(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong tất bật những ngày cuối cùng của tháng Chạp - khép lại năm cũ, lòng người cũng nhiều xúc cảm hơn. Hối hả, vội vã ngược xuôi để hoàn tất công việc, sắm sửa cho tết đủ đầy hơn. Và cả chút tiếc nuối bởi những dự định còn dang dở... Nhưng rồi chiều 30 tết, ta lại “gói ghém” lại tất cả để đón mừng năm mới đang sang...

Những ngày cuối năm...

Trong tất bật những ngày cuối cùng của tháng Chạp - khép lại năm cũ, lòng người cũng nhiều xúc cảm hơn. Hối hả, vội vã ngược xuôi để hoàn tất công việc, sắm sửa cho tết đủ đầy hơn. Và cả chút tiếc nuối bởi những dự định còn dang dở... Nhưng rồi chiều 30 tết, ta lại “gói ghém” lại tất cả để đón mừng năm mới đang sang...

Những ngày cuối năm...Nhiều người không quản vất vả, sương gió để mong có một cái tết ấm no, đủ đầy hơn.

1. Mẹ tôi vẫn thường bảo, cứ bước vào tháng Chạp là cảm giác như thời gian trôi đi nhanh hơn mà công việc cứ bộn bề. Từ chuyện đồng áng cày cấy đến dọn dẹp nhà cửa, công việc như “đuổi” người ta phải nhanh, gấp gáp hơn.

Năm nay lập xuân sớm, theo lịch nông vụ sẽ cấy trong tết. Nhưng từ ngoài Rằm, thời tiết giá rét, mưa phùn kéo dài, lịch cấy lúa phải chậm lại khiến mẹ tôi sốt ruột, đứng ngồi không yên, ngày nào cũng ngóng dự báo thời tiết. Vậy nên, tranh thủ những ngày cuối cùng của năm thời tiết ấm áp hơn, mẹ và những người nông dân vội vã xuống đồng làng phủ xanh ruộng trắng.

Nói đến chuyện gieo cấy lúa trong tết, tôi lại nhớ ngày còn niên thiếu. Khi ấy do chưa “đổi điền dồn thửa” nên ruộng cấy còn manh mún, mỗi nơi một mảnh. Nhà tôi có mảnh ruộng chân mạ ngay cạnh đường lớn. Những ngày cuối năm, xe cộ hối hả di chuyển ngược xuôi, người chở cành đào, người lai chậu hoa khiến tôi cũng không khỏi xốn xang. Vậy nhưng, 28 tháng Chạp rồi, tôi vẫn phải cùng mẹ ra đồng cấy nốt đám ruộng. Cấy lúa dưới đồng mà lòng tôi khi ấy thực sự như... “lửa đốt”! Chốc chốc lại ngẩng lên hóng người qua đường. Tôi khi đó chưa hiểu lịch nông vụ là gì, cũng không biết được, đám ruộng cấy trước - cấy sau vài ngày đã khác. Vậy nên vùng vằng trách mẹ sao phải khổ như vậy, còn có đám ruộng nhỏ, ra tết ngày rộng tháng dài cấy lúc nào chẳng được!

Thấm thoát cũng đã nhiều năm tôi rời xa đồng ruộng. Còn mẹ vẫn vậy, bà yêu ruộng đồng. Bà buồn nhiều khi đám ruộng không kịp chăm sóc khiến cây lúa phát triển chậm; hay do một vài ngày không ra thăm khiến sâu bệnh phá hoại. Đó không hẳn chỉ vì kém đi vài yến lúa trong mùa thu hoạch. Sâu xa hơn, tôi hiểu mẹ không muốn mình là người nông dân kém cỏi. Vậy nhưng, cũng phải rất lâu về sau, tôi mới hiểu được điều đó...

Vậy nên, năm nay mấy sào ruộng đã kịp cấy xong trước tết, mẹ tôi mừng lắm. Bà bảo, cấy xong rồi ăn tết cho “ngon”. Cái ngon với mẹ tôi và cả hầu hết những người nông dân là sự yên tâm bởi việc cày cấy đã xong, chứ không phải thấp thỏm việc xuống đồng sau tết. Ra tết ngày rộng tháng dài, có thể thong thả niềm vui du xuân thêm vài ngày nữa.

Cày cấy xong rồi, cũng như mọi gia đình khác, nhà tôi cũng bước vào “ngày hội” dọn dẹp nhà cửa, sân vườn. Dù là nông dân chân chất, nhưng mẹ tôi vốn tính sạch sẽ nên từng ngóc ngách, từng món đồ dù cũ cũng phải được làm sạch. Ngược lại, bố tôi tính tình xuề xòa. Ông vẫn thường tỏ ra khó hiểu trước sự cuống quýt dọn dẹp, lau chùi của bà vợ. Nhưng dẫu vậy, bố tôi cũng đóng góp công lớn cùng vợ và các con trong “ngày hội” làm mới nhà cửa dịp cuối năm.

Có chút mệt mỏi, vậy nhưng có phải mỗi người chúng ta đều chung xúc cảm: Ngắm nhìn ngôi nhà, từng vật dụng trong gia đình được làm mới sau những lau chùi, đánh rửa cũng thấy lòng vui hơn! Và như mẹ tôi thường nói, vội vàng, tất bật cũng chính là một loại “niềm vui” trong ngày tết về. Thêm cành đào thắm, cây quất nhỏ, lọ hoa dơn đỏ... Vậy là tết đã thực sự ngập tràn không gian ngôi nhà nhỏ.

2. Những ngày cuối năm, hòa mình trong dòng người vội vã, ta bất chợt hiểu ra, để cuộc sống tốt đẹp hơn, mỗi người đều phải không ngừng nỗ lực từng ngày.

Là những tiểu thương buôn bán ở chợ, từ sáng sớm đến tối mịt vẫn đang cần mẫn bên sạp hàng đon đả phục vụ khách mua sắm. Năm nay, kinh tế khó khăn, việc mua bán dường như cũng “chậm” hơn.

Những ngày cuối năm...Mẹ tôi và những người nông dân tranh thủ cày cấy phủ xanh đồng làng trước khi tết về.

Cô Thanh cạnh nhà tôi đã gắn bó với sạp hàng ở chợ từ những ngày đầu cô về nhà chồng. Thấm thoắt, cũng hơn 20 năm cô trở thành tiểu thương quen mặt với hầu hết mọi người đi chợ. Người ta vẫn thường khen cô có duyên nên bán đắt hàng. Còn tôi thì nghĩ khác, buôn bán xởi lởi, tính tình hòa nhã như cô, mấy người không quý! Vậy mà năm nay, cô cũng không khỏi muộn phiền về tình hình buôn bán. Chiều ngày giáp tết, ghé quầy hàng của cô mua vài thứ còn thiếu, hỏi thăm tình hình buôn bán, cô thở than: “Ế lắm cháu ơi. Hiếm có năm nào hàng hóa lại chậm thế này, toàn đồ thiết yếu mà vẫn ế. Người ta vẫn mua, nhưng mua ít... Bán buôn chẳng được bao nhiêu. Nhưng vẫn phải ngồi đây, bán nhiều, bán ít vẫn phải bán, vớt vát được đồng nào hay đồng đó, năm nay ai cũng khó khăn...”.

Cũng để cho con cái có cái tết đủ đầy hơn, vợ chồng anh Quyền trong xóm tôi năm nay cũng “dấn thân” vào việc buôn bán. Anh vốn làm thợ xây, mọi khi đến tận những ngày cuối cùng của năm còn làm chưa hết việc. Vậy mà năm nay, mới sang tháng Chạp được vài ngày, chủ thầu đã báo với anh hết việc, nghỉ sớm. Tết thì bao thứ phải lo, phải sắm sửa, rồi còn đồng quà cho cha mẹ già, bộ quần áo mới cho mấy đứa con nhỏ... khiến vợ chồng anh đau đầu suy tính. Và anh quyết định dành toàn bộ số tiền tích góp ít ỏi, cùng với vay mượn được hơn trăm triệu để mua mai, quất về bán.

Ròng rã gần nửa tháng trời, vợ chồng anh thay nhau “ăn sương nằm gió” và cả “trông trời” với cây cảnh. Chiều cuối năm, trên đường ở chợ về, tôi ghé chỗ anh chị bán hàng, để chọn mua một cây về chơi tết. Anh bảo, đến giờ này cũng cơ bản thu hồi được vốn, còn từng này cây chưa bán được là “lãi” nằm đó. Nếu bán được hết hàng, xem như cũng có đồng ra đồng vào cho tết, còn không thì cũng phải chịu. Đồ hàng hoa đâu thể để dành, nên đắt rẻ gì cũng bán hết cho xong!

Từ quầy hàng của vợ chồng người hàng xóm, tôi nhìn sang dọc dài những quầy bên cạnh. Nào đào, mai, quất, hoa... bóng người bán hàng ngóng trông, mời chào khách ghé mua hàng. Trên những gương mặt mệt mỏi vì vất vả nhiều ngày là ánh mắt với những niềm hy vọng có thể bán được hết “mùa xuân” về cho khách, để mong mang xuân về cho gia đình....

Ngày cuối cùng của năm cũ, khi mọi việc đã tạm xong xuôi, ta tự cho phép lòng mình “chậm” lại với những xúc cảm bâng khuâng và cả thiêng liêng. Nhìn lại một năm cũ đang dần qua, năm mới đang sang, vẫn còn nhiều điều dở dang, dự định chưa thể thực hiện. Nhưng rồi ngẫm lại, cuộc sống này đâu thể toàn mỹ. Mỗi người đều phải không ngừng cố gắng, nhưng phải chăng, nếu quá bám chấp vào những điều không thể cũng tự khiến mình khổ tâm hơn! Nên đôi khi, biết bằng lòng, biết đủ cũng là một thứ hạnh phúc.

Tạm gác lại những điều chưa trọn vẹn. Năm mới sang rồi. Trong mùi trầm hương quện tỏa, bên mâm cơm tất niên quây quần cùng những người thân... Ta thấy lòng bình yên!

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]