(vhds.baothanhhoa.vn) - Cuối năm lòng người thường hướng về miền tâm linh để cảm tạ công đức của đức Phật, các vị thánh, thần đã “vuốt ve”, “che chở”, ban phước lộc, sức khỏe, may mắn, bình an cho “con trần” và gửi gắm ước vọng cho một năm mới. Trong đa dạng, phong phú di tích tín ngưỡng, tâm linh của xứ Thanh, nhiều người hướng lòng về với Thánh Mẫu như tìm về miền an yên, thân thuộc nhất.

Qua những miền tín ngưỡng thờ Mẫu ở xứ Thanh

Cuối năm lòng người thường hướng về miền tâm linh để cảm tạ công đức của đức Phật, các vị thánh, thần đã “vuốt ve”, “che chở”, ban phước lộc, sức khỏe, may mắn, bình an cho “con trần” và gửi gắm ước vọng cho một năm mới. Trong đa dạng, phong phú di tích tín ngưỡng, tâm linh của xứ Thanh, nhiều người hướng lòng về với Thánh Mẫu như tìm về miền an yên, thân thuộc nhất.

Qua những miền tín ngưỡng thờ Mẫu ở xứ ThanhDu khách thăm đền Phố Cát (Thạch Thành).

Nhắc đến Thánh Mẫu Liễu Hạnh - người được suy tôn là một trong “tứ bất tử” của Việt Nam và tín ngưỡng thờ Mẫu không thể không nhắc đến hai di tích tiêu biểu của xứ Thanh, đó là đền Sòng gắn với lễ hội Sòng Sơn - Ba Dội và đền Phố Cát. Cả hai ngôi đền này đều lưu dấu huyền tích về những lần giáng thế và hiển thánh của Thánh mẫu Liễu Hạnh.

Huyền tích kể lại rằng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là con gái của Ngọc Hoàng, vì lỡ tay làm vỡ chén ngọc nên bị đầy xuống trần gian. Nàng vui vẻ, hạnh phúc sống cuộc đời của một người phàm nơi hạ giới. Bởi vậy, khi được Ngọc Hoàng cho phép trở lại cung tiên, nàng vẫn luôn lưu luyến, nặng tình nhung nhớ mãi không thôi. Cảm động trước tấm lòng ấy, Ngọc Hoàng cho phép nàng được tiếp tục giáng thế, trở lại nhân gian.

Thánh Mẫu là người phụ nữ đoan trang, hiếu đễ, thông minh. Người đời yêu mến tấm lòng thủy chung, son sắt với chồng, hết mực yêu thương con cái của Thánh Mẫu bao nhiêu thì cũng cảm phục tư chất thông minh, mạnh mẽ trong con người ấy bấy nhiêu. Những câu chuyện trong trận giao chiến trên Đèo Ngang, cuộc gặp gỡ tiêu sái với Phùng Khắc Khoan hay khi tái hợp với Đào Lang - người chồng kiếp trước... đã phần nào khắc họa nên hình tượng đẹp về Thánh Mẫu Liễu Hạnh với những phẩm chất tuyệt vời. Đặc biệt, với tấm lòng nhân ái, bao dung, những lần giáng thế, Thánh Mẫu thường hiển linh cứu giúp, phổ độ chúng sinh, trừng trị kẻ ác nên được dân chúng khắp nơi yêu mến, phụng thờ.

Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh

Đền Sòng Sơn xưa thuộc trang Cổ Đam, Phú Dương, phủ Tống, Thanh Hóa, nay thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn. Nơi đây không chỉ được biết đến bởi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, kiến trúc độc đáo, mà còn nổi danh bởi sự linh thiêng bậc nhất gắn với huyền tích nữ thần Vân Hương hiển thánh: “Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh, thứ nhì Phố Cát, thứ ba đền Hàn”; "Nhất vui là hội Phủ Dày/ Vui thì vui vậy, chẳng tày Sòng Sơn”... Tương truyền, Thánh Mẫu khi thì biến thành cô gái xinh đẹp mở quán bán hàng trên đỉnh đèo Ba Dội, cứu giúp khách bộ hành cơ nhỡ; khi thì biến thành bà lão chống gậy đi các làng ở vùng Tam Điệp dạy cho dân biết cách đào giếng lấy nước, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải...

Sách “Đại Nam nhất thống chí" ghi chép: “Đền Sùng Trân ở các trang Cổ Đam, Phúc Dương, huyện Tống Sơn thờ Liễu Hạnh công chúa. Đền còn có tên gọi là đền Sòng Sơn. Đền này được xây dựng vào thời Cảnh Hưng triều vua Lê Hiển tông (1740-1786) ngay tại nơi chúa Liễu Hạnh tái hiện xuống trần”.

Đền Sòng Sơn tọa lạc trên một thế đất cao, hướng Tây Bắc, có kiến trúc hình chữ tam theo truyền thống. Nghinh môn to, đẹp với cấu trúc theo kiểu chồng diêm, 3 cửa: Cửa bên tả gọi là cửa giới, cửa bên hữu là cửa định và cửa giữa là cửa tuệ. Phía trước sân đền có một hồ nước tự nhiên hình bán nguyệt quanh năm xanh trong. Dưới tán cây xanh mát, du khách tĩnh tâm dâng nén hương thơm trước tượng Phật bà Quam âm Bồ tát phúc hậu, hiền từ. Từ lòng hồ bán nguyệt chia làm hai nhánh suối nhỏ lượn chảy ôm lấy gò Ngọc rồi hợp dòng chảy về suối Chín Giếng, tạo nên hình thế “long hạm phàn ngọc” (miệng rồng ngậm ngọc)...

Không gian thờ phụng được bài trí 3 cung: Cung đệ nhất (tiền đường), cung đệ nhị (trung đường), cung đệ tam (hậu cung, chính tẩm). Trong đó, cung đệ tam ít khi được mở, trừ những ngày lễ rước Thánh Mẫu vào tháng hai âm lịch hằng năm. Ngày thường, con nhang, đệ tử và du khách thập phương chỉ được đứng ngoài chiêm bái.

Trong đền còn lưu giữ được nhiều hoành phi, câu đối, đại tự ca ngợi công đức, sự linh thiêng của Thánh Mẫu Liễu Hạnh và cảnh đẹp vùng đất Sòng Sơn. Bức đại tự với bốn mỹ tự “Mẫu nghi thiên hạ” hay “Sòng Sơn hiển tích thiên thu tại/ Thanh Hóa danh lam vạn cổ truyền” (tạm dịch: Sòng Sơn dấu tích nghìn thu sáng/ Thanh Hóa danh lam muôn thuở còn) đã phần nào nói lên sự tôn kính, ngưỡng vọng mà người đời dành cho Thánh Mẫu.

Được biết, phía sau đền Sòng Sơn là con đường thiên lý đã từng ghi dấu cuộc hành binh thần tốc của đại quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy tài ba của vua Quang Trung vượt qua đèo Ba Dội tiến ra Bắc, đánh bại 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Và nằm cách đền Sòng Sơn 1km về phía đông là đền Chín Giếng cũng nằm trong quần thể di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng này. Ai đến với Sòng Sơn cũng nương theo dòng chảy tâm linh ấy mà cất bước ghé thăm, dâng hương, dâng lễ tại đền Chín Giếng.

Đền thiêng Phố Cát trên vùng đất Vân Du

Ngôi đền Phố Cát, thị trấn Vân Du, Thạch Thành là nơi Thánh Mẫu giáng thế lần thứ 3. Cũng như những lần giáng thế trước đó, Thánh Mẫu thường hiển linh giúp đỡ người thiện lành, trừng trị kẻ ác. Để bày tỏ lòng tôn kính, tri ân sâu sắc, Nhân dân trong vùng cùng nhau góp của, góp công dựng một ngôi đền để phụng thờ.

Giữa cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, địa thế thuận lợi, trong tiếng hát văn khi thì dìu dặt, khoan thai, lúc lại ngân nga, thánh thót, đền Phố Cát như một nét chấm phá đặc sắc. Ngay từ những bước chân đầu tiên đến với cửa đền, du khách đã cảm thấy thích thú, say mê. Phía trước đền có 3 ngọn núi gọi là tam thai án ngữ như một bức bình phong, các ngọn núi khác được Nhân dân dựa theo đặc điểm cụ thể mà đặt tên như núi cây Trôi, núi Long, núi Ly, núi Hổ, núi Vực voi... Gần đền có một dòng suối nhỏ êm đềm nước chảy. Đến trước cửa đền, dòng suối tạo thành một vụng như một cái hồ nhỏ, cá bơi thành đàn, tựa như suối cá thần ở Cẩm Thủy. Cứ đến mùa xuân, cá lớn bơi đi đâu hết, và từng đàn cá con lại về như là có phép lạ. Mỗi mùa lễ hội tại đền, cá lớn lại về khiến cho ngôi đền càng thêm độc đáo, nhuốm màu tâm linh, huyền bí. Tại suối cá có xây dựng một lầu bát giác, thường gọi là lầu Vọng Ngư. Cây cầu nhỏ bằng đá uốn cong mềm mại bắc qua suối dẫn lối khách bộ hành tiến vào miền tín ngưỡng. Đền Phố Cát gồm 4 công trình độc lập từ thấp lên cao, mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn, gồm: Sân rộng với nghinh môn 8 mái; 3 cung (cung đệ nhất, đệ nhị, đệ tam).

Trước tác động của thời gian, yếu tố lịch sử, kiến trúc xưa không còn được bảo tồn nguyên vẹn nhưng đền Phố Cát vẫn lưu giữ được các hiện vật như: Tượng, kiệu, bia đá... Sức sống của ngôi đền cũng được minh chứng sinh động, hấp dẫn trong các nghi thức tín ngưỡng, hoạt động văn hóa - văn nghệ, giải trí diễn ra trong dịp lễ hội được tổ chức hằng năm vào các ngày từ 18/1 đến 3/3 âm lịch.

Bài và ảnh: Thảo Linh

(Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn “Thanh Hóa- Di tích và thắng cảnh”, NXB Thanh Hóa; “Đền Sòng Sơn và sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh”, tác giả Trần Đức Hậu, NXB Thanh Hóa, 2019”).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]