(vhds.baothanhhoa.vn) - Xuân lại về. Cơn mưa phùn bất chợt đến rồi bất chợt đi, để lại những giọt nước mát lành đọng long lanh trên những mầm ngải đắng.

Thương mùa ngải đắng

Xuân lại về. Cơn mưa phùn bất chợt đến rồi bất chợt đi, để lại những giọt nước mát lành đọng long lanh trên những mầm ngải đắng.

Thương mùa ngải đắng

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Mùa xuân dịu dàng đã về. Những vạt nắng non mang theo hơi ấm xua đi cái cảm giác rét mướt âm u, buồn bã của mùa đông. Làn mưa bụi mỏng manh giăng mành trên khắp núi đồi, ruộng nương. Mưa giăng như tơ, mưa êm như mơ. Mưa thấm dần vào lớp bùn non bao quanh bờ ruộng làm cho các mầm rau ngải đắng ngủ quên suốt mùa đông bừng tỉnh giấc. Chúng khe khẽ vươn vai, lách người chui lên khỏi mặt đất, hé những búp xanh ngơ ngác nhìn ngắm bầu trời. Ngắm nhìn những mầm rau tươi non lấp lánh vài giọt mưa đọng trên lá, bất chợt tôi lại thương lắm những mùa rau ngải đắng đã đi qua cuộc đời mình, nhớ bát canh có vị đắng nhăng nhẳng nhưng thấm đẫm tình yêu thương của mẹ tôi những ngày ấu thơ.

Ở quê tôi, khi mùa xuân về các loài rau dại đua nhau mọc lên với đủ sắc màu. Từng đám dền cơm, dền chấu mọc lúp xúp đủ loại lá đỏ, lá xanh cho ta những bát canh ngọt lịm. Những khóm rau sam điệu đà, thân và lá mọng nước màu tím phớt xanh. Rau xương cá bé li ti, xinh xắn, bò vấn vít quanh các bãi đất ven bờ suối... Nhưng loài rau có sức sống mãnh liệt nhất, bền bỉ nhất có lẽ là loài rau ngải đắng. Đám thân ngầm của chúng lặng lẽ len lách trong lòng đất, trong sỏi đá mà vươn ra xa, chắt chiu từng chút mỡ màu để dâng cho con người những mầm rau non mướt thẫm xanh suốt bốn mùa.

Ngày xưa, quê tôi cũng như bao làng quê khác. Cuộc sống với bao khó khăn thiếu thốn. Xóm núi nhỏ bé của tôi với những nếp nhà nhỏ nằm nép mình bên dãy núi đá vôi thâm u, tịch mịch, bốn mùa mây giăng trắng xóa. Con đường nhỏ gập ghềnh chạy ngang qua xóm nghèo. Nơi đây vừa hẻo lánh vừa xa bệnh viện, thuốc men khan hiếm nên rau ngải đắng chính là thứ thuốc nam mẹ dùng thường xuyên trong gia đình. Mẹ trồng một vườn ngải đắng cạnh nhà. Ngày ngày, mẹ phân công anh em tôi thay nhau chăm bẵm tưới tắm nên luống rau lúc nào cũng xanh tốt bời bời. Vườn ngải đắng của mẹ vừa được dùng làm rau ăn hàng ngày, vừa làm thuốc không chỉ cho riêng gia đình tôi mà cho cả bà con xóm nghèo bên cạnh.

Đám trẻ con chúng tôi vốn hiếu động với biết bao trò nô đùa, nghịch ngợm. Bao lần trốn nhà rong ruổi, bêu nắng, đánh trận giả để rồi không ít lần chân tay bị thương xước xát, rớm máu và những trận cảm nắng sốt cao li bì. Những lúc như vậy mẹ lại tất tả ra vườn hái nắm rau ngải đắng rồi đem về sao nóng cùng ít cám gạo để chườm vết thương, đánh cảm cho các con. Bao năm đã trôi qua, nhưng sao tôi vẫn không thể quên hình ảnh mẹ ngồi bên ngọn đèn dầu tù mù chập chờn trông các con ốm và cảm giác ấm áp khi được gối đầu lên lòng mẹ. Cảm nhận hơi ấm từ bàn tay dịu dàng của bà qua túi chườm ngải đắng. Rồi không biết do túi thuốc mẹ chườm hay do tình yêu thương của mẹ, mà chỉ sau một giấc ngủ, sáng sớm hôm sau những cơn đau đã tan biến như một phép màu.

Mùa đông nơi miền sơn cước khắc nghiệt vô cùng. Những ngày rét đậm, sương muối phả ra nghi ngút, phủ trắng núi đồi. Cây cối cứ dần dần lụi tàn theo từng đợt sương giá. Những đám rau cải nương, rau khoai lang lá cứ sắt lại, úa vàng, cháy xém rồi chết khô, duy chỉ có loài rau đắng vẫn miên man xanh ngăn ngắt trong sương mù giá rét. Mầm rau cứ len lỏi, cứ vươn ra, bò vào tận gầm nhà sàn. Những mầm rau nhỏ bé ấy được bà, được mẹ hái về thái mỏng, xào với chút mỡ và dăm ba quả trứng gà. Thoạt đầu mới ăn ta sẽ phải nhăn mặt bởi vị đắng nhăng nhẳng, hăng hắc của nó, nhưng khi ăn xong vị ngòn ngọt, thơm thơm dễ chịu cứ lưu lại mãi nơi đầu lưỡi. Món canh rau ngải đắng không phải ai cũng biết ăn, nhưng đã ăn rồi lại đâm nghiện, rồi càng ăn càng thương nhớ mãi không thôi. Ngải đắng giúp cho mắt người già thêm sáng, đôi chân các mẹ các chị thêm dẻo dai và đôi má phúng phính của những đứa trẻ miền sơn cước thêm hồng hào. Cha thường bảo: “Đã là người miền núi thì phải biết đến món rau ngải đắng".

Cha tôi rời quân ngũ trở về quê hương với chiếc ba lô bạc màu và những vết thương ẩn trong lồng ngực. Tôi nhớ những ngày mưa gió hay trời trở rét, vết thương nơi ngực cha lại hành hạ, khiến cha ăn không ngon, ngủ không yên. Những cơn đau triền miên khiến cha gầy xọp đi. Những lúc như vậy, mẹ lại nhìn cha xa xót. Mẹ lặng lẽ bắt con gà choai, làm sạch rồi nhồi một nắm ngải đắng cắt nơi vườn nhà, thêm nắm đậu xanh trộn gạo nếp, vài miếng tam thất rồi bắc lên bếp đun cách thủy. Lúi húi hết buổi sáng, mẹ cũng đun xong món canh tẩm bổ cho cha. Khi mùi ngải đắng thơm lừng bay khắp nhà, mẹ đỡ cha dậy, kiên nhẫn bón từng thìa nhỏ. Nhờ bát canh gà tần ngải đắng đậm tình yêu thương của mẹ mà cha đã vượt qua được những cơn đau hành hạ.

Chiều chiều, trong nồi nước tắm gội mẹ đun cho cả nhà, ngoài lá bưởi, lá sả, bao giờ cũng có thêm một nắm rau ngải đắng. Mẹ thường nói: “Tắm nước rau ngải đắng sẽ làm cho con người vừa sảng khoái vừa đỡ bệnh tật”. Có lẽ nhờ nồi nước thuốc bằng các thứ lá của mẹ mà ngôi nhà gỗ nhỏ của gia đình tôi lúc nào cũng phảng phất mùi thơm. Năm anh em tôi cứ thế lớn lên khỏe mạnh, săn chắc, dẻo dai như cây trên rừng, không mấy khi ốm đau bệnh tật, cũng không mấy khi phải dùng đến thuốc tây.

Sau này, khi mẹ đột ngột ra đi vì một cơn bạo bệnh, cha thẫn thờ hàng tháng trời. Mái tóc cha vốn đã bạc giờ càng thêm bạc. Tôi biết một nửa trái tim và tâm hồn cha đã theo mẹ về miền mây trắng. Có nỗi đau nào sánh bằng nỗi đau mất đi người bạn đời của mình. Có lúc anh em tôi bắt gặp cha đứng một mình cô đơn nơi vườn rau ngải đắng mẹ trồng, có lẽ cha đang nhớ món canh ngải đắng mẹ từng nấu khi còn sống. Nhớ những yêu thương ấm áp mà mẹ đã dành cho cha suốt những năm tháng hai người bên nhau. Ngải đắng vẫn miên man xanh, vẫn tỏa ra mùi thơm hăng hắc dễ chịu, chỉ có người ở lại mãi bạc đầu thương nhớ người đã ra đi về nơi cuối trời.

Xuân lại về. Cơn mưa phùn bất chợt đến rồi bất chợt đi, để lại những giọt nước mát lành đọng long lanh trên những mầm ngải đắng. Những mầm rau non xanh gieo vào lòng tôi chút bâng khuâng thương nhớ. Tôi như thấy thấp thoáng đâu đây bóng dáng mẹ lúi húi bên vườn rau ngải đắng. Bao giờ cho đến ngày xưa để tôi lại được sà vào lòng mẹ, hít hà mùi hương của loài rau thân quen tỏa ra từ đôi tay dịu hiền ấy.

Tản văn của BÙI THỊ HỒNG VÂN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]