(vhds.baothanhhoa.vn) - ... Các hoạt động được hội triển khai thực hiện tại các bản có hội viên, phụ nữ dân tộc Mông đã góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông; nâng cao kiến thức về mọi mặt giúp chị em tích cực tham gia xây dựng và phát triển quê hương...

Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông

... Các hoạt động được hội triển khai thực hiện tại các bản có hội viên, phụ nữ dân tộc Mông đã góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông; nâng cao kiến thức về mọi mặt giúp chị em tích cực tham gia xây dựng và phát triển quê hương...

Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc MôngBà Sùng Thị Mỵ và cháu gái Thào Thị Sinh trước hiên ngôi nhà trình tường.

Thanh Hóa có 1,5% dân số là đồng bào dân tộc Mông, với gần 3.700 hộ sinh sống tập trung ở 44 bản, thuộc 10 xã của 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa và Quan Sơn. Thực hiện Kết luận số 684-KL/TU, ngày 1/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về “Tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025” (gọi tắt là Kết luận số 684 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy), Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở, về hội viên, phụ nữ dân tộc Mông. Qua đó đã tạo nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Chúng tôi đến nhà bà Sùng Thị Mỵ ở bản Pom Khuông, xã Tam Chung (Mường Lát), chứng kiến bà Mỵ chải tóc cho cháu gái Thào Thị Sinh diện trang phục truyền thống của dân tộc Mông, hai bà cháu trò chuyện trước hiên ngôi nhà trình tường thật tình cảm và ấm cúng. Bà Mỵ cho biết rất thích xem và tham gia biểu diễn văn nghệ, ngắm nhìn những bộ váy đẹp, những điệu múa, tiếng khèn của người Mông.

Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc MôngĐồng chí Ngô Thị Hồng Hảo, Tỉnh ủy viên, Tỉnh ủy viên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh tặng quà cho hội viên, phụ nữ dân tộc Mông tại huyện Mường Lát.

Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Chung Hoàng Thị Cam chia sẻ: Nhiều năm nay, đời sống bà con dân tộc Mông được cải thiện. Bà con biết sản xuất, thu xếp việc gia đình, cho con cháu đi học đầy đủ và đặc biệt rất tích cực tham gia phong trào văn hóa - thể thao. Chi hội phụ nữ Pom Khuông có Câu lạc bộ (CLB) “Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông”, các chị thường xuyên luyện tập, tuyên truyền cho chị em hiểu sâu hơn về văn hóa dân tộc mình để cùng tham gia giữ gìn phát huy. Trong đó có giữ gìn trang phục dân tộc; các trò chơi dân gian; bảo tồn nhà trình tường tiến tới phát triển du lịch cộng đồng; tăng gia sản xuất, XDNTM... Các hoạt động này đã gắn kết hội viên và chia sẻ giúp nhau nhiều hơn.

Dự buổi giao lưu các CLB “Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông” và truyền thông xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em do Hội LHPN tỉnh tổ chức tại huyện Mường Lát với sự tham gia của 5 mô hình CLB, mới thấy được những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đông đảo hội viên, phụ nữ dân tộc Mông. Các chị đã thể hiện những hiểu biết của mình trong các phần giao lưu kiến thức và mạnh dạn tham gia múa, hát, biểu diễn trang phục, nhạc cụ dân tộc; ném pao... Qua đây, chị em được trải nghiệm, giới thiệu, quảng bá nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mông. Đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn khèn, nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục là hai di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông, khuyến khích trao truyền, giữ gìn các giá trị văn hóa tốt đẹp cho thế hệ sau.

Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc MôngHội LHPN tỉnh kết nối với nhà hảo tâm nhận đỡ đầu trẻ mồ côi dân tộc Mông, xã Sơn Thủy (Quan Sơn).

Đây là một trong số những hoạt động hướng về hội viên phụ nữ dân tộc Mông của Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN huyện theo Kết luận số 684 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong quá trình thực hiện, Hội LHPN tỉnh đã lồng ghép với triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” và thành lập 9 mô hình CLB “Phụ nữ giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc Mông, 6 “CLB Phòng, chống mua bán người tại cộng đồng” ở cả 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn; tổ chức 28 hội nghị, cuộc tuyên truyền về nếp sống văn hóa, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sức khỏe sinh sản, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tội phạm mua bán người, các vấn đề về giới cho hơn 1.000 phụ nữ; chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hơn 5.000 lượt hội viên, phụ nữ; 100% cơ sở hội ở vùng đồng bào Mông xây dựng ít nhất 1 mô hình văn hóa - thể thao và thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu để giữ gìn các trò chơi dân gian, truyền thống văn hóa dân tộc Mông; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng chương trình “mẹ đỡ đầu” và kết nối với các nhà hảo tâm nhận đỡ đầu trẻ mồ côi, trong đó có trẻ mồ côi là người dân tộc Mông, giúp các con có điều kiện học tập, ổn định cuộc sống; phối hợp mở các lớp xóa tái mù chữ cho hội viên; gìn giữ trang phục của phụ nữ dân tộc Mông, kiến trúc nhà ở gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương; hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế, mái ấm tình thương... Qua đó giúp hội viên, phụ nữ dân tộc Mông dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, bỏ thói quen không còn phù hợp trong đời sống.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Ngô Thị Hồng Hảo cho biết: "Các hoạt động được hội triển khai thực hiện tại các bản có hội viên, phụ nữ dân tộc Mông đã góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông; nâng cao kiến thức về mọi mặt giúp chị em tích cực tham gia xây dựng và phát triển quê hương. Hội tiếp tục tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp, giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc Mông, trong đó, hội viên, phụ nữ đóng vai trò quan trọng vì họ là người tiếp nối các giá trị văn hóa đích thực của cộng đồng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc".

Bài và ảnh: Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]