Về mô hình bán trú ở trường công lập bậc THCS
Mô hình bán trú ở trường công lập bậc THCS được xem là mô hình có nhiều ưu điểm, song không phải trường công lập nào cũng có thể xây dựng được mô hình này. Vậy đâu là “rào cản” khiến mô hình bán trú ở trường công lập bậc THCS trên địa bàn tỉnh khó được triển khai trên diện rộng.
Giờ ăn của học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Hồng Đức.
Mô hình thiết thực
Năm học 2023 - 2024, Trường Tiểu học, THCS và THPT Hồng Đức (trực thuộc Trường Đại học Hồng Đức) chính thức đi vào hoạt động. Ngôi trường liên cấp này đã xây dựng mô hình bán trú đối với 2 cấp học là tiểu học và THCS. Đây cũng là ngôi trường công lập đầu tiên trên địa bàn TP Thanh Hóa thực hiện mô hình bán trú ở bậc THCS.
Tại khu vực bán trú dành cho bậc THCS, phòng ăn và phòng ngủ được xây dựng tách biệt; có phòng ngủ riêng cho học sinh nam và nữ. Bước đầu đi vào hoạt động, mô hình đã được đông đảo phụ huynh đánh giá cao. “Tôi rất vui và yên tâm khi cho con tham gia bán trú tại đây”, chị Vũ Thùy Phương, phụ huynh em Nguyễn Vũ Gia Bảo, lớp 6C nói. “Với bậc THCS, thời gian nghỉ ngơi giữa 2 buổi học không nhiều nên nghỉ trưa tại trường giúp các con tiết kiệm thời gian hơn, có sức khỏe tốt hơn...”.
Do mới thành lập nên trong năm học 2023 - 2024, Trường Tiểu học, THCS và THPT Hồng Đức mới thực hiện bán trú ở cấp tiểu học là khối lớp 1 và cấp THCS là khối lớp 6. Năm học này, nhà trường có 120/206 học sinh khối lớp 6 tham gia bán trú.
Để thực hiện mô hình, lãnh đạo nhà trường đã tham quan một số mô hình bán trú ở trong và ngoài tỉnh. PGS.TS Ngô Xuân Lương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Mô hình bán trú ra đời trên cơ sở đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh, học sinh. Trước khi bắt tay thực hiện, chúng tôi đã đi tham quan mô hình ở Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm Đại học Vinh; Trường Tiểu học, THCS và THPT, trực thuộc Đại học Hà Tĩnh. Tại Thanh Hóa, riêng bậc THCS, chúng tôi tìm hiểu mô hình ở trường trọng điểm tại một số huyện, thị xã, thành phố. Thực tế, cho thấy, mô hình rất thiết thực”.
Đối với Trường THCS Nguyễn Du (Quảng Xương), cách đây 11 năm, mô hình bán trú đã ra đời tại đây, là một trong những trường THCS công lập có mô hình bán trú sớm nhất tỉnh. Tuy nhiên, có điểm khác đó là mô hình bán trú của nhà trường được thực hiện trước khi xây dựng trường điểm của huyện. Cô giáo Lê Thị Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, nhớ lại: “Khi nhà trường bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, cả thầy và trò thường ở lại buổi trưa, ăn cơm tại trường, rất vất vả. Bên cạnh đó, nhà trường cũng còn nhiều học sinh ở xa... Xuất phát từ điều kiện như vậy, huyện đã quan tâm, đầu tư xây dựng mô hình bán trú cho nhà trường. Lúc đầu, khu vực ăn và nấu cùng chung 1 phòng nhưng đã tách hẳn về sau này. Nói chung, khu vực bán trú cứ hoàn thiện dần và hiện tại, cơ sở vật chất đã tương đối đầy đủ, đáp ứng tốt nhu cầu bán trú của học sinh”.
Và câu chuyện quản lý học sinh bán trú
Quản lý học sinh bán trú bậc THCS, liệu có khó? Câu trả lời, phần lớn là khó ít, thuận nhiều. Trước đó, ở bậc tiểu học, đa số các em đã có thời gian ăn bán trú nên không nhiều bỡ ngỡ khi tiếp tục với mô hình bán trú ở bậc THCS. Tuy nhiên, đối với bậc THCS, khác hơn ở chỗ, đó là một môi trường mà học sinh phải rèn kỹ năng tự lập, tự giác nhiều hơn. Thầy giáo Lê Tiến Hùng, giáo viên môn Giáo dục công dân kiêm quản lý bán trú Trường THCS Nguyễn Du (Quảng Xương) cho biết: “Các em phải tuân thủ, thực hiện nội quy bán trú. Ai vi phạm phải chịu trách nhiệm. Đến giờ ăn cơm phải xếp hàng điểm danh, tự lấy khẩu phần ăn, ăn xong thì quét dọn phòng, lau chùi bàn ghế. Ngủ dậy, phải gấp chăn màn gọn gàng. Nhìn chung, khi tham gia bán trú, các em rất có ý thức và có trách nhiệm với chính bản thân, với tập thể”.
Nhân viên nhà bếp Trường THCS Nguyễn Du chia suất ăn cho học sinh.
Vì trường mới thành lập, nên với thầy giáo Lê Nam Dương, giáo viên chủ nhiệm lớp 6C kiêm trực bán trú Trường Tiểu học, THCS và THPT Hồng Đức, công việc bước đầu có những khó khăn. Theo chia sẻ của thầy Dương, do chưa có người phụ trách riêng về công tác quản lý bán trú mà chủ yếu người thực hiện lại là các thầy, cô đang trực tiếp giảng dạy nên đối với bậc THCS không tránh được hạn chế. Tuy nhiên, học sinh rất nghiêm túc trong thực hiện nền nếp. “Phần lớn học sinh đã thực hiện việc bán trú ngay từ khi còn ở bậc tiểu học nên các em có ý thức hơn trong chấp hành tốt nội quy, quy định”, thầy Dương cho biết.
Trên địa bàn tỉnh, ngoài trường phổ thông dân tộc bán trú THCS thì vẫn chưa có nhiều địa phương thực hiện mô hình bán trú ở trường công lập bậc THCS. Như đã đề cập, trường được gọi là trường điểm hay chất lượng cao cũng có mô hình này nhưng con số không nhiều. Mô hình thiết thực nhưng do phụ thuộc nhiều yếu tố nên để xây dựng mô hình bán trú ở trường công lập bậc THCS đòi hỏi sự nỗ lực, vào cuộc của cả nhà trường, gia đình và xã hội.
Bài và ảnh: Vi An
{name} - {time}
-
2024-11-24 13:12:00
Nhiều điểm mới quan trọng trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học từ 2025
-
2024-11-23 11:49:00
Trường xanh, lớp xanh...
-
2023-12-10 10:11:00
Giáo dục giới tính cho bạn trẻ: Đâu phải chuyện “vẽ đường cho hươu chạy”
Giáo dục giới tính cho bạn trẻ: Quan tâm, chia sẻ để bạn trẻ “đi” đúng đường
Thầy giáo vùng cao năng nổ, nhiệt huyết
Giáo dục giới tính cho bạn trẻ: Nhìn từ thực tế
Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở Trường Mầm non Thúy Sơn
Vẫn còn khó khăn khi thực hiện hướng dẫn mới về môn tích hợp
Nỗi niềm trường "chất lượng cao”: Tiếp tục hay dừng?
Nỗi niềm trường "chất lượng cao”: Khó thực hiện chính sách ưu đãi
Thăm Làng học sinh Mường Lát
Nỗi niềm trường "chất lượng cao”: Bình mới, rượu cũ?