(vhds.baothanhhoa.vn) - Đến hẹn lại lên, mỗi năm một lần, Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh lại tổ chức xét giải thưởng VHNT. Năm 2022 là năm "được mùa" khi số tác phẩm tham dự nhiều hơn về số lượng, cao hơn về chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công thì vẫn còn đó những suy tư về sự thiếu vắng các gương mặt trẻ.

Rộn ràng mùa giải thưởng văn học - nghệ thuật

Đến hẹn lại lên, mỗi năm một lần, Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh lại tổ chức xét giải thưởng VHNT. Năm 2022 là năm “được mùa” khi số tác phẩm tham dự nhiều hơn về số lượng, cao hơn về chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công thì vẫn còn đó những suy tư về sự thiếu vắng các gương mặt trẻ.

Rộn ràng mùa giải thưởng văn học - nghệ thuậtTriển lãm Người đàn bà đi tới mặt trời của họa sĩ Đỗ Chung tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tháng 10/2022.

Nhiều điểm mới

Đây là năm đầu tiên Hội VHNT tỉnh thực hiện quy chế xét giải thưởng mới. Đó là trên thang điểm 100 quy định rõ về chủ đề tư tưởng, chất lượng nghệ thuật, hình thức, sức lan tỏa, các tác phẩm được hội đồng sơ khảo đánh giá một cách khách quan, khoa học.

Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, nhà lý luận phê bình Thy Lan khẳng định: Năm nay mùa giải rộn ràng, đông đảo hội viên, tác giả tham gia. Trong quá trình xét giải, tác phẩm được xem là tiêu chí hàng đầu, đồng thời xem xét cả quá trình vươn lên, mức độ cống hiến để ghi nhận vai trò của từng hội viên, giúp cho các hội viên trẻ hăng hái hơn, hội viên già cũng gia tăng nhiệt huyết thi đua có nhiều sáng tác mới và thiết thực phục vụ đời sống chính trị, văn hóa, VHNT của tỉnh Thanh, hội nhập và khẳng định vị thế với phong trào chung của VHNT cả nước.

Chị cũng cho biết thêm: Lần xét tác phẩm này, có sự khác biệt so với mùa giải trước là xét cho 18 tháng (trong đó các tác phẩm xuất bản/in/trưng bày từ 1/1/2022 đến 30/6/2022 là xét quy chế cũ, từ 1/7/2022 đến 30/6/2023 là xét theo quy chế mới). Do giao thời 2 quy chế việc thay đổi mốc thời gian xét giải 1 năm tròn trong năm từ ngày 1/1 năm trước đến ngày 1/1 năm tiếp theo, sang từ ngày 30/6 năm trước đến 30/6 năm sau, nên hội đã đề xuất tỉnh và được phê duyệt áp dụng 2 quy chế để đảm bảo quyền lợi hội viên có tác phẩm với tinh thần “không để ai bỏ lại phía sau".

Vẫn còn những suy tư, trăn trở, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Công Bình cho rằng: Quy chế xét giải thưởng năm nay quy định nếu có giải quốc gia, quốc tế thì không được xét giải thưởng hằng năm. Đây là điều khác với mọi năm, là vô lý và làm khó anh em nhiếp ảnh.

Chưa thấy được gương mặt mới

Trong số 83 tác phẩm của 70 tác giả và 13 nhóm tác giả tham dự xét giải thưởng năm 2022 có khoảng 10 tác phẩm không xét giải vì vi phạm quy chế. Nếu chỉ nhìn vào con số thì chúng ta thấy đây là một tín hiệu khả quan, vì trên 70 tác phẩm đạt giải là số lượng không nhỏ, thể hiện sức làm việc, khả năng sáng tạo và đặc biệt là quá trình hành nghề của văn nghệ sĩ.

Rộn ràng mùa giải thưởng văn học - nghệ thuậtTác phẩm “Giọt mật mùa xuân” của Nguyễn Hồng Thủy đạt giải khuyến khích tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ lần thứ 29 năm 2023.

Nhưng cũng vì thế mà hầu hết gương mặt tác giả là những người quá quen thuộc. Đó là Văn Đắc, Lâm Bằng, Nguyễn Minh Khiêm... (chuyên ngành thơ); Từ Nguyên Tĩnh, Nguyễn Văn Đệ, Viên Lan Anh... (văn xuôi); Trần Mạnh Tùng, Trương Hải Thọ, Hàn Văn Hải... (sân khấu); Hỏa Diệu Thúy, Lê Quang Sinh, Lê Xuân Soan, Lê Xuân Đồng... (lý luận phê bình); Đỗ Chung, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Hoàng Linh... (mỹ thuật); Hoàng Bá Tường (văn nghệ dân gian); Đỗ Hoài Nam, Nguyễn Đồng Tâm, Văn Cốc, Lê Mạnh Thống (âm nhạc)...

Đây có lẽ không nằm ngoài suy tính của những người quan tâm đến đời sống VHNT tỉnh nhà. Tuy nhiên lại cũng là nỗi trăn trở: Tìm đâu ra gương mặt mới?

Ban âm nhạc hiện có 60 hội viên, trong đó hội viên cao tuổi nhất là nhạc sĩ Văn Hòe năm nay đã 95 tuổi và người trẻ nhất là Đạt Lương, hiện là giáo viên âm nhạc ở huyện Như Thanh. Với nỗ lực tìm kiếm gương mặt mới, trong 2 năm vừa qua, có 5 cá nhân đã được kết nạp vào ban âm nhạc. Năm 2022, ban âm nhạc có 6 tác phẩm được xét giải thưởng hàng năm. Theo nhạc sĩ Đỗ Hoài Nam: Nhìn chung các tác phẩm: Ma Hao vọng ngàn, Tự hào doanh nhân quê Thanh; Người kéo lưới cùng dân; Kỷ niệm trường xưa, Về lại chiến trường xưa, Quê tôi lời mẹ ru có chất lượng khá đồng đều; phong phú về đề tài, đặc biệt là đề tài văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Cũng trong câu chuyện về đội ngũ văn nghệ sĩ, ban nhiếp ảnh hiện có 32 hội viên, nhưng hiện đang hoạt động thường xuyên là 16 người, hoạt động tốt chỉ có 6 người. So với các năm trước, năm 2022 được đánh giá là năm Ban Nhiếp ảnh Thanh Hóa có nhiều hoạt động chất lượng. Điển hình là Trung ương Hội NSNA Việt Nam tặng “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp nhiếp ảnh Việt Nam” cho NSNA Trần Đàm; trao bằng khen cho Chi hội NSNA Việt Nam tại Thanh Hóa, NSNA Lưu Trọng Thắng và Lê Công Bình; Giải C, Giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc năm 2022 cho sách ảnh “Xứ Thanh vẻ đẹp bất tận” của Lưu Trọng Thắng, 1 HCV “Bức tranh vùng cao” (NSNA Lê Công Bình) của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế FIAT; “Thi công hầm Thung Thi” của Ngô Thanh An đạt HCĐ, “Giọt mật mùa xuân” của Nguyễn Hồng Thủy đạt khuyến khích và 13 tác phẩm của hội viên ban Nhiếp ảnh Hội VHNT Thanh Hóa được trưng bày tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ.

Tại giải thưởng VHNT hàng năm, ban nhiếp ảnh có 4 tác giả tham dự, ngoài 2 cái tên Lê Công Bình, Lưu Trọng Thắng thì Ngô Thanh An và Nguyễn Hồng Thủy là hai gương mặt khá mới. Đặc biệt, Nguyễn Hồng Thủy khá có duyên với giải thưởng. Anh là tay máy mới nhưng có niềm đam mê nhiếp ảnh từ nhỏ. Có thể khẳng định, với những bức ảnh như: Đêm cầu Nguyệt Viên, Một dải biên cương, Tổ quốc bên bờ sóng, Thi công hầm Thung Thi được trưng bày cấp quốc gia và giải thưởng khu vực, cũng như trong tỉnh, đã cho thấy quá trình tìm tòi và bứt phá của anh. Với tác phẩm “Nét đẹp lao động của một lão nông tại Thừa Thiên Huế”, anh đã được hội đồng sơ khảo và chung khảo Giải thưởng VHNT năm 2022 đánh giá cao.

Đó cũng là câu chuyện của ban lý luận phê bình. Nhà lý luận phê bình Trịnh Vĩnh Đức cho biết: “Thật quá khó để tìm ra nhân tố mới, trong những năm vừa qua chúng tôi cũng nỗ lực tìm và kết nạp các cây bút trẻ vào ban lý luận phê bình. Tuy nhiên, với người trẻ, họ phải phân tán thời gian cho nhiều hoạt động nên chưa có sự đầu tư trong việc nghiên cứu, và tập hợp bài viết để cho ra những tác phẩm dày dặn”.

Những gương mặt quá quen nhưng vẫn là lực lượng chủ chốt trong lao động và sáng tạo nghệ thuật. Mỗi mùa giải đi qua là sự mỏi mắt chờ đợi một gương mặt mới, một cá tính mới.

Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]