(vhds.baothanhhoa.vn) - Những ngày thu tháng 9 chúng tôi tìm về Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) và cảm nhận được không khí sôi nổi, tất bật trong công tác chuẩn bị cho Lễ hội Lam Kinh.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh - Dấu tích còn lại và giá trị vĩnh hằng

(Bài cuối): Những công trình kiến trúc đặc sắc

Những ngày thu tháng 9 chúng tôi tìm về Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) và cảm nhận được không khí sôi nổi, tất bật trong công tác chuẩn bị cho Lễ hội Lam Kinh.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh - Dấu tích còn lại và giá trị vĩnh hằng

Cổng vào Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Theo chân chị Hoàng Thị Hiền, hướng dẫn viên du lịch tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, chúng tôi tản bộ tới cầu Bạch, cây cầu dáng vòm cung bắc qua dòng sông Ngọc. Phía dưới, làn nước phẳng lặng, trong xanh như tấm gương soi mây trời. Qua cầu Bạch, vào Ngọ môn, hiện ra trước mắt chúng tôi là công trình Chính điện uy nghi, bề thế nằm giữa khung cảnh thơ mộng của rừng núi, cỏ cây.

Theo lời chị Hiền, Chính điện được đánh giá là “linh hồn” của Khu di tích. Những thế kỷ trước, cùng với quần thể di tích Lam Kinh thì Chính điện gần như bị tàn phá chỉ còn là phế tích. Mãi đến năm 2010, công trình này mới được phục dựng trên cơ sở nền móng cũ có diện tích 1.780m2 và hệ thống chân tảng hiện còn. Với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng, đây là một trong những công trình có mức đầu tư lớn, sử dụng hơn 2.000 m3 gỗ lim.

Qua hàng chục cuộc khảo sát và khai quật khảo cổ, giới chuyên gia nhận định rằng, Chính điện là công trình kiến trúc gỗ lớn nhất và phức tạp nhất trong Khu Di tích lịch sử Lam Kinh. Do công trình đã bị hủy hoại hoàn toàn, nên trong quá trình thực hiện, các nhà nghiên cứu và đơn vị thi công đã tốn nhiều thời gian, công sức để tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm vật liệu, hoa văn, sản xuất các mẫu trang trí con giống, lựa chọn phương án thi công với hàng chục lần điều chỉnh, thay đổi vật liệu, kết cấu, thiết kế sao cho chuẩn nhất với kiến trúc thời Lê.

Nhờ đó, sau khi hoàn thành, Chính điện Lam Kinh là một công trình bề thế, vững chãi, tọa lạc sừng sững ở trung tâm Di tích Lam Kinh, cho thấy sự kỳ công, khéo léo của những người thợ, phản ánh đầy đủ và chân thực vẻ đẹp kiến trúc cung đình.

Vừa nói, chị Hiền vừa tỉ mỉ giới thiệu cho chúng tôi từng lối kiến trúc, từng thớ gỗ được kỳ công tác tạo bởi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Chính điện được làm lễ phạt mộc năm 2010 và chính thức hoàn thành vào ngày khai hội Lam Kinh năm 2017.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh - Dấu tích còn lại và giá trị vĩnh hằng

Chính điện - “linh hồn” của Khu di tích lịch sử Lam Kinh.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh - Dấu tích còn lại và giá trị vĩnh hằng

Toà Thái Miếu, nơi thờ cúng các vị vua và Thái hậu triều đại Hậu Lê

Tiếp tục khám phá khu di tích, chị Hiền dẫn chúng tôi đến khu vực toà Thái Miếu. Nơi đây có 9 tòa Thái miếu được bài trí trang nghiêm, mỗi tòa được thiết kế theo hình vuông có diện tích gần bằng nhau từ 180 m2 - 220 m2 xếp lại thành hình cánh cung ôm lấy chính điện, mái điện được lợp ngói mũi hài toát lên một khung cảnh cổ kính, trầm mặc. Đây là nơi thờ cúng các vị Vua và Thái hậu triều đại Hậu Lê nên hầu như lúc nào cũng nghi ngút khói hương, mang đậm vẻ linh thiêng, thành kính.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh - Dấu tích còn lại và giá trị vĩnh hằng

Khu lăng mộ bề thế, nơi an nghỉ của các vị Vua và Hoàng thái hậu thời Lê.

Đi qua toà Thái Miếu, chúng tôi đến thăm khu lăng mộ bề thế, nơi an nghỉ của các vị Vua và Hoàng thái hậu thời Lê như: Vua Lê Thái Tổ, Vua Lê Thánh Tông, Vua Lê Hiến Tông, Vua Lê Túc Tông và Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Theo cách nhìn tinh tế của nhiều người am hiểu thuyết phong thuỷ xưa và nay thì hệ thống khu lăng mộ được chọn đặt ở một thế đất đẹp, có vượng khí tốt tươi, núi sông kỳ tú, là điểm huyệt quan trọng và thần diệu nhất trong Khu di tích lịch sử Lam Kinh.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh - Dấu tích còn lại và giá trị vĩnh hằng

Nhà bia Vĩnh Lăng công trình nổi bật tại Khu di tích.

Theo lời giới thiệu của chị Hiền, hiện nay Khu Di tích lịch sử Lam Kinh đang lưu giữ 5 Bảo vật Quốc gia vô cùng quý giá. Đó là, bia Vĩnh Lăng (bia Vua Lê Thái tổ), bia Khôn Nguyên Chí Đức (bia Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao), bia Chiêu Lăng (bia Vua Lê Thánh tông), bia Dụ Lăng (bia Vua Lê Hiến tông), bia Kính Lăng (bia Vua Lê Dụ tông).

Trong đó, bia Vĩnh lăng là bảo vật đặc sắc nhất tại đây. Nhà bia nằm riêng biệt trên đường đi đến các Khu lăng mộ nhà Lê, được tạc từ một khối đá xanh lớn, đặt trên lưng rùa. Nhà bia Vĩnh Lăng nổi bật với kiến trúc bằng gỗ lim, vì kèo theo lối chồng rường 2 tầng mái và 16 hàng chân cột bằng cả sải tay người ôm. Nhà bia này là công trình được phục dựng trên nền móng và chân tảng cũ từ những năm 60 của thế kỷ trước. Đây được xem là tấm bia “độc nhất vô nhị”, không chỉ mang tính giáo dục truyền thống cho hậu thế, mà còn là tài liệu quý khi nghiên cứu về nghệ thuật trang trí, điêu khắc dưới thời Lê.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh - Dấu tích còn lại và giá trị vĩnh hằng

Khu di tích thu hút đông du khách đến tham quan.

Kết thúc một buổi tham quan Khu di tích lích sử Lam Kinh, dù chưa thể khám phá hết, song đọng lại ấn tượng sâu sắc nhất trong chúng tôi là một Lam Kinh đồ sộ, bề thế với những công trình kiến trúc vô cùng đặc sắc, kết hợp hài hoà cùng một không gian xanh, và sự thân thiện, mến khách của những người dân trong vùng. Đúng như chia sẻ của ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh: Trong nhiều thập kỷ qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh không chỉ được “hồi sinh” về diện mạo mà còn trở thành một trọng điểm du lịch của cả nước. Số lượng du khách đến đây ngày một đông hơn, nhất là vào mùa xuân, mùa hè và mùa lễ hội các ngày 21, 22, 23-8 âm lịch. Trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh sẽ tiếp tục chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị từ những công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc tại đây; quan tâm chỉnh trang cảnh quan môi trường; nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch… để thu hút du khách đến ngày càng đông.

Nhóm PV CT-XH


Nhóm PV CT-XH

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]