(vhds.baothanhhoa.vn) - Pôồn Pôông là lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường, xã Xuân Phú (Thọ Xuân). Trong tiếng Mường, “Pôồn” có nghĩa là chơi, nhảy múa; “Pôông” có nghĩa là bông, bông hoa; “Pôồn Pôông” có nghĩa là nhảy múa bên hoa.

Lễ hội Pôồn Pôông của người Mường xã Xuân Phú

Pôồn Pôông là lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường, xã Xuân Phú (Thọ Xuân). Trong tiếng Mường, “Pôồn” có nghĩa là chơi, nhảy múa; “Pôông” có nghĩa là bông, bông hoa; “Pôồn Pôông” có nghĩa là nhảy múa bên hoa.

Lễ hội Pôồn Pôông của người Mường xã Xuân PhúBiểu diễn Pôồn Pôông tại Lễ hội đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân).

Theo truyền thuyết, cây hoa Pôồn Pôông được gắn liền với truyện bi tình sử của nàng Ờm với chàng Bồng Hương. Hai người yêu nhau tha thiết như đôi chim păng poóp, nhưng bố mẹ nàng Ờm thấy không môn đăng hậu đối nên đã chia cắt tình duyên hai người. Chàng Bồng Hương nhà nghèo khốn khó, cha mẹ nàng Ờm không những không gả con gái cho chàng trai mà còn đánh đập nàng tàn nhẫn, đuổi khỏi nhà. Đau đớn, nàng Ờm lần theo con suối và gặp chàng Bồng Hương. Hai người rủ nhau vào rừng cùng ăn lá ngón, nguyện cùng chết bên nhau. Chàng Bồng Hương lấy chiếc khăn trắng lau vết máu cho nàng Ờm, rồi vắt khăn lên cây chạng bạng. Cây chạng bạng nâng niu chiếc khăn và biến chiếc khăn thành dây hoa bông trắng quấn quýt cây chạng bạng. Từ đó, hoa bông trắng nở vào tháng ba, gặp mưa thì hoa có màu trắng, gặp nắng thì hoa biến thành màu đỏ. Vì vậy, người Mường chọn cây hoa chạng bạng có hoa bông trắng nở để mở hội “Pôồn Pôông”, hoặc làm hoa bằng giấy trắng, giấy hồng cắm lên cây chạng bạng để chuẩn bị cho hội Pôồn Pôông.

Cũng bởi vậy, Pôồn Pôông của người Mường được làm từ nguyên liệu chính là cây chạng bạng, loại cây thân gỗ, màu trắng, chất gỗ mềm, dẻo và rất dai, được tìm kiếm trên đồi cao. Khi chặt về cạo sạch vỏ, ban ngày phơi nắng, ban đêm phơi sương. Ngoài ra còn có thêm các nguyên liệu khác như tay luồng, ruột cây sắn, phẩm màu...

Trên đỉnh cây hoa Pôồn Pôông là hình quả còn mẹ với kích thước to được trang trí bởi nhiều màu sắc sặc sỡ. Xung quanh thân cây đều đục những lỗ nhỏ để cắm các cành hoa. Thân cây được làm từ loại luồng già. Từng bông hoa được làm bằng gỗ cây chạng bạng. Được các cụ sử dụng dao sắc để gọt, cứ một nhát gọt tạo thành một cánh hoa, nhiều cánh hoa xòe ra thành bông hoa giống như hoa đồng tiền. Mỗi bông hoa có chiều dài khoảng từ 2,5 - 5cm tùy thuộc vào vị trí các tầng hoa. Các bông hoa được tô điểm màu sắc bởi các phẩm màu. Ở mỗi đầu cành đều được bố trí các quả nhỏ đủ màu sắc... và cành hoa được cắm vào các lỗ đục sẵn ở thân cây.

Tại xã Xuân Phú, lễ hội Pôồn Pôông được đồng bào người Mường tổ chức vào các dịp đầu xuân năm mới như ngày mùng 9 tháng giêng, lễ xuống đồng, lễ thanh minh, lễ hội mùa mừng cơm mới hay rằm tháng 7 hàng năm. Ngoài ra, để lưu giữ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc của huyện Thọ Xuân, lễ hội Pôồn Pôông cũng được tham gia diễn xướng tại các lễ hội đền thờ Lê Hoàn và lễ hội Lam Kinh hằng năm.

Lê hội Pôồn Pôông gồm 2 phần chính là phần lễ và phần diễn trò. Trong đó, các trò diễn xướng đều xoay quanh cây Pôông, mô phỏng lại phong tục, tập quán và phản ánh đời sống tâm linh, văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Mường. Các nhân vật tham gia lễ hội có nhiệm vụ múa những điệu múa mô phỏng lại các động tác trong quá trình lao động sản xuất, vui chơi hàng ngày...

Người Mường gọi nhân vật chính tham gia trong lễ hội là Ậu máy - người chủ lễ, chủ trì cuộc Pôồn Pôông. Đặc biệt, Ậu máy trong lễ hội Pôồn Pôông cũng được hiểu, tồn tại như là người có uy tín trong làng, được truyền nghề từ một Ậu máy đi trước, biết cúng bái, bốc thuốc chữa bệnh, và múa đẹp, hát hay. Ngoài Ậu máy, lễ hội luôn cần ít nhất 6 người nữa cùng diễn trò múa hát xung quanh cây Pôông.

Cây Pôông là biểu tượng của vũ trụ bao la, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hóa đã ban cho con người. Dựng cây Pôông đồng nghĩa với việc trả ơn cho thần linh và mời thần linh về chung vui cùng người trần gian. Trên cây Pôông được treo 5 hoặc 7 tầng hoa được làm từ gỗ của cây chạng bạng với đủ các sắc xanh, đỏ, tím, vàng cùng các mô hình muông thú, nông cụ sản xuất... Tùy theo tài năng, thâm niên của Ậu máy mà cây bông có thể có 5, 7, 9 hoặc cao nhất là 12 tầng, vì thế mà chiều cao của cây bông cũng khác nhau.

Bên cạnh cây Pôông là bàn rượu cần và các mâm cỗ với các món ăn truyền thống của người Mường trong dịp lễ như xôi ngũ sắc, canh loóng, canh môn...

Ngày nay, dù rất nhiều loại hình văn hóa đang len lỏi vào đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Mường nói riêng, đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, nhưng lễ hội Pồôn Pôông vẫn được người Mường xã Xuân Phú lưu giữ, trao truyền, biểu diễn ở nhiều lễ hội của tỉnh và địa phương.

Bài và ảnh: Lê Phượng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]