(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh ra ở làng Nhuệ (dân gian thường gọi làng Nhồi) nay thuộc phường An Hưng (TP Thanh Hóa), Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa vốn người họ Nguyễn, bởi lập nhiều công tích với triều đình Lê - Trịnh nên được ban họ nhà vua. Cũng bởi có công lớn nên sau khi mất ông được phong làm Phúc thần của làng. Trở về làng Nhồi hôm nay, công lao của Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa còn gắn liền với những dấu ấn di tích đặc sắc.

Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa: Vị danh tướng quê làng Nhồi

Sinh ra ở làng Nhuệ (dân gian thường gọi làng Nhồi) nay thuộc phường An Hưng (TP Thanh Hóa), Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa vốn người họ Nguyễn, bởi lập nhiều công tích với triều đình Lê - Trịnh nên được ban họ nhà vua. Cũng bởi có công lớn nên sau khi mất ông được phong làm Phúc thần của làng. Trở về làng Nhồi hôm nay, công lao của Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa còn gắn liền với những dấu ấn di tích đặc sắc.

Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa: Vị danh tướng quê làng NhồiHai trong bốn bức văn bia Hậu thần tại di tích lăng Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa.

Dù sinh ra trong gia cảnh khó khăn nhưng từ nhỏ Nguyễn Mãn (tức Lê Trung Nghĩa) đã nổi tiếng vạm vỡ, giỏi võ lược. Con đường binh nghiệp của ông bắt đầu vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, khi ông tham gia đạo quân của chúa Trịnh đánh dẹp cuộc khởi nghĩa ở miền Tây Bắc xứ Thanh.

Theo sử liệu, lúc bấy giờ chúa Trịnh Giang bạo ngược, lấn át quyền vua Lê, lại ham mê hành lạc, hưởng thụ, xây dựng phủ thất lộng lẫy, bắt dân phu phen tạp dịch triền miên, thuế khóa nặng nề khiến lòng người oán hận. Sách Văn tài võ lược xứ Thanh viết: Bất bình trước tình hình đó, tháng 11 năm Mậu Ngọ (1738) các hoàng thân nhà Lê do Lê Duy Mật đứng đầu đã đem quân bản phủ và chiêu mộ thêm dân binh nổi dậy, toan chiếm kinh đô, diệt chúa Trịnh Giang nhưng không thành. Lê Duy Mật phải đem quân vào vùng núi phía Tây Bắc Thanh Hoa (ngày nay thuộc huyện Cẩm Thủy và Thạch Thành) là nơi địa thế hiểm yếu để mưu tính lâu dài... Do Trịnh Giang hung bạo nên năm 1740, mẹ Trịnh Giang và triều đình đã phế Trịnh Giang, đưa Trịnh Doanh lên ngôi. Sau khi củng cố chính sự, chúa Trịnh Doanh đem quân vào Thanh Hoa đánh dẹp quân Lê Duy Mật... Bị tổn thất quá lớn, Lê Duy Mật phải mở đường máu theo đường Lang Chánh đến vùng núi Trình Quang ở phía Tây Nam trấn Nghệ An lập căn cứ khởi nghĩa mới.

Lúc bấy giờ, người con của làng Nhồi xứ Thanh – Nguyễn Mãn sau nhiều năm “Nam chinh Bắc chiến” đã trở thành danh tướng chỉ huy trong đạo quân chúa Trịnh. Đặc biệt, khi chúa Trịnh Doanh qua đời, chúa Trịnh Sâm kế ngôi với ý chí “bá chủ” đã quyết tâm dẹp loạn trong Nam ngoài Bắc. Năm 1770, chúa Trịnh dẫn đại quân tiến vào Nghệ An để đánh căn cứ Trình Quang của Lê Duy Mật. Và Nguyễn Mãn nhận trọng trách chỉ huy một trong ba cánh quân “Nam tiến”.

Sau chiến dịch đánh dẹp này, tướng quân Nguyễn Mãn được triều đình Lê - Trịnh phong tặng Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, tước Mãn Quận công và cho đổi họ Nguyễn thành họ Lê (họ vua), từ đó ông mang tên Lê Trung Nghĩa (đôi khi chỉ xưng Mãn Quận công). Tiếp đó, Lê Trung Nghĩa vâng mệnh nhận chức Trấn thủ (tỉnh trưởng) xứ Kinh Bắc (vùng Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay). Mấy năm sau ông lại được điều về kinh đô thụ chức Chính thủ hiệu Lê Hậu dục kỳ kiêm Quản nhất tựu trung quân, rồi được thăng Đô đốc phủ tá đô đốc đại tư mã. Đến thời chúa Trịnh Khải (tức Trịnh Tông), Lê Trung Nghĩa được bổ chức Trấn thủ xứ Thanh Hoa (theo sách Văn tài võ lược xứ Thanh).

Theo sử liệu và lưu truyền dân gian làng Nhuệ, trong thời gian làm quan ở xứ Thanh, Mãn Quận công thường vãn cảnh quê nhà. Thấy chùa Tiên Sơn trong động núi Khế hoang phế ông đã bỏ tiền cùng với người dân thuê thợ trùng tu. Ông cho người tôn tạo lại tượng Phật, khắc tượng các võ tướng nổi tiếng trên vách đá trong động, phía trên tượng khắc bốn chữ Hán - “Thiên cổ vĩ nhân”, bên ngoài động lại cho khắc chữ “Thần” lớn; đồng thời cho đúc chuông treo trên động. Sau khi hoàn thành việc trùng tu chùa Tiên Sơn, Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa lại cho người khắc chữ với nội dung nói về việc trùng tu chùa lên vách đá. Ngày nay, tại chùa Tiên Sơn, những tác phẩm điêu khắc đá tuyệt đẹp gắn với công lao của Mãn Quận công hiện vẫn còn lưu giữ.

Ngưỡng mộ công đức của Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa, quan viên và người dân làng quê ông đã lập dựng đền thờ và tôn ông làm hậu thần. Điều đặc biệt, đền thờ hay còn gọi là Sinh từ được lập dựng ngay khi Mãn Quận công còn sống. Về sau, khi ông mất, người dân lại xây “tẩm” ngay bên cạnh. Sự việc được ghi lại trong văn bia Hậu thần hiện đang lưu giữ tại di tích. Trải qua hơn 200 năm, khu vực Sinh từ và tẩm được người dân địa phương gọi là lăng Quận Mãn.

Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa: Vị danh tướng quê làng NhồiCác hiện vật điêu khắc đá tại lăng Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa được tạo tác tinh xảo.

Anh Lê Đình Liêm - hậu duệ của Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa, hiện đang trông coi di tích cho biết: Theo lưu truyền trong dòng họ, dù là võ tướng nhưng Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa luôn quan tâm đến các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh của quê hương. Vì vậy, ngoài việc dùng tiền được triều đình ban thưởng sau mỗi lần thắng trận để trùng tu di tích, xây dựng đình làng, xây văn chỉ... Mãn Quận công còn bỏ tiền ra mua ruộng của 9 làng xung quanh, sau khi trả tiền xong thì cho lại ruộng để người dân cày cấy. Chỉ với mong muốn, sau khi ông mất, người dân sẽ nhớ tới mà làm giỗ cho ông. Bởi thế, xưa kia vào tháng 2 âm lịch ngày mất của ông, dân 9 làng quanh vùng đều cùng nhau làm giỗ - tổ chức lễ hội để tưởng nhớ tiền nhân. Đến nay, dù lễ hội không còn được duy trì tổ chức như xưa, song Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa vẫn là vị phúc thần của làng. Vào các ngày lễ, tết trong năm, người dân địa phương vẫn thường theo chân nhau về di tích thành kính dâng hương lên tiền nhân.

Lăng Quận Mãn ngày nay nằm trong khu di tích danh lam thắng cảnh núi An Hoạch (núi Nhồi) là một công trình kiến trúc điêu khắc đá vô cùng giá trị. Tương truyền, công trình kiến trúc được tạo tác từ đá núi Nhồi và do chính những người thợ của làng Nhồi tạo nên.

Các hiện vật điêu khắc đá ở lăng Quận Mãn còn lại đến ngày nay khiến hậu thế không khỏi thán phục bởi tâm huyết cùng sự tài hoa của người thợ xưa. Là bốn bức văn bia (bia Hậu thần) cỡ lớn được chạm khắc thủ công tinh xảo; hổ đá; rồng; voi phục; ngựa chầu; tượng vũ sĩ đầu đội mũ trụ, mặc áo giáp; long ngai; sập thờ... tất cả đều được tạo từ đá vô cùng tinh xảo. Di tích Lăng Quận Mãn Lê Trung Nghĩa còn được ví như “bảo tàng” điêu khắc đá ở xứ Thanh. Cụm di tích danh thắng núi Nhồi nói chung, lăng Quận Mãn nói riêng là tổng hòa của di tích kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa... mà qua việc nghiên cứu để hậu thế hiểu hơn về nghệ thuật điêu khắc đá của cha ông xưa. Vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ giá trị khu di tích vô cùng quan trọng.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]