(vhds.baothanhhoa.vn) - Đó là lời bài hát “Cầu treo bên suối cá” của nhạc sĩ Đồng Tâm, người nghệ sĩ gắn bó máu thịt và dành cả cuộc đời cho mảnh đất quê mẹ quê cha. Hầu như bài hát nào ông cũng nhắc tới sông Mã, sông Mã với ông chính là cả xứ Thanh giàu truyền thống lịch sử và văn hóa.

Người bắc nhịp cầu thân thương nối đôi bờ sông Mã

Đó là lời bài hát “Cầu treo bên suối cá” của nhạc sĩ Đồng Tâm, người nghệ sĩ gắn bó máu thịt và dành cả cuộc đời cho mảnh đất quê mẹ quê cha. Hầu như bài hát nào ông cũng nhắc tới sông Mã, sông Mã với ông chính là cả xứ Thanh giàu truyền thống lịch sử và văn hóa.

Người bắc nhịp cầu thân thương nối đôi bờ sông MãMột số tập ca khúc và DVD của nhạc sĩ Đồng Tâm.

Kể từ ngày được tuyển đi học Trung cấp âm nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam năm 1969, đời ông gắn bó với những cây đàn dân tộc, với khuông nhạc và nốt nhạc.

Ngay sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp, ông được phân công về dạy tại Trường Văn hóa nghệ thuật Thanh Hóa (nay là Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa). Chỉ vì một lần xuống khu văn công lúc đó đang sơ tán tại chợ Môi, thấy bạn bè có thêm vài cân đường, mấy lạng thịt mà ông thích quá, nên xin chuyển. Năm 1973, ông sang Đoàn Ca múa Thanh Hóa. Và rồi từ năm 1985 đến 1990, ông tiếp tục đi học tại Khoa Sáng tác của Nhạc viện Hà Nội. Kinh qua các nhiệm vụ từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; rồi Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, ông định danh mình ở chính lĩnh vực được đào tạo.

Tự hào là “của hiếm” ở Thanh Hóa khi được đào tạo hệ chính quy chuyên ngành sáng tác, đến nay, nhạc sĩ Đồng Tâm có vài trăm ca khúc, ngoài ra còn có giao hưởng thơ, hợp xướng, nhạc thính phòng... Tất cả được ông tập hợp trong 1 đêm nhạc; 2 tập ca khúc: “Nhịp cầu mặt trời”, “Về làm dâu sông Mã” và rất nhiều đĩa VCD, DVD, trong đó có: “Nơi ấy miền Thanh”, “Cẩm Thủy quê hương tôi”, và “Những nẻo đường quê Thanh”.

Ông viết nhiều đề tài, nhưng đa số những tác phẩm âm nhạc của ông tập trung vào mảng quê hương đất nước. Ông cho rằng, Thanh Hóa không chỉ là niềm tự hào, niềm yêu mến của những người con được sinh ra và lớn lên ở nơi đây mà còn là địa chỉ cần đến, là điểm tham quan của bạn bè khắp mọi miền Tổ quốc. “Càng đi nhiều, đến mọi miền quê hương thì càng thấy Thanh Hóa mình quá đẹp; càng tìm hiểu thì càng thấu hiểu không nơi nào có truyền thống lịch sử như xứ Thanh. Tất cả điều đó ngưng tụ thành những xúc cảm lớn cho các thế hệ nghệ sĩ”.

Quả thực, ngồi nghe lại những ca khúc của nhạc sĩ Đồng Tâm, không khó gì mà không yêu quê hương mình hơn. “Mọi ca khúc đều được tôi viết với những cảm xúc rất tự nhiên. Tôi không phải cố gắng để có những ngôn ngữ đẹp và giai điệu mượt mà”. Sinh ra ở Hậu Lộc, vùng quê biển khiến ông trải lòng: “Về nơi đất mẹ nghe sóng ru hòn Nẹ, gió từ cầu Gie mang tình sông quê gió đưa ta về Yên Thường, nơi mẹ nuôi ta thương ta mấy mùa sóng dữ với bao mùa gió lành” (Gửi về đất mẹ quê cha); rồi sau đó di cư lên Cẩm Thủy xây dựng kinh tế văn hóa miền núi: “Về miền Tây Thanh Hóa. Mường Vẩm mường Dồ quê anh đó Cây chu đá lá chu đồng cho ông bông thau cho bà quả thiếc. Về với động cây Đăng, nhịp cầu Kiều, suối Ngọc...” (Cầu treo bên suối cá). Chính nguồn mạch cảm xúc ấy đi theo ông khắp các địa phương trong tỉnh. Đó là rừng sến Tam Quy, đất Quý hương nơi “vòng cây ôm trọn vòng đời, tình cây mang nặng tình người”; là ao làng Trung Lập “như còn vọng tiếng quân reo”; rồi về đất Như Thanh “vào hội trăng về để Bến En xanh xanh cùng đất mẹ”. Đó là “Nắng gió miền Tứ Sơn”: “Ôi, sáng nay mùa xuân có gì mà nắng cứ mênh mang và gió quá nồng nàn cho đất trời núi sông tỉnh Thanh như lắng đọng từ ngàn năm”... Là lời mời chào “Về làm dâu quê anh, em ơi có về làm dâu quê anh?/ Về làm dâu quê anh? Em ơi có về làm dâu sông Mã/ Nơi biển đợi nắng lên nơi rừng gọi gió về... Và em có thấy nắng mưa ngàn đời lắng đọng/ Tiếng ca ngàn đời vang vọng/ Trong tiếng cồng Ngàn Nưa, tiếng trống Đông Sơn/ Tiếng cồng mừng công, tiếng trống hội mùa...”. Những cái tên yêu thương ấy luôn mời chào gọi ta đến để đắm say, để cùng hát vang điệu hò khoan dô khoan.

Ngay từ năm 2010, khi giới thiệu cuốn sách “Về làm dâu sông Mã”, nhà văn Đặng Ái đã viết: “Hãy lắng nghe ca khúc của Đồng Tâm, bạn sẽ hiểu được vì sao dân yêu nhạc xứ Thanh lại mến yêu, tin cậy người nhạc sĩ này đến thế. Người ta mặc nhiên coi ông là nhạc sĩ tiêu biểu nhất của xứ Thanh... Đi và dùng âm nhạc ca ngợi yêu thương khắp miền đất của mình, với tất cả nhiệt huyết trong tim, Đồng Tâm đã xây dựng nên một liên khúc xứ Thanh”.

Liên khúc xứ Thanh ấy là cả sinh mệnh cuộc đời làm nghệ thuật của nhạc sĩ Đồng Tâm. Ông chia sẻ: Cuộc đời nghệ sĩ chưa thấy sang đâu, chỉ thấy quá nhiều vất vả. Tuy vậy, may mắn nhất là 1/4 thế kỷ hoạt động bên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, tôi được đi hầu khắp đất nước. Đi để rồi trở về và trân trọng hơn rất nhiều mảnh đất mình sinh ra, trưởng thành và sáng tạo.

Để nói về vai trò âm nhạc với cuộc sống, nhạc sĩ Đồng Tâm chia sẻ: “Âm nhạc là một trong những loại hình văn học nghệ thuật dễ đi vào lòng người nhất, gắn bó với con người từ khi mới sinh ra qua lời ru tiếng hát của bà, của mẹ; cho đến lúc tạm biệt cõi đời này cũng là tiếng khóc của những người thân yêu cùng tiếng nỉ non của phường bát âm. Giờ đây, nhiều bệnh viện đã lấy âm nhạc hỗ trợ chữa bệnh; một số trang trại lấy âm nhạc để chăn nuôi và trồng trọt. Âm nhạc giúp con người và các sinh vật có sự kết nối hơn”.

Nhiều người cho rằng, nhạc sĩ tỉnh lẻ viết theo đơn đặt hàng là chính. Đồng Tâm cũng không phải ngoại lệ. Bởi không ít ca khúc của ông xuất phát điểm là làm theo đơn đặt hàng. Người trong nghề có thể “tỉnh” để biết rõ về nhau, nhưng còn người nghe nhạc... họ chỉ thấy duy nhất giai điệu đẹp và những cảm xúc chân thật đến nồng nàn.

Người bắc nhịp cầu thân thương nối đôi bờ sông MãNhạc sĩ Đồng Tâm.

Khi tôi đến nhà ông ở số 12, ngõ Điện Cơ, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa), cũng là lúc ông vừa mở nhạc thưởng thức vừa lắng nghe chăm chú để chỉnh sửa lại lần cuối ca khúc viết cho Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đặt hàng chuẩn bị kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam. Nói về điều này, nhạc sĩ Đồng Tâm ngại ngần chia sẻ: “Đời nhạc sĩ quá khó khăn, ít người sống được bằng nghề. Có thể ai đó nghĩ chúng tôi lấy ngắn nuôi dài nhưng để viết theo đơn đặt hàng, riêng tôi phải tìm hiểu kỹ mọi vấn đề, từ đó lựa chọn cảm xúc đầy nhất, đọng nhất”.

70 tuổi đời, hơn 50 năm tuổi nghề, những cống hiến của nhạc sĩ Đồng Tâm đối với âm nhạc xứ Thanh không hề nhỏ. Song, điều ông trăn trở nhất là mảnh đất tươi đẹp này với biết bao nhiêu trầm tích văn hóa; lại thêm một lực lượng lớn ca sĩ nổi tiếng, tuy nhiên, so với nhiều tỉnh thành khác, Thanh Hóa có rất ít bài được phổ biến trên cả nước. Trăn trở đó cũng là nỗi niềm của những người yêu và gắn bó với mảnh đất này.

Cả cuộc đời gắn bó với âm nhạc, để nói về sự tiếc nuối, ông chỉ lắc đầu. Bởi, càng khi tuổi về già, âm nhạc chính là thứ niềm vui ít ỏi còn sót lại. Lời mời gọi năm nao “Về làm dâu sông Mã. Em ơi có về làm dâu sông Mã. Có về cùng người Thanh Hóa/ Về trong câu hò.... Khoan dô khoan” chính là thứ tình cảm trong trẻo, lãng mạn nhất mà người nhạc sĩ để lại cho đời, cho người.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]