(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian qua công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể là một trong những nhiệm vụ được ngành văn hoá tỉnh Thanh Hoá quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, không chỉ làm phong phú thêm đời sống văn hoá của người dân mà còn đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội.

Thanh Hoá quan tâm giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể

Thời gian qua công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể là một trong những nhiệm vụ được ngành văn hoá tỉnh Thanh Hoá quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, không chỉ làm phong phú thêm đời sống văn hoá của người dân mà còn đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội.

Thanh Hoá quan tâm giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể

Đồng bào dân tộc Mường (Ngọc Lặc) quan tâm giữ gìn bản sắc văn hoá.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 7 dân tộc anh em (Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú) cùng sinh sống đan xen nhau, đã tạo nên kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú. Để phát huy giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là tạo ra các sản phẩm văn hóa phi vật thể đặc trưng đóng góp vào sự phát triển của ngành kinh tế du lịch, những năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa phi vật thể gắn với hình ảnh địa phương tại nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội tiêu biểu. Đồng thời, luôn theo sát nghệ nhân, những “báu vật sống” lưu giữ di sản văn hóa để giúp họ thực hành, truyền dạy và có trách nhiệm hơn với di sản mình đang nắm giữ.

Đặc biệt, các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc duy trì, phát triển các giá trị văn hóa phi vật thể được đẩy mạnh. Việc triển khai có hiệu quả các dự án, đề án phục hồi, phục dựng và phát huy giá trị di sản phi vật thể gắn với phát triển du lịch cộng đồng và phát huy giá trị các di tích tiêu biểu của địa phương cũng được quan tâm thực hiện.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 14 di sản đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Trò Xuân Phả, xã Xuân Trường (Thọ Xuân); Trò diễn Pôồn Pôông, xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc); Lễ hội Trò Chiềng, xã Yên Ninh (Yên Định); Lễ hội Kin chiêng Boọc Mạy, xã Xuân Phúc (Như Thanh); Trò diễn dân gian Ngũ trò Viên Khê, xã Đông Anh (Đông Sơn); Lễ hội Cầu Ngư, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc); Nghề đúc đồng làng Chè (Trà Đông), xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa); Lễ hội đền Độc Cước (TP Sầm Sơn); Lễ hội Mường Ca Da (Quan Hóa); Lễ hội đền Mưng, xã Trung Thành (Nông Cống); Xường dao duyên, nghệ thuật trình diễn dân gian hát Sắc Bùa của người Mường (Ngọc Lặc); Lễ hội Mường Xia, xã Sơn Thủy (Quan Sơn), Lễ hội Bà Triệu, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc).

Thanh Hoá quan tâm giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể

Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Mưng, xã Trung Thành (Nông Cống).

Xác định được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nhiều địa phương đã có chính sách hỗ trợ khôi phục, phát huy, gìn giữ vốn văn hoá phi vật thể. Trong đó, huyện Ngọc Lặc có nhiều di sản văn hoá phi vật thể đã được kiểm kê và đề xuất các biện pháp bảo tồn như: Mo Mường, Phường chúc (phường Sắc Bùa), Hát ru (dân tộc Mường); Tết nhảy, Lễ cấp sắc, hát ru (dân tộc Dao); Kin chiêng boọc mạy, phấn trá, hát ru (dân tộc Thái); hệ thống truyện kể: Nàng con côi, Ải long chòng, Con Tấm con Mẳn, Thằng Gió, Trứng lầm tấm, Hai chị em kén chồng, Nàng Da da mái lúa; Truyện thơ, Nàng Nga - Tạo Hai Mối; Út Lót - Tạo Hồ Liêu; Nàng Ờm - Chàng Bồng Hương; hệ thống truyện cười dân gian Mường Yến; và các trò diễn dân gian như ném còn, kéo co, bắn nỏ, đánh mảng, đánh cù, đâm đuống, khua luống, đi cà kheo... Hằng năm, huyện tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh, các cơ quan Trung ương tổ chức từ 2-3 lớp tập huấn để truyền dạy di sản văn hóa trò diễn Pồn Pôông cho người dân.

Huyện Quảng Xương đã chỉ đạo phục hồi một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể từng bị mai một như: Trò diễn Tú Huần, Hát Quân thuyền, hát nhà trò Văn Trinh, lễ hội bơi chèo chải, lễ hội đánh cờ người... Các loại hình nghệ thuật được phục dựng đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, sinh hoạt của người dân địa phương.

Có thể khẳng định, đến thời điểm này, nhiều di sản văn hóa phi vật thể ở Thanh Hoá đã được bảo tồn hiệu quả. Trong đó, có không ít di sản đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho Nhân dân và gìn giữ, phát huy những giá trị di sản quý báu mà ông cha để lại.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]