(vhds.baothanhhoa.vn) - Tận dụng lợi thế về rừng tự nhiên và rừng trồng lớn, Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh mẽ nghề nuôi ong mật nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đã có nhiều sản phẩm mật ong của tỉnh được cơ quan chuyên môn chứng nhận tiêu chuẩn và người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, để phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế cho nghề nuôi ong mật đòi hỏi cộng đồng chủ thể sản xuất trong nghề cần “bắt tay” để xây dựng thương hiệu mạnh, khẳng định vị thế của sản phẩm mật ong Thanh Hóa trên thị trường.

Xây dựng thương hiệu cho mật ong

Tận dụng lợi thế về rừng tự nhiên và rừng trồng lớn, Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh mẽ nghề nuôi ong mật nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đã có nhiều sản phẩm mật ong của tỉnh được cơ quan chuyên môn chứng nhận tiêu chuẩn và người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, để phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế cho nghề nuôi ong mật đòi hỏi cộng đồng chủ thể sản xuất trong nghề cần “bắt tay” để xây dựng thương hiệu mạnh, khẳng định vị thế của sản phẩm mật ong Thanh Hóa trên thị trường.

Xây dựng thương hiệu cho mật ongSản phẩm mật ong Mai An Tiêm của HTX nông nghiệp Mai An Tiêm (Nga Sơn) được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh có hơn 14.000 hộ nuôi ong, với khoảng 101.400 đàn, tập trung tại các huyện Thạch Thành, Thường Xuân, Như Thanh, Như Xuân, Cẩm Thủy... Mỗi năm sản lượng mật ong đạt khoảng 182 nghìn lít, giá trị sản xuất đạt khoảng 52 tỷ đồng. Một số địa phương đã định hướng và xây dựng thành công sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Là địa phương có diện tích cây ăn quả và diện tích rừng ngập mặn lớn, nhiều năm qua, người dân huyện Nga Sơn đã tận dụng, lựa chọn nghề nuôi ong mật làm hành trang thoát nghèo. Anh Nguyễn Văn Nam, xã Nga Thủy là một trong những hộ phát triển kinh tế hiệu quả từ việc “thả” ong mật trong môi trường tự nhiên. Anh Nam cho biết: "Hiện gia đình tôi có hơn 400 đàn ong đặt tại các xã Nga Thủy, Nga Phượng, Nga Thạch, Nga Tân... Bởi khu vực này có đến 109 ha rừng sú vẹt và hàng trăm ha nhãn nên đàn ong được nuôi hoàn toàn tự nhiên. Hơn nữa, mật ong từ hoa sú vẹt và hoa nhãn luôn đặc sánh màu vàng nhạt bắt mắt, hương thơm đặc trưng, không thể lẫn với những loại mật ong từ hoa khác. Do đó, sản phẩm mật ong luôn được người tiêu dùng đánh giá cao. Mỗi năm trung bình tôi thu được khoảng 15 tấn mật ong, doanh thu hơn 3 tỷ đồng".

Được biết, năm 2022, anh Nguyễn Văn Nam đã thành lập HTX nông nghiệp Mai An Tiêm. Sau khi thành lập, HTX không chỉ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà còn chú trọng đến xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm mật ong địa phương. Theo đó, HTX đã tập hợp các hộ nuôi tại địa phương sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP và phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn triển khai các chuẩn hóa hồ sơ, thủ tục tham gia xếp hạng OCOP cho sản phẩm mật ong với tên thương mại là mật ong Mai An Tiêm.

Huyện Thường Xuân cũng là một trong những địa phương phát triển khá mạnh nghề nuôi ong lấy mật, song trên địa bàn không có nhiều hộ nuôi ong quy mô lớn mà chủ yếu nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Do đó, để xây dựng được nhãn hiệu hướng tới phát triển thương hiệu cho sản phẩm, đã có một số HTX tiêu biểu được thành lập, tạo động lực “cất cánh” cho mật ong địa phương. Ông Trịnh Văn Khải, Giám đốc HTX dịch vụ nuôi ong lấy mật hoa rừng Bù Sèo, thị trấn Thường Xuân, cho biết: "Nuôi ong mật không phải là nghề mới và đang mang lại thu nhập đáng kể tại địa phương. Tuy sản lượng mật ong hàng năm lớn, chất lượng được đánh giá cao nhưng người dân tiêu thụ manh mún, chưa tạo được sức cạnh tranh trên thị trường. Do đó, HTX được thành lập nhằm tập hợp những hộ nuôi ong trên địa bàn, giúp đỡ nhau về kỹ thuật, tạo vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm, hướng tới phát triển mật ong hoa rừng Bù Sèo nói riêng và mật ong Thường Xuân trở thành “thương hiệu” mạnh trên thị trường".

Thực tế khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, mặc dù nghề nuôi ong ở Thanh Hóa có lịch sử từ lâu đời nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Đồng thời, sản phẩm mật ong chưa có sức cạnh tranh lớn trên thị trường. Do đó, nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất và chất lượng nuôi ong, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội của tỉnh như: Hội Nông dân, Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh... đã tiến hành chuyển giao các quy trình khoa học - kỹ thuật và công nghệ nuôi ong hiện đại để người dân ứng dụng vào sản xuất. Đồng thời, lựa chọn những giống ong có sức đề kháng, thích nghi tốt với điều kiện kinh tế tại địa phương và khuyến khích người dân nuôi ong theo hướng VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Theo đó, đến nay, toàn tỉnh đã có 14 sản phẩm từ mật ong đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, như: Sản phẩm mật ong Hưởng Hoa, mật ong Thành Kim (Thạch Thành); mật ong Ngàn hoa Xuân Thái, mật ong thiên nhiên Phượng Nghi (Như Thanh); mật ong Hương rừng Đất Cẩm (Cẩm Thủy)... Sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP, các chủ thể, HTX, tổ hợp tác đã phát triển mở rộng thị trường và gia tăng đáng kể sản lượng tiêu thụ, từng bước khẳng định “vị thế” của các sản phẩm mật ong Thanh Hóa trên thị trường.

Bài và ảnh: Thanh Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]