(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nhiều năm trở lại đây, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn Thanh Hóa vẫn diễn ra phức tạp. Đáng nói là ngày càng xuất hiện nhiều điểm “nóng” khai thác thủ công kết hợp với máy bơm hút cát ngay trên đất ruộng canh tác của chính mình, gây những hậu quả nghiêm trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vẫn nhức nhối tình trạng cát tặc lộng hành

(VH&ĐS) Nhiều năm trở lại đây, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn Thanh Hóa vẫn diễn ra phức tạp. Đáng nói là ngày càng xuất hiện nhiều điểm “nóng” khai thác thủ công kết hợp với máy bơm hút cát ngay trên đất ruộng canh tác của chính mình, gây những hậu quả nghiêm trọng.

Cát tặc lộng hành

Qua tìm hiểu được biết, xã Thiệu Nguyên có 130 ha đất bãi bồi chạy dọc theo sông Chu, trong đó 70 ha đất canh tác cơ bản được chia cho người dân, diện tích còn lại là đất công ích được xã cho đấu thầu để sản xuất hoa màu. Sau khi được giao quyền khai thác mỏ cát số 5, Tổng Công ty XD và TM Hưng Đô được cấp phép khai thác mỏ từ năm 2009. Nhưng từ năm 2014 -2015 DN này đã khai thác ra phía bên ngoài mỏ cát cho phép khiến phần chân bãi bồi bị khoét sâu, gây sạt lở gần 12 ha đất nông nghiệp, nhiều đoạn sạt lở sâu vào thân bãi khoảng 80 - 90m. Người dân ở đây đã nhiều lần yêu cầu Tổng Công ty XD và TM Hưng Đô bồi thường phần hoa màu bị thiệt hại nhưng đến nay họ vẫn chưa giải quyết.

Tình trạng hút cát trái phép cũng diễn ra tương tự tại xã Phùng Giáo (Ngọc Lặc). Từ nhiều tháng qua người dân ở làng Bằng, xã Phùng Giáo ăn không ngon, ngủ không yên vì cát tặc. Không chỉ cày nát đường, phá giấc ngủ đêm của người dân, tình trạng khai thác cát sỏi còn gây sạt lở bờ sông và đe dọa nghiêm trọng đến cây cầu treo bằng thép mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhiều người dân ở đây bức xúc phản ánh: “Từ chỗ hoạt động lén lút, đến nay họ chuyển sang dùng máy bơm cát, máy xúc để lấy cát lên bãi. Hàng ngày có hàng chục lượt xe ben, xe tải đến chuyển cát đi tiêu thụ khiến cho cây cầu treo có nguy cơ đứt sập bất cứ lúc nào".

Không kể ngày lẫn đêm tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra ở nhiều địa phương gây nên những hậu quả nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 62 bãi tập kết cát, trong đó có 47 bãi có phép, còn 15 bãi trái phép, có 13 bãi chứa sản phẩm nạo vét của dự án nạo vét sông Lạch Trường.

Trên các tuyến sông hiện nay có 22 mỏ khai thác cát được UBND tỉnh cấp phép, trong đó có 6 mỏ tạm dừng khai thác. Tại các mỏ có thực hiện việc cắm mốc giới mỏ trên bờ, biển chỉ dẫn, tuy nhiên tình trạng khai thác ngoài phạm vi mỏ vẫn diễn ra, các phương tiện tàu thuyền vẫn hút cát trái phép ở lòng sông gây sạt lở. Có 16 đoạn bãi sông bị sạt lở chủ yếu do hút cát trái phép gây ra.

Liệu có giải quyết được?

Theo lãnh đạo phòng TNMT huyện Thiệu Hóa: Để giải quyết tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên địa bàn huyện là một bài toán cực kỳ khó khăn. Bởi dẹp được chỗ này thì họ đi chỗ khác, như “ném đá ao bèo”.

Những hệ lụy từ việc khai thác cát trái phép có thể nhìn thấy rõ. Tuy nhiên, vì lợi nhuận kiếm được từ hoạt động này dẫn đến thực trạng những người dân chỉ trông vào lợi ích cá nhân trước mắt mà bất chấp thiệt hại lâu dài.

Thực tế ở nhiều nơi cho thấy, việc khai thác cát không kiểm soát dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau như: Ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước và thay đổi dòng chảy dẫn đến sạt lở nghiêm trọng các bờ sông và khu dân cư ven sông. Nhiều các tuyến đê do chủ bãi cát sử dụng làm mặt đường vận chuyển cát sỏi quá tải làm mặt đê bị lún, nứt gãy ảnh hưởng đến an toàn đê điều, gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông và công tác hộ đê phòng, chống LB khi có sự cố xảy ra như đoạn từ K19+760-K25+730 đê hữu sông Chu, huyện Thọ Xuân. Đoạn K39+400-K42+247 đê hữu sông Chu, huyện Thiệu Hóa…

Nghiêm trọng hơn, tình trạng khai thác cát, sỏi làm nhiều điểm bị sạt lở đê điều, bờ sông cụ thể như: Tại xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa, Công ty Hưng Đô là chủ mỏ cát số 5, hút cát làm sạt lở đứng thành dọc bãi sông là đất canh tác của nhân dân và đất công ích của xã quản lý. Sạt lở bãi sông đoạn thượng lưu cầu Kiểu tương ứng K11+300 đê tả sông Mã, xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc dài 450m, cách chân đê 300m (gần khu vực mỏ cát số 40 của Công ty Nhất Linh). Bãi sông xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân phía hạ lưu kè Thượng Vôi tương ứng K13+100+K13+540 hữu sông Chu bị sạt 640m, hiện đang thi công xây dựng một đoạn kè đá dài 245m, còn 395m bị sạt lở đứng thành chưa được xử lý…

Những hệ lụy trước mắt cũng như tiềm ẩn lâu dài từ hoạt động khai thác cát bừa bãi đang gây ra những xáo trộn trong sản xuất và sinh hoạt của người dân. Các cấp, ngành chức năng và chính quyền địa phương sẽ có những biện pháp quyết liệt gì để chấm dứt thực trạng này đang là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm?

Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]