(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhắc đến chầu văn nhiều người biết Nghệ nhân Ưu tú Trần Văn Thuận, Chủ tịch Câu lạc bộ hát văn, hát chầu văn tỉnh Thanh Hóa.

Người say mê gìn giữ, truyền dạy chầu văn

Nhắc đến chầu văn nhiều người biết Nghệ nhân Ưu tú Trần Văn Thuận, Chủ tịch Câu lạc bộ hát văn, hát chầu văn tỉnh Thanh Hóa.

Người say mê gìn giữ, truyền dạy chầu vănPhó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng và lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc cho ông Trần Văn Thuận.

Ông Thuận đến với chầu văn như một cơ duyên. Năm 1980, ông là con nhang của bà Lê Thị Tèo, thủ nhang phủ Cốc linh từ. Trong không gian phủ Cốc, những điệu hát văn khi thì dìu dặt, khoan thai, lúc lại réo rắt, lảnh lót cùng nghi thức hầu đồng đã khiến ông háo hức, say mê. Bên cạnh sự truyền dạy của bà Tèo và qua thư tịch, sách báo, ông đã nắm giữ được những tri thức, giá trị cốt lõi của loại hình văn hóa phi vật thể chầu văn. Theo thời gian, các làn điệu, lời hát, âm nhạc, điệu múa trong nghi lễ chầu văn đã thấm vào ông.

Ông Thuận cho biết: “Nét đặc trưng của hình thức diễn xướng này là hát chầu văn và thường diễn ra ở các đền, miếu nơi thờ Mẫu Tam tòa, Tứ phủ. Từ bao đời, dân gian đã sáng tạo nên hàng chục điệu chầu khác nhau như bỉ, miễu, thống, phú, dọc, cờn, xá... Các làn điệu trong âm nhạc chầu văn rất phong phú, đa dạng và đa sắc màu không thua kém một số loại hình nghệ thuật khác. Đặc biệt, nghi lễ chầu văn còn thể hiện rất rõ ý thức hướng về cội nguồn, uống nước nhớ nguồn, tôn vinh những người có công với đất nước. Một nghi lễ chầu văn được tiến hành theo các trình tự gồm thay lễ phục, dâng hương, lễ thánh giáng, múa đồng, ban lộc và nghe văn chầu, thánh thăng. Thường trong buổi chầu nhiều nhất có 20 giá đồng, ít nhất 10 giá”.

Nặng lòng với nghệ thuật truyền thống, ông Thuận luôn tâm nguyện phải truyền dạy lại nghệ thuật hát chầu văn cho thế hệ sau để bảo tồn loại hình văn hóa phi vật thể truyền thống của dân tộc. Ông đã đứng ra thành lập câu lạc bộ hát văn, hát chầu văn để thường xuyên đưa nghệ thuật hát văn vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng thông qua các hội thi, hội diễn. Ví như, Festival Huế 2018 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, ông đã tham gia cùng đoàn nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa và đoạt 4 giải đặc biệt tại Liên hoan hát hăn, hát chầu văn toàn quốc diễn ra ở đây. Hay ông cùng đoàn nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa tham gia Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại tại TP Nha Trang (Khánh Hóa) - 2019 và đoạt giải xuất sắc. Ngoài ra còn là 2 giải A mà đoàn Thanh Hóa giành được tại Liên hoan hát văn, hát chầu văn toàn quốc diễn ra ở tỉnh Hà Nam.

Từ những thành công trong việc quảng bá, bảo tồn giá trị đặc sắc của hát chầu văn, tháng 2/2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập câu lạc bộ hát văn, hát chầu văn. Tháng 7/2020, Câu lạc bộ hát văn, hát chầu văn tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2020-2025. Tại đại hội, nghệ nhân Trần Văn Thuận được bầu giữ chức Chủ tịch Câu lạc bộ hát văn, hát chầu văn tỉnh Thanh Hóa.

Ông Thuận cho biết, trong hơn 3 năm qua câu lạc bộ thường tham gia các hoạt động văn hóa thờ mẫu, biểu diễn hát chầu văn và diễn xướng hầu đồng ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đồng thời tổ chức sinh hoạt, bồi dưỡng nghiệp vụ, giao lưu trao đổi học tập kinh nghiệm tổ chức các hoạt động liên quan đến văn hóa hát văn, hát chầu văn. Đáng kể nhất là cuối năm 2022, câu lạc bộ đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và Ứng dụng văn hóa truyền thống Việt Nam tổ chức Liên hoan hát văn, hát chầu văn tỉnh Thanh Hóa lần thứ nhất. Thông qua liên hoan đã đưa hát văn, hát chầu văn đến gần hơn với công chúng.

Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động của mình, ông Thuận đã truyền dạy cho khoảng 500 người chung niềm đam mê nghệ thuật hát chầu văn. Những người được ông truyền dạy đều thành nghề và đang lưu giữ, thực hành diễn xướng chầu văn.

Tháng 9/2022, ông Trần Văn Thuận đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Đây là sự ghi nhận những đóng góp, cống hiến của ông trong việc gìn giữ, truyền dạy và phát huy truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian hát chầu văn trên quê hương Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Trần Thanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]