”.

Còn tại TP Sầm Sơn, năm nay Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và một số trường học trên địa bàn thành phố đã đăng ký dọn dẹp vệ sinh môi trường ở tất cả các khu vực bên trong và ngoài đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền thờ Tô Hiến Thành, đảm bảo xong trước ngày 5/2/2024 (tức ngày 26 tháng Chạp năm Quý Mão 2023). Đối với thời gian “cao điểm” đón khách, các thủ từ sẽ dọn dẹp 2 lần/ngày. Cùng với đó, Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Sầm Sơn bố trí 3 cán bộ, nhân viên túc trực, hướng dẫn Nhân dân và du khách tham quan, bỏ rác, đốt vàng hương đúng nơi quy định, đồng thời bố trí mỗi điểm 1 cụm loa tuyên truyền.

Đối với các địa phương như TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn; các huyện: Thường Xuân, Như Thanh, Hà Trung, Thạch Thành, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc... - nơi có lượng khách đến đông vào dịp đầu xuân, đến nay đã xây dựng kế hoạch quản lý, tổ chức lễ hội, đồng thời thành lập ban tổ chức, ban hành các phương án riêng, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương cũng như đặc thù của từng khu, điểm di tích.

Nhằm đảm bảo các hoạt động đầu xuân diễn ra an toàn, lành mạnh, cảnh quan môi trường tại di tích được đảm bảo xanh - sạch - đẹp, ngày 19/12/2023 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Văn bản số 6504/SVHTTDL-QLDL về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Trong đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các địa phương, ban quản lý di tích, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cần có phương án bố trí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thu gom rác thải hợp lý, thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội. Đặc biệt, tăng cường các phương án giảm thiểu rác thải nhựa, không sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Có thể nói, trong những năm gần đây, Thanh Hóa là một trong những địa phương có sức hút lớn đối với du khách thập phương trong dịp lễ hội đầu xuân, lượng khách đến một số khu, điểm di tích văn hóa lịch sử - tâm linh có thời điểm quá tải. Trong khi đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tới hơn 1,5 nghìn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ. Do đó, cùng với sự vào cuộc của các cấp, sở, ngành, địa phương và ban quản lý di tích, rất cần sự chung tay của mỗi người dân, du khách khi tham quan, vãn cảnh, để môi trường tự nhiên, cảnh quan di tích luôn được giữ gìn xanh - sạch - đẹp trong suốt mùa lễ hội đầu xuân.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]