(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm ở phía Tây huyện Yên Định, làng Hổ Bái (xã Yên Trường) có những truyền thuyết lưu truyền cùng dấu tích, địa danh… nên người dân nơi đây tin rằng, Hổ Bái đã có lịch sử hình thành từ thời các vua Hùng.

Làng cổ Hổ Bái

Nằm ở phía Tây huyện Yên Định, làng Hổ Bái (xã Yên Trường) có những truyền thuyết lưu truyền cùng dấu tích, địa danh… nên người dân nơi đây tin rằng, Hổ Bái đã có lịch sử hình thành từ thời các vua Hùng.

Làng cổ Hổ BáiVùng đất Hổ Bái được hình thành bởi quá trình bồi lấp của sông Mã. Trong đó, một phần dòng sông chưa được bồi lấp trở thành những hồ nước lớn trong làng.

Vùng đất cổ Hổ Bái trước đây thuộc xã Yên Bái (sau khi sáp nhập thì hiện nay thuộc xã Yên Trường). Các cụ cao niên trong làng cho biết, theo thần phả của nghè Hổ Bái (bản chữ Hán còn lưu giữ) thì từ thời Hùng Vương ở Hổ Bái đã có con người sinh sống. Thần phả kể rằng, con trai thứ 11 của Lạc Long Quân (hay con trai của vua Hùng thứ 11?!) tên Hợp Lang làm chức Lạc Hầu, một lần theo dòng sông Mã đến đây thấy cảnh sắc tươi đẹp, nước biếc đất thiêng, thế núi dáng sông đều hợp lòng người nên đã chọn nơi đây làm Giang đô (được hiểu là trị sở bên bờ sông).

Cũng theo thần phả, năm xưa khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa đã cho sứ thần về Nghè Cả (đền Hổ Bái) cầu thần phù hộ, tại đây sứ thần đã được một ông già họ Trịnh chỉ cách sắm sửa lễ vật dâng cúng thần linh. Sau khi thắng trận, không quên ơn thần phù trợ, Hai Bà Trưng đã về tạ lễ, mở tiệc khao dân làng; ông già họ Trịnh được tặng 2 lạng bạc, còn người dân trong làng cũng được miễn nộp quân lương. Và theo tài liệu lưu giữ tại địa phương, họ Trịnh có thể được xem là dòng họ đầu tiên cư ngụ tại vùng đất này.

Làng Hổ Bái nằm ven sông, phần lớn đất làng Hổ Bái được hình thành bởi quá trình bồi lấp của dòng sông Mã. Sách Địa chí xã Yên Bái viết: “Từ Đông sang Tây, thân đất cao và chạy dài theo đường tỉnh từ Lưu Khê đến Khả Phú (theo bờ sông Mã xưa). Hai đầu Bắc Nam, phía giáp Lạc Tụ và Tân Thành, thân đất thấp dần tạo nên những cánh đồng trũng… phía giữa xã là dòng sông Mã cũ chưa bị bồi lấp, độ nước sâu mùa mưa lên đến 4m, mùa khô khoảng 2m. Riêng phía sau Nghè Cả ngày xưa là vực sâu nên đến nay mực nước thường trên 4m. Dòng sông cũ Nhân dân quen gọi là Bến (có lẽ ngày xưa có các bến đò ngang và các bến nước để tắm giặt). Hiện nay lòng sông vẫn rộng khoảng 300m, dài khoảng 2km và chứa nước quanh năm, cho khí hậu mát mẻ… đây còn là nguồn thủy sản lớn cung cấp cá cho dân làng. Những năm hạn hán cũng là nguồn nước chống hạn cho nhiều cánh đồng”.

Hổ Bái không có núi nhưng xung quanh bốn bề lại có núi bao quanh: Phía Đông có núi Kiểu (núi Long Sơn), phía Bắc có núi Đan Nê (núi Đồng Cổ tức Tam Thai), phía Tây có núi Lời, phía Nam có núi Cheo (núi Tượng Sơn) và núi Vàng… Bởi có sông chảy qua, núi lại ở bốn phía nên từ xa xưa người Hổ Bái đã tự hào đây là vùng đất "sơn kỳ thủy tú, địa linh nhân kiệt”. Tại Hổ Bái đến nay vẫn lưu truyền đôi câu đối đầy tự hào, đại ý: Phía trước nhìn Tượng Lĩnh, đàng sau áp Mã giang, hùng vĩ núi sông thần định hướng; miền chu tước Tam Thai, nơi huyền vũ ngũ nhạc, địa linh nhân kiệt vượng khí sở chung.

Hổ Bái thuở sơ khai vốn có tên kẻ Mau - gắn liền với bến đò Mau. Là bởi khi xưa sông Mã đoạn qua đây rất rộng, chưa có bãi nổi ngăn cách, do đó từ bến đò Mau sang bên kia sông chèo đò khá lâu, nếu lỡ chuyến đò thì mất nhiều công chờ đợi. Vì thế, khách qua sông qua bến đò này đều phải nhanh chân để không lỡ chuyến đò và cái tên bến đò Mau cũng từ đó mà có.

Ngoài tên kẻ Mau, khi xưa làng này còn có tên gọi Chân Bái. Người dân địa phương tin rằng, cái tên Chân Bái xuất hiện từ cả ngàn năm trước. Đến thời nhà Nguyễn, tên làng giống với tên “húy” của một vị vua nên đã đổi tên thành Hổ Bái. Ngay cả tên gọi Hổ Bái cũng được người dân lý giải khá thú vị, do núi Vàng giống như hình con hổ nằm phủ phục chầu về nghè Cả của làng nên đã đổi tên thành Hổ Bái?!

Cùng với quá trình khai hoang lập làng, xây dựng cơ nghiệp, người dân Hổ Bái tự xa xưa có đời sống tín ngưỡng tâm linh phong phú. Đặc sắc nhất phải kể đến tín ngưỡng thờ thần Hợp Lang. Lại nói, sau khi Lạc Hầu Hợp Lang chọn đất Chân Bái làm nơi xây dựng Giang đô, ngài đã cho gọi các cụ cao niên trong làng đến nói việc xây dựng một ngôi đền bên bờ sông: Nghè Cả (đền Hổ Bái).

Làng cổ Hổ BáiDi tích đền Hổ Bái đang được trùng tu.

Cũng theo lời kể của các bậc cao niên trong làng Hổ Bái, nghè Cả thuở xưa vốn nhìn xuống dòng sông Mã được lập dựng bởi cột gỗ lim, mái lợp tranh. Cuối thế kỷ 19 khi thực dân Pháp về đây đàn áp cuộc khởi nghĩa hưởng ứng phong trào Cần Vương của ông Trịnh Công Mặc (một người con ưu tú của làng Hổ Bái), chúng đã đốt ngôi đền gỗ cổ kính. Một thời gian sau, người dân Hổ Bái đã đóng góp dựng lại đền thiêng với đền chính 5 gian và nhà giải vũ hai bên. Tất cả mang đậm kiến trúc thời Nguyễn với cột lim vững chắc tạo sự bề thế, mái lợp ngói mũi hài, trên nóc là hình “lưỡng long chầu nguyệt”, các góc mái lại được uốn cong khiến cho di tích vừa trầm mặc, uy nghiêm mà vẫn mềm mại. “Nét đặc biệt của ngôi đền là sự phối hợp giữa đền thờ và đình. Nếu là đền thờ thuần túy thì đều có cửa đóng kín cả 5 gian tạo vẻ thâm nghiêm. Đặc biệt ở đây không có cửa, để trống 5 gian như đình. Đây là sự sáng tạo của cha ông ta” (theo sách Địa chí xã Yên Bái).

“Đáng tiếc, khoảng giữa thế kỷ 20, vì nhiều nguyên do, di tích đền Hổ Bái một lần nữa bị phá hủy nghiêm trọng. Dẫu vậy, với những giá trị lịch sử, kiến trúc vốn có, đền Hổ Bái đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1994. Hiện nay, di tích vẫn đang trong quá trình trùng tu”, ông Trịnh Đăng Biên, công chức Văn hóa xã hội xã Yên Trường cho biết.

Lại nói, khi Lạc Hầu về miền sông nước của ngài, hôm đó vào ngày mùng 4 tháng 4. Tưởng nhớ ngài, về sau người dân đã chọn ngày này làm lễ “kỵ” (giỗ) thần linh. Trong suốt lịch sử hàng ngàn năm hình thành và phát triển, đời nối đời người dân Hổ Bái vẫn tin rằng, chính ngài Lạc Hầu đã phù trợ, chở che cho vùng đất này được tốt tươi, đời sống Nhân dân yên bình, no đủ. Hàng năm vào ngày kỵ của ngài, trong các lễ vật dâng cúng thần linh người dân luôn duy trì mỹ tục cúng bánh chưng, bánh giầy. Trong đó, phải đủ 100 bánh chưng, 100 bánh giầy… Sau lễ hội, lễ vật được chia đều cho người dân trong làng với ngụ ý may mắn sẽ đến với tất cả người dân.

Về Hổ Bái hôm nay, cùng sự phát triển của nông thôn mới, không khó để nhận ra ở đây vẫn còn những “nét xưa” rất riêng. Nó không chỉ hiển hiện ở những dấu tích di tích mà còn cả phong cảnh làng quê và cả tính cách con người vùng đất cổ.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]