(vhds.baothanhhoa.vn) - Cộng đồng dân tộc Thái tỉnh Thanh có vốn di sản văn hóa truyền thống phong phú và đặc sắc. Từ bao đời nay đồng bào trân trọng và biết ơn đất trời, rừng cây, sông suối, ruộng nương đã cho họ những phẩm vật quý giá, nuôi sống mỗi người và cả cộng đồng, bởi vậy kính trọng, biết ơn thiên nhiên, núi rừng “sống rừng nuôi, chết rừng chôn”, biết ơn bản mường, tri ân các vị tiền nhân... là lẽ sống, đạo lý tốt đẹp luôn được đồng bào Thái trân quý và trao truyền cho các thế hệ mai sau.

Lễ cúng bản đầu năm mới của người Thái Thanh Hóa

Cộng đồng dân tộc Thái tỉnh Thanh có vốn di sản văn hóa truyền thống phong phú và đặc sắc. Từ bao đời nay đồng bào trân trọng và biết ơn đất trời, rừng cây, sông suối, ruộng nương đã cho họ những phẩm vật quý giá, nuôi sống mỗi người và cả cộng đồng, bởi vậy kính trọng, biết ơn thiên nhiên, núi rừng “sống rừng nuôi, chết rừng chôn”, biết ơn bản mường, tri ân các vị tiền nhân... là lẽ sống, đạo lý tốt đẹp luôn được đồng bào Thái trân quý và trao truyền cho các thế hệ mai sau.

Lễ cúng bản đầu năm mới của người Thái Thanh HóaLễ cúng bản của người Thái huyện Quan Sơn.

Hàng năm sau khi thu hoạch mùa màng bội thu, lòng người phấn khởi, vật nuôi béo tròn, đất trời, ruộng dưới, nương trên tích tụ mỡ màu cho mùa tới sinh sôi... thì cũng là lúc đồng bào tập trung tổ chức “Xển Ban”. Lễ cúng bản tổ chức vào dịp đầu năm mới, đã thành mỹ tục tốt đẹp của đồng bào dân tộc Thái tỉnh Thanh nói chung và ở Thường Xuân nói riêng. Mục đích của “Xển Ban” là dâng cúng lễ vật lên thổ thần, khẩn cầu các vị thần linh, tiên tổ, ông bà phù hộ cho dân bản bình an, nhân khang, vật thịnh, không bị thú dữ rình rập quấy phá, cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm êm, hạnh phúc.

Để chuẩn bị cho ngày “Xển Ban”, mọi nhà trong bản tập trung quét dọn, sửa sang miếu thờ, trong từng gia đình cắm một ta leo hình mắt cáo.

Lễ cúng trong ngày “Xển Ban” do Nhân dân trong bản đóng góp, mọi gia đình đều có nghĩa vụ như nhau. Việc đóng góp có thể tính bằng tiền hoặc hiện vật và công lao động. Dân bản chung nhau đóng góp lễ vật lớn như trâu, lợn. Còn lại gà, vịt, gạo, rượu cần, trầu cau... đều do từng nhà góp lại. Trưởng bản là người đứng ra thu các lễ vật đó và quyết định các công việc làm lễ từ đầu cho tới khi hoàn tất.

Mâm lễ được dâng cúng các vị thần linh gồm có một thủ trâu và bốn cái chân. Thủ trâu đặt giữa và hướng lên trời, xung quanh là các lễ vật khác gồm thịt trâu, gà, vịt, xôi đen, ché rượu cần, trầu cau, nước và một đĩa muối ớt.

Bà Tày mường là người chủ trì chính trong buổi lễ. Trong không gian thiêng, chủ lễ chắp tay thành kính đứng trước mâm, hướng lên các vị thần linh thực hiện các lễ thức nghiêm cẩn; giúp việc cho bà có ông “phì” thổi kèn và một “bảo hề” đứng sau phục dịch. Đồng bào trong bản, từ già tới trẻ tụ tập đông đủ, thành kính dõi theo từng nghi thức kính cáo và giao cảm giữa Bà Tày mường - đại diện cho bản mường với các vị thần linh.

Trong tiết trời xuân ấm áp, có nắng xuân hừng sáng, mọi người lặng yên hướng vào đàn lễ và nghe rõ tiếng đất cựa mình, suối xa lặng lẽ, chồi cây bật nhú, lời khẩn cầu cùa Bà Tày như từ đại ngàn hùng vĩ, như từ quá khứ vọng về thực mà hư, hư mà thực:

“Ta cùng mời!

Xin mời các ngài về tận gốc cây cột nhà chính, mời đến ngọn nguồn của người đã khuất, mời đến nguồn gió làm mát tình nhà, mời đến họ hàng khe mộng của ta...

Hãy đến cho thật đông thật đủ, vắng mặt ai xin người mời gọi, thiếu mặt ai mà còn làm việc. Đem nhau về cho đầy đủ, dắt nhau về cho đủ, cơm nước mùa vui. Ta đây, chủ bản, ta cùng về đây cho đủ. Cả những người không phải giống phải nòi cũng cho ngồi cùng mâm cơm, ai không cùng một họ cũng cho ngồi chung mâm. Ta đếm họ, đếm hàng đếm đến cả linh hồn còn lảng vảng ở xa thì hãy đến giữa nhà cho đủ đầy, rõ ràng gương mặt.

Xin mời!

Ta thấy đông đủ mọi gương mặt, mọi đầu người, thiếu những ai xin người gọi lại, gọi nhau về cho đông, đếm nhau về cho đủ, đón nhau về cùng lúc. Xin mời Sớ pha (trời), các vị thần linh, ông cố, ông cha về ngồi mâm cơm, xin mời các chủ bản về ngồi dự bản bữa tra “ai thành gốc thành ngọn... ai là cháu là con thì ngồi mâm dưới, ai là cha là mẹ thì ngồi mâm trên...

Vậy con nhỏ xin được nối kế gia đình, ngồi mâm cơm xin được nâng đũa đúng hướng. Trong nhà có được yêu mến, ra ngoài phải được lòng người. Mặc cho nắng núi, mưa rừng, gian nan nguy khó nhưng cả nhà vẫn khỏe, bình yên, ngồi mâm vẫn đầy đủ mọi người. Năm đến năm qua có người sẽ về trời, năm nay lên trời nhưng năm sau lại về vào tháng giêng, mường Thái đất trần gian làm cơm để đón, gói bánh chưng bằng lá chuối, lá dong dưới trời. Không có con cháu sẽ tìm, nếu không về con cháu xin được gọi đến, bánh chưng đó xin người về hãy nhận. Ngày tháng giêng ngày đẹp nhất nên con trai bày cỗ đầy nên xin người hãy về với con cháu, phù hộ cầu mong cho con cháu được bình yên, dân làng được no ấm, hạnh phúc.

Con cháu xin được phục vụ người, xin hãy chỉ bảo những điều tốt đẹp cho con cháu, hãy trừng phạt với những ai trái phép. Bản mường ta luôn yêu quý nhau, giúp đỡ nhau. Người dùng cơm mới, sau con cháu có miếng cau miếng trầu mời người, có nước dừa trong vắt mời người, con cháu mời ông về đây dùng bữa, xong rồi hãy thương con cháu mà về nơi người ở mường Then, đừng bắt con cháu ốm đau, sống khó nhọc. Hãy về với mường Lúm nơi chín suối. Con cháu trong nhà mời ông về, mời bà về vì có lòng biết ơn, tiễn ông bà đi vì có lòng quý trọng tôn thờ.

Sau mâm cỗ, con cháu xin mời người đi về bình an, cuộc sống ông trời đã cai quản, đi đường gặp gió, gặp mây thì theo gió theo mây. Không có việc con cháu không mời gọi thì đừng đến. Từ nay về sau tự người đến thì tự người về, đừng gây phiền, gây khổ cho con cháu”...

Sau khi dâng lễ xong, các mâm lễ được hạ xuống cho mọi người ăn uống. Nếu ăn không hết thì để lại, không ai được mang về, kể cả trưởng bản và Bà Tày mường. Tiếp đó, các trò chơi vui nhộn, mọi người tay trong tay cùng nhảy sạp trong thanh âm rộn rã của cồng dàm, khua luống, đánh trống chiêng. Nam thanh, nữ tú vui hội tung còn, hát đối, hát ghẹo... trong tiếng trầm bổng của sáo pi é, pi mốt. Ai uống rượu cần cứ uống, ai thổi khèn cứ thổi, ai hát khặp cứ say mê hát khặp... cuộc vui tưởng như không dừng.

Lễ cúng bản hàm chứa nhiều ý nghĩa nhân văn cao cả, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” trong lễ thức giao cảm với thiên nhiên, tạ ơn đất trời, các vị thần linh đã cho mưa thuận, gió hòa, cây trồng, vật nuôi tươi tốt; cảm tạ ông bà tổ tiên đã có công khai phá ruộng nương để lại cho cháu con có cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Lễ cúng bản là dịp để thắt chặt sự cộng cư, cộng mệnh và cộng cảm, cầu cho bản mường bình an, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh, chung sức, chung lòng dựng xây bản mường giàu đẹp.

Hoàng Minh Tường (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]