(vhds.baothanhhoa.vn) - Vượt qua đại dịch COVID-19, cùng với các nhà hát trên toàn quốc, Nhà hát nghệ thuật truyền thống (NTTT) Thanh Hóa đã bắt tay vào luyện tập để tham gia biểu diễn, dự thi… Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều hoạt động nghệ thuật đã diễn ra trong một không khí mới, với nhiều sự khởi sắc.

Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa và những bài toán khó

Vượt qua đại dịch COVID-19, cùng với các nhà hát trên toàn quốc, Nhà hát nghệ thuật truyền thống (NTTT) Thanh Hóa đã bắt tay vào luyện tập để tham gia biểu diễn, dự thi… Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều hoạt động nghệ thuật đã diễn ra trong một không khí mới, với nhiều sự khởi sắc.

Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa và những bài toán khóMột cảnh trong vở “Đất liền và biển cả”, vở diễn xuất sắc tại Liên hoan Chèo toàn quốc được tổ chức tại Hà Nam năm 2022.

Ngoài các nhiệm vụ chính trị phục vụ Nhân dân trong tỉnh, Nhà hát NTTT Thanh Hóa còn xây dựng kịch bản tổng thể tập luyện và biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật sân khấu hóa phục vụ: Lễ hội Bà Triệu; Lễ hội Phủ Trịnh; Lễ hội đền thờ Lê Hoàn, đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tuần lễ văn hóa - du lịch – ẩm thực huyện Thọ Xuân năm 2023; Lễ hội Mai An Tiêm; Lễ hội Đồng Cổ gắn với phát triển du lịch huyện Yên Định; Lễ hội Chí Linh Sơn (thác Ma Hao – Lang Chánh)...

Nói về thành công của NTTT tỉnh Thanh Hóa, NSND Hàn Hải, Giám đốc Nhà hát, cho biết: Kể từ năm 2022 đến nay, nhà hát đã tham gia 5 cuộc thi, liên hoan sân khấu và đều đạt những thành tích cao.

Phải kể đầu tiên đó chính là Liên hoan Tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2022 diễn ra tại TP Vinh (Nghệ An). Cùng với 11 đơn vị nghệ thuật tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp công lập trên cả nước, Đoàn nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa tham dự với vở tuồng “Hoàng đế Lê Đại Hành” (tác giả Đăng Minh, đạo diễn NSND Hoài Huệ). Dựng lại bối cảnh khi Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn được Nhân dân suy tôn làm hoàng đế và được Thái hậu Dương Vân Nga trao long bào để cứu nguy cho giang sơn, xã tắc, “Hoàng đế Lê Đại Hành” đã được tập thể diễn viên, nghệ sĩ của Nhà hát NTTT Thanh Hóa biểu diễn thành công, đem đến cho khán giả những cảm xúc tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc.

Chia sẻ điều này, NSƯT Vũ Thị Hảo, Phó giám đốc Nhà hát NTTT Thanh Hóa cho biết: Đây là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc mang theo nhiều tâm huyết, đam mê của nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát. Vở diễn đã đạt Huy chương Bạc sau gần 20 năm chờ đợi. Vượt qua được các “anh cả đỏ” của làng Tuồng là điều vô cùng khó khăn.

Nếu như nghệ thuật Tuồng xứ Thanh mất gần 20 năm mới có Huy chương Bạc thì nghệ thuật Cải lương cũng phải chờ đợi 54 năm mới có thêm tấm Huy chương Vàng. Sau vở diễn “Ngọn lửa Diên Hồng” từ thời của các tác giả Hà Khang, Mai Bình thì “Điều còn lại” của Đoàn nghệ thuật Cải lương Thanh Hóa (vở diễn tham gia Liên hoan Sân khấu cải lương diễn ra từ ngày 5 đến 20-11-2022 tại tỉnh Long An) đã khẳng định rằng cải lương không chỉ dành riêng cho các nghệ sĩ khu vực phía Nam.

Vở diễn đề cập tới đề tài hậu chiến tranh. Câu chuyện về người lính từ biệt mẹ già, vợ trẻ và quê hương ra mặt trận. Ở hậu phương, người vợ trẻ và mẹ già cùng dân làng ngày đêm chống chọi với đạn bom, xây dựng hậu phương vững chắc. Xa chồng lâu ngày, người vợ trẻ đã ngoại tình với một anh bộ đội đóng quân ở trong làng và sinh được một bé trai. Người mẹ chồng thương con dâu, sẵn lòng tha thứ cho tội lỗi của cô. Khi chiến tranh kết thúc, người chồng bị nhiễm chất độc da cam trở về, biết chuyện vợ ngoại tình, nhưng với tấm lòng bao dung, độ lượng, người chồng đã tha thứ cho vợ. Do ảnh hưởng chất độc da cam, về quê một thời gian, người chồng qua đời. Trước khi mất, người chồng đã tác hợp cho người vợ với anh bộ đội (cha của đứa trẻ) thành đôi để người vợ có chồng, đứa trẻ có cha. “Vết thương” đã được hàn gắn bởi sự cảm thông, chia sẻ, tình yêu thương.

Bên cạnh Huy chương Vàng của vở diễn thì các nghệ sĩ Nhà hát NTTT Thanh Hóa còn đoạt 3 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng cá nhân.

Chèo có thể là bộ môn nghệ thuật thế mạnh ở Nhà hát NTTT Thanh Hóa. Bởi đơn giản, nếu 2 giải thưởng trên của sân khấu tuồng, cải lương đều có sự góp sức của 2 đạo diễn là 2 NSND “trùm giật giải”, được giới chuyên môn đánh giá cao, thường xuyên giành huy chương vàng, huy chương bạc tại các liên hoan sân khấu, thì riêng với Chèo, đạo diễn cây nhà lá vườn đã được sử dụng có hiệu quả. Năm 2022, tại Liên hoan Chèo toàn quốc được tổ chức tại Hà Nam, Thanh Hóa giới thiệu với công chúng vở “Đất liền và biển cả” (đạo diễn NSND Trương Hải Thọ) đã đạt vở diễn xuất sắc và 2 cá nhân đạt giải thành phần sáng tạo xuất sắc. Và đến Cuộc thi Tài năng diễn viên chèo, tuồng, dân ca kịch toàn quốc năm 2023, Thanh Hóa đã xuất sắc giành 3 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải diễn viên trẻ tài năng, 1 giọng hát triển vọng. Đặc biệt, NSND Hàn Hải đã đạt giải xuất sắc dành cho người dàn dựng trích đoạn có sáng tạo, đạt hiệu quả cao.

Gần đây nhất (tháng 6-2023) cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2023 tổ chức ở tỉnh Hòa Bình thu hút sự tham gia của gần 1.500 nghệ sĩ ở 37 đơn vị nghệ thuật trên cả nước. Các nhạc công tỉnh Thanh Hóa đã đem đến cho khán giả yêu âm nhạc nhiều cảm xúc cùng cái nhìn đa sắc màu và ấn tượng sâu đậm về nhạc cụ các dân tộc. Cụ thể họ đã giành được 1 giải Nhất, 2 giải Nhì cá nhân.

Những giải thưởng này phần nào đã khẳng định niềm đam mê cống hiến, sự nỗ lực làm việc của các nghệ sĩ xứ Thanh. Tuy nhiên, để làm mới NTTT là điều rất khó khăn. Theo NSND Hàn Hải: “Làm sao để tác phẩm thuộc về con người hôm nay, câu hỏi ấy trăn trở chúng tôi, khiến chúng tôi phải quên đi và vượt qua những khó khăn để cống hiến cho nghệ thuật. Khóc nhiều cũng không giải quyết được vấn đề nhưng rõ ràng không lâu nữa NTTT sẽ có sự thiếu hụt về lực lượng".

Câu chuyện thiếu hụt lực lượng cũng là bài toán khó với Nhà hát NTTT Thanh Hóa. Với con số định biên là 89, nếu trừ đi bộ phận hành chính, tổ chức, lãnh đạo, chỉ còn khoảng 60 nghệ sĩ trực tiếp tham gia vào ekip biểu diễn. Cũng theo NSƯT Vũ Thị Hảo, nếu để gọi là ổn thì Đoàn nghệ thuật Tuồng phải cần chừng 50 biên chế trong khi con số hiện tại là 28 biên chế, gồm diễn viên, nhạc công, ánh sáng, họa sĩ... Chúng tôi thường nói với nhau là “chuối chín cả buồng”, người trẻ nhất ở Đoàn nghệ thuật Tuồng cũng đã 35 tuổi.

NSƯT Vũ Thị Hảo cho biết thêm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 1-7-2019 quy định các cơ sở giáo dục đại học không được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng. Trong khi đó, để đào tạo tài năng nghệ thuật thì hầu hết đều từ sơ cấp, trung cấp rồi mới lên cao đẳng, đại học. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt lực lượng kế cận trong những năm gần đây. Thêm vào đó, trước đây, các đoàn nghệ thuật của tỉnh đều có Quỹ tài năng để thu hút lực lượng diễn viên trẻ. Nhưng kể từ năm 2016 đến nay quỹ này không còn. Thực tế là đoàn đã có diễn viên đóng kép đạt cả các tiêu chí “Thanh - sắc - thục; Tinh - khí - thần”, tuy nhiên do không được hợp đồng nên họ đã bỏ nghề, lựa chọn một công việc khác.

Một tín hiệu vui là kể từ ngày 30-7-2023 Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH chính thức có hiệu lực. Theo đó, các diễn viên NTTT sẽ được hưởng chế độ dành riêng như các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Song, nếu không có sự thay đổi con số chỉ tiêu biên chế thì bài toán vẫn chưa thể có lời giải hoàn chỉnh.

Câu chuyện tre già mà măng chưa mọc và chuối chín cả buồng là điều khó khăn nhất hiện nay ở tất cả các bộ môn NTTT. Như cách ví von của NSND Hàn Hải, Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh: Đào tạo một lớp diễn viên kế cận phải như một dòng sông, luôn có sự chảy trôi của con nước. Nếu các cơ chế, chính sách và chế độ đãi ngộ đối với công tác thu hút, tìm kiếm, đào tạo và phát huy nghệ sĩ, diễn viên tài năng trẻ… không được quan tâm sớm thì chắc chắn các đơn vị nghệ thuật sẽ gặp khó trong việc bảo tồn phát triển NTTT.

Dù gặt hái rất nhiều giải thưởng, dù được công nhận là một trong số ít nhà hát NTTT ở địa phương giữ được “phong độ”, song nỗi trăn trở, lo âu ngay trước mắt đó vẫn là tình trạng thiếu hụt lực lượng, chế độ đãi ngộ còn kém và sự thờ ơ của khán giả sẽ đặt NTTT trước những bài toán khó.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]