Xây dựng thương hiệu để gạo nếp xứ Thanh vươn xa
Để từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm gạo nếp xứ Thanh trên thị trường, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng trong việc nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm. Phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa đã có cuộc phỏng vấn các ông: Cao Văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa; Nguyễn Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung; Nguyễn Công Dương, Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại Sao Khuê xoay quanh chủ đề trên.
Rà soát, xác định vùng sản xuất gắn với tích tụ, tập trung đất đai PV: Đề nghị ông đánh giá những kết quả đạt được trong gieo trồng, sản xuất lúa nếp tỉnh ta trong thời gian qua. Để thương hiệu gạo nếp xứ Thanh vươn xa, Thanh Hóa đã và đang đề ra các giải pháp trọng tâm nào? Ông Cao Văn Cường: Những năm gần đây, chỉ tiêu năng suất và sản lượng lúa trên địa bàn tỉnh luôn đạt ở mức cao và ổn định. Năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 59,7 tạ/ha; sản lượng lúa bình quân đạt trên 1,4 triệu tấn/năm. Đối với cây lúa nếp, năm 2023, toàn tỉnh gieo trồng 9.378,5ha, năng suất đạt từ 45 - 50 tạ/ha; sản lượng toàn tỉnh đạt 37.500 tấn. Năm 2024, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng 16.000ha lúa nếp, sản lượng dự kiến ước đạt 64.000 tấn. Thị trường lúa nếp chủ yếu là trong tỉnh; một phần đưa ra các tỉnh, thành như Ninh Bình, Hà Nội... và một phần theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có các sản phẩm lúa, gạo nếp được công nhận là sản phẩm OCOP, thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngày 28/4/2023, Sở NN&PTNT đã ban hành Công văn số 2034/SNN&PTNT-TT&BVTV về việc triển khai phương án sản xuất vụ thu mùa 2023 và phương án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa nếp giai đoạn 2023-2025. Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025, diện tích gieo trồng lúa nếp đạt 20.000 - 23.000ha trở lên; năng suất bình quân đạt 50 tạ/ha; tổng sản lượng lúa nếp đạt từ 100.000 - 115.000 tấn/năm. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hóa đề ra giải pháp thực hiện như tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về nội dung phương án liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lúa nếp đến các tầng lớp Nhân dân; rà soát, xác định vùng sản xuất gắn với tích tụ tập trung đất đai. Ưu tiên vùng thuận lợi về thổ nhưỡng, giao thông, thủy lợi, áp dụng cơ giới hóa và các biện pháp kỹ thuật đồng bộ; đồng thời xác định rõ cơ cấu giống, chủng loại lúa nếp, thời vụ gieo trồng. Tăng cường thu hút đầu tư, tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục, tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, thu mua, bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo chuỗi giá trị thông qua các HTX dịch vụ, hội nông dân, đảm bảo sản xuất hiệu quả cho các bên liên kết và ổn định lâu dài. Nâng cao chất lượng các giống lúa nếp, nhất là đối với các giống nếp đặc sản, nếp địa phương bằng phương pháp phục tráng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; áp dụng khoa học công nghệ về giống, kỹ thuật canh tác đảm bảo an toàn thực phẩm (VietGAP, hữu cơ...); rà soát đề xuất bổ sung chính sách hỗ trợ đầu tư hệ thống sấy, bảo quản, chế biến lúa nếp. Các huyện, thị xã, thành phố căn cứ tình hình thực tế của địa phương quan tâm, tạo điều kiện, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển liên kết sản xuất lúa nếp trên địa bàn. Các doanh nghiệp chủ trì nghiên cứu thành lập “Hiệp hội liên kết sản xuất lúa nếp Thanh Hóa”; xây dựng thương hiệu, cấp mã vùng trồng cho sản phẩm, tìm kiếm thị trường, lồng ghép các chương trình, dự án để tổ chức chiến lược quảng bá, giới thiệu các sản phẩm lúa, gạo nếp được sản xuất tại Thanh Hóa. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm PV: Để sản phẩm lúa, gạo nếp đặc sản Hà Trung khẳng định thương hiệu trên thị trường, địa phương đã đề ra định hướng, giải pháp nào thưa ông? Ông Nguyễn Xuân Dũng: Hà Trung là vùng đất chiêm trũng, phù hợp với phát triển trồng các loại cây lúa dài ngày, nhất là các giống lúa nếp truyền thống địa phương. Hiện nay, tổng diện tích lúa gieo trồng hàng năm trên địa bàn huyện khoảng trên 10.000ha, trong đó diện tích lúa nếp cả năm khoảng gần 2.000ha, vụ xuân hơn 1.000ha và vụ thu mùa gần 1.000ha. Lúa nếp đặc sản (nếp cái hoa vàng, nếp hạt cau) được bố trí gieo trồng ở vụ thu mùa với diện tích 370ha, diện tích còn lại được bố trí gieo trồng các loại nếp thông thường khác. Đối với các giống nếp truyền thống địa phương đã phối hợp liên kết xây dựng được thương hiệu, gắn với sản phẩm OCOP địa phương, như: Nếp hạt cau, Hà Lĩnh gắn với sản phẩm gạo nếp hạt cau Tiên Sơn (sản phẩm OCOP 4 sao); nếp cái hoa vàng Hà Long được phát triển các dòng sản phẩm như: Nếp cái hoa vàng Quý Hương (Công ty CP Thương mại Sao Khuê), nếp cái hoa vàng Gia Miêu tiến vua (Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng), nếp cái hoa vàng Gia Miêu ngoại trang (HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Long, sản phẩm OCOP 3 sao)... Trên cơ sở định hướng phát triển cây lúa nếp hiện nay của tỉnh, huyện Hà Trung tiếp tục xây dựng phương án và tổ chức triển khai thực hiện, định hướng chỉ tiêu cụ thể về sản xuất lúa nếp cho các địa phương. UBND huyện đã chỉ đạo các xã rà soát, bố trí quy hoạch các vùng sản xuất lúa nếp tập trung; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân mở rộng diện tích sản xuất lúa nếp, nhất là hai giống lúa nếp đặc sản truyền thống của địa phương; chỉ đạo các địa phương, các HTX chú trọng hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện, ngoài tỉnh, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh đảm bảo quy trình sản xuất theo tiêu chí an toàn thực phẩm (VietGAP, hữu cơ,...). Tổ chức liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa nếp với các doanh nghiệp chế biến lúa gạo trong và ngoài huyện. Tăng cường công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi trên thị trường; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, tổ chức sản xuất tập trung, quy mô lớn, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và an toàn thực phẩm. Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm PV: Xin ông chia sẻ những hoạt động của Công ty CP Thương mại Sao Khuê đồng hành cùng nông dân trong sản xuất, chế biến lúa gạo nói chung, gạo nếp nói riêng? Ông Nguyễn Công Dương: Là một trong những đơn vị tiên phong phát triển liên kết sản xuất, bao tiêu, chế biến lúa gạo trong tỉnh, những năm qua Công ty CP Thương mại Sao Khuê đã xây dựng được nhiều chuỗi liên kết lúa gạo ở các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa với tổng diện tích hơn 800ha. Qua việc liên kết sản xuất, công ty đã xây dựng được vùng nguyên liệu tương đối ổn định cho sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2019 đến năm 2022, công ty đã liên kết đầu tư với 20 HTX dịch vụ nông nghiệp, điển hình như HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Long, huyện Hà Trung với hơn 200ha canh tác lúa nếp cái hoa vàng Quý Hương. Đến hết quý 1/2024, công ty đã có hơn 2.000 đại lý bán lẻ, các bếp ăn và nhà phân phối trên khắp các quận, huyện, thị xã trong và ngoài tỉnh với 15 sản phẩm gạo mang thương hiệu Sao Khuê. Để lan tỏa các sản phẩm gạo an toàn xuất xứ tại Thanh Hóa đến tay người tiêu dùng, công ty đã đề ra những giải pháp như: Thực hiện liên kết đồng bộ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Gắn kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ; tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP. Khảo sát các vùng sản xuất đã quy hoạch để lựa chọn các bộ giống lúa phù hợp đưa vào sản xuất. Trong quá trình ký kết hợp đồng, đảm bảo nguyên tắc hợp đồng bền vững, hai bên cùng có lợi, trong đó đảm bảo quyền lợi cho bà con Nhân dân, tạo niềm tin của người dân đối với công ty trong liên kết. |
Ngọc Huấn (thực hiện)
{name} - {time}
-
2024-11-11 09:39:00
Huyện Cẩm Thủy có thêm 7 sản phẩm OCOP 3 sao
-
2024-11-08 14:47:00
Giữ nghề truyền thống mắm tép Yên Dương
-
2024-06-15 07:25:00
Phát triển giống lúa nếp đặc sản ở khu vực đồng bằng, miền núi thấp
Măng khô Nang Non - thức quà ngon của đại ngàn Quan Sơn
Dẻo thơm gạo nếp vùng biên
Quà tặng góp phần định vị thương hiệu du lịch xứ Thanh
Phát huy tài nguyên bản địa phát triển sản phẩm
Xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm đặc trưng
Xây dựng sản phẩm gắn với phát triển du lịch miền núi Thanh Hóa
Nỗ lực khẳng định thương hiệu cho cây dưa xứ Thanh
Cây khoai mán lòng vàng ở Ché Lầu
Phát triển sản phẩm OCOP khu vực miền núi - nhiều khó khăn cần khắc phục