(vhds.baothanhhoa.vn) - Thiền định luôn là giải pháp hữu hiệu để cân bằng tâm trí. Thiền ngữ lại là một ý tưởng hay cho những ai vừa muốn giải trí vừa muốn tỉnh thức. “52 thiền ngữ thức tỉnh cho người bận rộn” như những ly trà nhỏ, ấm nóng, chậm rãi, khiến lòng người ngỡ ngàng nhận ra bao điều: Hình như là như thế, hình như là phải thế...

Thiền ngữ thức tỉnh cho người bận rộn

Thiền định luôn là giải pháp hữu hiệu để cân bằng tâm trí. Thiền ngữ lại là một ý tưởng hay cho những ai vừa muốn giải trí vừa muốn tỉnh thức. “52 thiền ngữ thức tỉnh cho người bận rộn” như những ly trà nhỏ, ấm nóng, chậm rãi, khiến lòng người ngỡ ngàng nhận ra bao điều: Hình như là như thế, hình như là phải thế...

Thiền ngữ thức tỉnh cho người bận rộn

Nhịp sống bận rộn khiến trái tim trĩu nặng. Dường như trái tim cũng giống như một căn phòng chất chứa quá nhiều đến nỗi không biết cần phải buông bỏ điều gì.

Sách của Shinsuke Hosokawa viết, Ayako Tanimaya minh họa đã nói rằng: Một lời thiền sẽ loại bỏ làn sương che mờ trái tim và phục hồi sự bình lặng vốn có trong tâm trí.

Sách cũng được ví như một bức tranh thiền 4 mùa xuân - hạ - thu - đông. 52 thiền ngữ tương ứng với 52 tuần. Đi qua 4 mùa như một vòng tuần hoàn, trôi chảy không ngừng. Chỉ có sự ngưng lặng giữa những dòng chữ mới khiến tâm trí trở nên bình thản hơn mà thôi.

Tác giả vốn là một tăng lữ của tông phái thiền, hiện đang ở một ngôi chùa tại Tokyo. Ngôn ngữ dùng để truyền đạt giáo lý của thiền, người ta gọi là thiền ngữ.

Thiền ngữ không bị giới hạn bởi thời gian. Tại sao lại là 52 mà không phải là con số nào khác? Trong Phật giáo, người ta nói rằng phải trải qua 52 bậc thang để đạt đến sự giác ngộ. Thiền ngữ cũng không có khái niệm thế nào là giải thích đúng, mà chỉ là đạt đến trạng thái tĩnh lặng. Những khoảng lặng không lời, vô ngôn chính là khoảng không bao la cho tâm trí trống rỗng. Điều đó mới làm nên giá trị của thiền ngữ.

Thiền sư thường ví sự giác ngộ cũng giống như mặt trăng, và thiền ngữ là ngón tay chỉ trăng. Con người thường có xu hướng quá chú tâm vào ngón tay, nhưng điều quan trọng lại là trái tim của bạn.

Khi suy ngẫm thiền, trái tim bạn mách bảo điều gì, trải qua 52 thiền ngữ, bạn nhận ra điều gì, đó mới là cuộc hành trình đáng nói.

Mùa xuân luôn là sự khởi đầu. Hãy lắng nghe tác giả nói: “Trong cuộc sống hàng ngày sự thật luôn hiện diện trong thiên nhiên quanh ta. Hãy lắng nghe tiếng nói của chân lý ấy”. Hãy cảm nhận và tìm kiếm nó. Do vậy, hãy sống với tâm trí rằng mỗi cuộc gặp gỡ là cơ hội duy nhất trong đời. Có vậy mới không sống hoài sống phí trong từng khoảnh khắc.

Tất cả chúng sinh từ trên trời cho đến sâu thẳm lòng đất đều là sự tồn tại quý giá. Sức nặng cuộc sống của mỗi cá nhân không có quá nhiều sự khác biệt. Tất cả chúng ta đang sống trong những khoảnh khắc không thể thay thế được. Không có hội ngộ là trùng hợp. Mọi thứ đều có thời điểm phù hợp của nó. Những điều tốt đẹp sẽ chắp cánh ước mơ của bạn, còn những điều tồi sẽ trở thành những thử thách nhỏ.

Thiền ngữ “Khi bạn biết chính mình, bạn sẽ không quan tâm đến người khác nghĩ gì” thực sự có ý nghĩa với những ai đang muốn định hình lại giá trị của chính mình. Có hoa anh đào nở sớm, có hoa nở muộn. Cũng có cành ngắn lại có cành dài. Vậy thì so sánh chúng để làm gì, hoặc giả so sánh mình với chủ thể khác để làm gì? Từng bông, từng bông nếu có thể bung nở khoe sắc, thì đều là đáng mừng. Triết lý ấy thêm một lần sáng tỏ: đừng vì cái tôi của bản thân mà nỡ lòng giẫm đạp lên thành tựu của người khác, lại cũng đừng vì đánh giá quá cao bản thân mà nỡ dìm người khác xuống. Mọi vật đều có giá trị riêng của nó, khôn ngoan nhất vẫn là tự mình hoàn thiện giá trị của chính mình. Điềm tĩnh hơn là quan sát xung quanh để tự tích lũy và hoàn chỉnh bản thân mà thôi.

“Như dòng nước chảy hãy sống mà không dừng lại” là một triết lý sống đầy tích cực lạc quan. Biết bao người đã nói về sức mạnh của nước. Người quân tử đối đãi với nhau như nước nhạt. Nước chảy đá mòn. Còn ở đây, thiền ngữ lại dùng đến một hình ảnh: nước chảy từ cao xuống thấp, vô ưu vô lo, không mong báo đáp gì, không cầu cạnh điều gì. Hãy sống hồn nhiên như nước, tự do, mạnh mẽ và tiến về phía trước. Tôi chợt nhận ra, dòng vô thủy vô chung ấy ngàn đời vẫn vậy, khi sức mạnh tự thân và đầy tự tin thì có lẽ, nước chảy và đá sẽ mòn, như một tất yếu. Tuy nhiên chính sự vô ưu ấy mới làm nên sức mạnh thật sự, hữu tình mà cũng thật vô ý. Ngẫm ra, sự vô thường cũng là lẽ ấy chăng. Có cũng là không, không cũng là có. Tưởng nắm bắt thật chặt trong tay mở ra lại không có gì. Tưởng là buông tất thảy mà kỳ thực lại là hữu duyên sanh kỳ ngộ, lại tình cờ có rất nhiều điều. Lần đầu tiên sức mạnh của thiền ngữ hiện diện rõ đến vậy trong tôi.

“Tìm lại trái tim thưở ban sơ mà ta đã lãng quên” là cái kết đầy ám gợi của cuốn sách này. Hóa ra trải nghiệm nhiều có đôi khi làm ta nặng trĩu. Hãy làm trống trái tim mình, để đôi khi tâm thức cất lời, dẫn dắt bước chân ta. Lý trí quá chưa hẳn là điều tốt, trái tim, cái tâm mới là điều quan trọng chứ chưa hẳn là kỹ năng. Bởi vậy mà tao nhân, cổ nhân xưa đã nói: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài, là thế chăng?

52 thiền ngữ có thể dùng cho 52 tuần trong 1 năm, cũng có thể dùng nhâm nhi cho cả một đời người. Dẫu sao thì cũng chưa ai nói trải qua 52 bậc thang để giác ngộ cụ thể là những bậc nào, chỉ biết rằng mỗi ngày đang sống hãy là ngày trọn vẹn trong từng phút giây ấy là lạc đạo lắm rồi!

Nguyễn Hường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]