(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm trên trục đường Thiên Lý xưa kia, đèo Ba Dội trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn của xứ Thanh không chỉ nằm ở vị trí trọng yếu về quân sự. Đây còn là thắng cảnh thiên tạo đắm say lòng người, khiến bao bậc tao nhân mặc khách qua đây không khỏi rung động để rồi tức cảnh sinh tình. Trở về thăm lại đường Thiên Lý - đèo Ba Dội, qua thời gian dẫu cảnh sắc đã có những đổi thay nhưng dấu tích người xưa thì như đã “tạc” vào không gian, để lại cho đời những chuyện kể.

Thăm đường Thiên Lý - đèo Ba Dội: Nghe chuyện kể người xưa

Nằm trên trục đường Thiên Lý xưa kia, đèo Ba Dội trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn của xứ Thanh không chỉ nằm ở vị trí trọng yếu về quân sự. Đây còn là thắng cảnh thiên tạo đắm say lòng người, khiến bao bậc tao nhân mặc khách qua đây không khỏi rung động để rồi tức cảnh sinh tình. Trở về thăm lại đường Thiên Lý - đèo Ba Dội, qua thời gian dẫu cảnh sắc đã có những đổi thay nhưng dấu tích người xưa thì như đã “tạc” vào không gian, để lại cho đời những chuyện kể.

Thăm đường Thiên Lý - đèo Ba Dội: Nghe chuyện kể người xưaĐứng từ trên đèo Ba Dội, nhìn xuống phía dưới là hồ Cánh Chim mang vẻ đẹp tĩnh lặng.

Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn (NXB Thuận Hóa, năm 2006) viết về dãy núi Tam Điệp đại ý: Tam Điệp ở địa phận Tổng Trung Bạn, phía Bắc huyện Tống Sơn. Núi từ huyện Thạch Thành chạy lại, chắn ngang bờ biển, là yết hầu giữa Nam và Bắc, là nơi đường trạm chạy qua. Núi có ba ngọn: một ngọn ở phía Tây Bắc Thanh Hóa, thế núi hơi phẳng; một ngọn chót vót cao ở giữa, là nơi chia địa giới hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình; một ngọn đi tới địa phận Ninh Bình, thế núi dần phẳng thấp, nên gọi là Tam Điệp.

Đèo Ba Dội là địa danh nằm trong vùng “nhất bách lục sơn” (tức dải núi có 106 ngọn) thuộc dải Tam Điệp hùng vĩ, trùng điệp - ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình. Khi xưa đường Thiên Lý qua đây vô cùng hiểm trở, có dạng thắt cổ bầu, uốn lượn, len lỏi qua những khe núi, vách đá dựng đứng, tạo nên địa thế chiến lược lợi hại vô cùng. Và đó cũng là cơ sở để tạo nên phòng tuyến Ba Dội (Tam Điệp) trong lịch sử.

Tại sao lại có tên “Ba Dội”? Theo cách lý giải của người dân địa phương, con đường đèo gồm ba đèo nối tiếp nhau, mỗi đèo là một núi và mỗi núi người dân nơi đây gọi là một “dội”, vì thế nên có tên đèo Ba Dội.

Lương y Lê Hữu Trác khi kể về chuyến “lai kinh” chữa bệnh cho chúa Trịnh trong cuốn Thượng Kinh ký sự cũng nhắc đến đèo Ba Dội với sự hoang vu, hiểm trở: “Bắt đầu trèo từ lúc gà gáy tàn canh mãi cho đến khi mặt trời lặn mới xuống đến khỏi núi...”.

Còn “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương một lần qua đèo Ba Dội cũng không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ nhưng tuyệt đẹp: “Một đèo, một đèo, lại một đèo/ Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo/... Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc/ Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo/ Hiền nhân quân tử ai mà chẳng/ Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo”. (Đèo Ba Dội, Thơ Hồ Xuân Hương, NXB Văn học).

Hay Đại thi hào Nguyễn Du cũng không quên ghi lại xúc cảm trong một lần quay lại đèo Ba Dội với những vần thơ đầy tâm trạng của kẻ viễn khách trong bài thơ “Tái du Tam Điệp sơn” (Lại qua núi Tam Điệp): Vân tế sơn Tam Điệp/ Thiên nhai khách tái du/ Nhãn trung thu đại địa/ Hải ngoại kiến ngư chu/ Chướng tĩnh phong loan sấu/ Thiên hàn thảo mộc thu/ Hành nhân hồi khán xứ/ Vô ná cố hương sầu (dịch nghĩa: Đèo Ba Dội cao ngất/ Khách xa lại tới thăm/ Cái nhìn gom trời đất/ Thuyền cá biển xa xăm/ Sương tan núi trơ trọi/ Trời lạnh cây cỏ dàu/ Người khách ngoái nhìn lại/ Nhớ nhà càng thêm sầu).

Đặc biệt, vua Thiệu Trị - một vị vua nhà Nguyễn nổi tiếng lãng mạn, năm 1842 trong chuyến tuần du ra phía Bắc, lúc qua đây đã tức cảnh sinh tình làm bài thơ “Quá Tam Điệp sơn” (Qua núi Tam Điệp) với những vần thơ đầy hào sảng. Ngày nay, men theo con đường Thiên Lý huyền thoại lên đỉnh đèo Ba Dội, du khách sẽ bắt gặp nhà bia Ba Dội, nơi có tấm bia đá khắc chữ Hán văn “Ngự chế thi nhất thủ” cùng với đó là bài thơ “Quá Tam Điệp sơn” của vua Thiệu Trị năm xưa.

Tuy vậy, như tạo hóa đã khéo léo sắp đặt để đường Thiên Lý - đèo Ba Dội nằm ở nơi địa thế chiến lược quan trọng. Vì vậy, nhắc đến địa danh này, không thể không nhắc đến vị thế chiến lược xưa. Trong đó, đặc biệt dưới thời nhà Tây Sơn, gắn liền với cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung tiến ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Theo sử liệu, sau khi Lê Chiêu Thống chạy sang phương Bắc cầu cứu nhà Thanh, tháng 10-1788 quân Thanh tiến xuống xâm lược nước ta. Khi kẻ xâm lược chiếm được Thăng Long, quân nhà Tây Sơn do Ngô Văn Sở lãnh đạo đã theo kế của Ngô Thì Nhậm rút về Tam Điệp phòng thủ, chờ đại quân của vua Quang Trung kéo ra.

Với quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi nước Việt, ngày 20 tháng Chạp năm 1788, đại quân của vua Quang Trung đã tiến ra đến Tam Điệp, hội quân cùng Ngô Văn Sở. Tin tưởng vào lực lượng quân sĩ được Nhân dân ủng hộ, vua Quang Trung đã tuyên bố chắc chắn: “Nay ta tới đây đốc việc binh, chiến thủ ra sao đã có phương lược định sẵn. Chỉ nội 10 ngày nữa thế nào cũng quét sạch giặc Thanh... Sang ngày mồng 7 ta sẽ cho vào thành Thăng Long mở tiệc ăn Tết Khai hạ. Các ngươi cứ nhớ lời ta xem có thực hay không” (Đại Nam liệt truyện, NXB Thuận Hóa). Và tại phòng tuyến Tam Điệp, những địa điểm đóng quân được quân Tây Sơn lựa chọn như động Cửa Buồng; động Đào Nguyên; động Quang Trung; cùng với đó là những Đình làng Gạo - nơi tập trung thóc lúa giúp nghĩa quân...

Sách Địa chí Bỉm Sơn (NXB Đại học Quốc gia, 2020) đã viết về phòng tuyến Tam Điệp: “Trong ba điểm trên thì thượng đạo Phố Cát đã bế tắc không đi được nữa, con đường Thần Phù qua Thiếp Giáp sơn thì đồi núi hiểm trở khó đi. Điểm qua cửa Tam Điệp, còn gọi là “Kẽm Đó” hay “Lỗ Đó” là vị trí quan trọng nhất. Nếu quân địch chiếm được thì mới có thể tiến quân nhanh... Vị trí cửa quan này được sử sách gọi là một “cửa ải trọng yếu của Thanh Hóa” hay “cửa họng giữa Bắc - Nam”. Đây cũng là con đường Thiên Lý được mở rộng để thông thương Bắc Nam. Vì thế, kế sách phòng thủ để chặn đánh địch là vô cùng lợi hại... Có thể nói, trong cuộc lui quân về lập phòng tuyến Tam Điệp, quân Tây Sơn không chỉ dựa vào thế thiên nhiên thuận lợi, mà phía sau là cả một xứ Thanh bao la, dồi dào nhân tài vật lực có điều kiện tốt nhất cho việc nuôi quân... Với phòng tuyến Tam Điệp ở phía Bắc và đảo Biện Sơn ở phía Nam, những vị trí chốt giữ cho thấy đây là một cuộc lui quân kỳ diệu để bảo toàn lực lượng. Từ đây, đại quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã tấn công bất ngờ, giáng những đòn sấm sét đập tan 29 vạn quân Thanh, đuổi chúng tháo chạy khỏi bờ cõi nước ta mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789”.

Qua thời gian, đường Thiên Lý giờ đây không còn là con đường độc đạo hiểm trở khi xưa. Cảnh quan hai bên đường cũng bớt đi những hoang vu, lau lách. Thay vào đó, là những vạt đồi núi đẹp đẽ, xanh mướt bởi những dứa, vải, nhãn... Lên đèo Ba Dội, đứng giữa một vùng không gian thiên nhiên cao xanh và rộng lớn, không xa phía dưới là hồ Cánh Chim tĩnh lặng... ta thấy lòng mình được rộng mở với những xúc cảm thật đặc biệt. Có điều gì đó, như “gạch nối” giữa quá khứ - hiện tại và tương lai vẫn đang được viết nên, bởi lòng biết ơn và trân trọng.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]