(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xem là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng, phát triển giống nòi, tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Xác định tầm quan trọng đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 (gọi tắt là Nghị quyết 04). Qua 5 năm thực hiện, Nghị quyết 04 đã tạo sự chuyển biến rõ nét về công tác ATTP, thu được những kết quả đáng tự hào.

Tin liên quan

Đọc nhiều

5 năm thực hiện Nghị quyết 04: Khẳng định con đường đi đúng đắn

Trong những năm qua, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xem là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng, phát triển giống nòi, tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Xác định tầm quan trọng đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 (gọi tắt là Nghị quyết 04). Qua 5 năm thực hiện, Nghị quyết 04 đã tạo sự chuyển biến rõ nét về công tác ATTP, thu được những kết quả đáng tự hào.

Những con số biết nói

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức, kiến thức, trách nhiệm về ATTP của cán bộ, đảng viên, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm được nâng lên; hệ thống văn bản quản lý nhà nước về ATTP được hoàn thiện; trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của các cấp, các ngành được phân định rõ ràng; tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về ATTP các cấp được thành lập và kiện toàn; nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn được hình thành và nhân rộng; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về ATTP đã phát huy hiệu quả; nguồn lực cho công tác đảm bảo ATTP được quan tâm đầu tư; đã nhận được sự quan tâm, tích cực vào cuộc của mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát về ATTP; nhiều phong trào thi đua, mô hình, điển hình về ATTP được phát huy, đẩy mạnh.

Cùng với đó, tổ chức, bộ máy về quản lý ATTP từ cấp tỉnh đến cấp xã được thành lập và kiện toàn, đảm bảo phân công, phân cấp rõ ràng. Thanh Hóa đã thành lập 4.324 tổ giám sát ATTP thôn/ bản/ phố và 300 tổ giám sát ATTP tại chợ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về ATTP được tăng cường. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã thực hiện thanh tra, kiểm tra về ATTP đối với 59.958 lượt cơ sở, phát hiện 5.981 cơ sở vi phạm.

Lực lượng chức năng kiểm tra chất lượng ATTP tại bếp ăn tập thể.

Những “quả ngọt” sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 04 được chứng minh cụ thể qua những con số: Sản phẩm thực phẩm sản xuất, chế biến theo mô hình sản xuất lớn, tập trung đáp ứng quy định về ATTP đạt 100%; bếp ăn tập thể đáp ứng quy định về điều kiện ATTP đạt 100%; chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đáp ứng quy định về điều kiện ATTP đạt 58,3%; tỷ lệ cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đáp ứng quy định về điều kiện ATTP đạt 100% tương đương 412/412 của hàng; chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đáp ứng quy định về điều kiện ATTP đạt 58,3%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí ATTP đạt 53,2% (297/559 xã, phường, thị trấn)... Thanh Hóa đã xây dựng được 1.020 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, hàng năm, cung ứng ra thị trường khoảng 800.870 tấn sản phẩm thực phẩm các loại; xây dựng thành công 97 vùng sản xuất chuyên canh rau, quả an toàn tập trung với diện tích 485,1 ha; hình thành các vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng cao với diện tích trên 11.000 ha; thúc đẩy phát triển nhiều vùng sản xuất thực phẩm an toàn mang thế mạnh của địa phương như: Chanh Tứ Quý, Bưởi Vân Du, Vịt Cổ Lũng, Lợn nuôi thảo dược, Nước mắm Ba Làng,... Không chỉ xây dựng thành công sản phẩm phát huy thế mạnh địa phương mà điều đáng nói tại nhiều địa phương đã không còn diễn ra tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Theo đó, hoạt động kết nối sản xuất, kinh doanh đến tiêu thụ thực phẩm an toàn được đẩy mạnh, nhiều sản phẩm của tỉnh đã tìm được đầu ra ổn định như: Rau an toàn của xã Hoằng Hợp - Hoằng Hóa, thị trấn Vạn Hà - Thiệu Hóa; trứng gia cầm của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần; nước mắm Ba Làng; thịt lợn an toàn của Công ty TNHH thực phẩm sạch Đức Tần... đã có mặt rộng rãi trên thị trường nội tỉnh và toàn quốc.

Mô hình trồng cam đạt tiêu chuẩn VietGap tại huyện Yên Định.

Bài học kinh nghiệm, giải pháp trong những năm tiếp theo

Tiếp tục phát huy và duy trì kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết 04 thì nhân tố hàng đầu, quyết định sự hiệu quả công tác đảm bảo ATTP là sự quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; quán triệt sâu sắc, triển khai đầy đủ các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác đảm bảo ATTP, trước hết là trong cấp ủy, cán bộ chủ chốt các cấp, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch, hướng dẫn tổ chức thực hiện một cách kịp thời, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương trong tỉnh; xây dựng, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành, địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về ATTP; thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện; phát hiện và nhân rộng các điển hình về công tác bảo đảm ATTP; tăng cường công tác phối hợp với mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo đảm ATTP; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình về ATTP; tổ chức giám sát việc chấp hành các quy định về ATTP.

Cụ thể trong giai đoạn 2020 - 2025, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông và đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ, người sản xuất, chế biến, kinh doanh và nhân dân về ATTP. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn về ATTP, trọng tâm là giáo dục truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã; kiến thức thực hành về ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo phân cấp quản lý. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các văn bản về quản lý ATTP, giao chỉ tiêu hàng năm về công tác đảm bảo ATTP cho các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; ban hành các chương trình, đề án, cơ chế chính sách nhằm nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm được sản xuất trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn và xây dựng xã ATTP, trọng tâm là xây dựng và nhân rộng các mô hình: Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, giết mổ gia súc, gia cầm ATTP, chợ kinh doanh thực phẩm, cửa hàng kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể bảo đảm ATTP và xã đạt tiêu chí ATTP; đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, làng nghề thực phẩm. Tăng cường hoạt động khuyến khích phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn; giới thiệu quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh.

Hà Văn Giáp (Phó CVP về Điều phối VSATTP tỉnh Thanh Hóa)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]