(vhds.baothanhhoa.vn) - Trời còn chưa tỏ mặt người, bà Nga đã bật dậy khỏi giường. Không kể đông hay hè, mưa hay nắng, cứ đến giờ đó là bà tỉnh giấc.

Bà Nga xóm liều

Trời còn chưa tỏ mặt người, bà Nga đã bật dậy khỏi giường. Không kể đông hay hè, mưa hay nắng, cứ đến giờ đó là bà tỉnh giấc.

Bà Nga xóm liều

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nhiều lúc, bà cũng không biết mình dậy sớm để làm gì. Bà thức dậy như một thói quen. Có hôm, dậy rồi chỉ để ngồi thu lu ở đầu hè, mắt nhìn xa xăm ra chiều nghĩ ngợi. Khuôn mặt ấy có một chút gì đó cam chịu, bất lực. Hơn 30 năm qua vẫn thế, kể từ lúc ông Lãng – chồng bà đi tìm hạnh phúc cho riêng mình.

Bà sinh ra và lớn lên ở cái xóm liều này. Ở đây, hầu hết họ đều là dân ngụ cư. Người ta bảo, từ thời xa lắc xa lơ nào đó, họ bồng bế nhau chạy loạn, rồi dần dần tạo nên xóm, nên làng. Ban đầu, chính quyền địa phương cũng can thiệp, nhưng họ vẫn cứ ì ra và cái tên xóm liều cũng từ đó mà có. Bà Nga bảo, nghe các cụ nói, quê bà ở đâu xa lắm.

Ở cái tuổi này, bà vẫn chưa biết thành phố nó như thế nào? Ấy thế mà, mỗi lần ngồi với lũ trẻ trong xóm, bà lại kể cho chúng nghe một cách rành rọt. Bà kể như chính mình được lớn lên, chứng kiến sự phồn hoa của nó.

Bà nói về những ngôi nhà cao tầng chọc trời, những chiếc ô tô sang xịn, bóng loáng, sự tất nập, đông đúc của phố phường... Nhìn bà say sưa, cả lũ cứ há hốc mồm ra chiều chăm chú lắm. Cũng may, nhờ có bà, bọn trẻ con mới biết được thành phố là như thế nào. Nếu có ai thắc mắc, bà bảo: - Tôi nghe họ nói thế!

Ở cái xóm liều này, hầu hết là người già và trẻ nhỏ. Những người trẻ tuổi họ đi học, đi làm ăn xa rồi chẳng ai quay về. Thi thoảng, cặp vợ chồng nào đó đem con về gửi cho ông bà nội, ngoại chăm bẵm rồi lại trở về nơi đất khách kiếm cơm.

Nói là chăm thế thôi, chứ bọn trẻ được no cái bụng, biết mặt chữ là tốt lắm rồi. Ở cái nơi, thứ ánh sáng yếu ớt, mờ ảo còn chẳng làm chín được nồi cơm thì nói gì đến cái tivi hay điện thoại thông minh. Thế nên, sự học của bọn nhỏ đều phó mặc hết cho thầy cô giáo.

Ẩn sau những nếp chân chim, gương mặt khắc khổ, cam chịu kia vẫn toát ra vẻ đẹp của một thời son trẻ. Từng được biết đến là người con gái xinh đẹp, nhanh nhẹn ở cái xóm liều này. Dáng cô gái ấy dong dỏng cao, cân đối, nước da trắng hồng với mái tóc đen mượt. Đặc biệt, đôi má lúm đồng tiền đã khiến tâm hồn của bao chàng trai trong vùng xao xuyến. Thế nhưng, cô vẫn thủy chung chờ đợi một người.

Chàng trai ấy tên là Lãng, hơn Nga 8 tuổi, cũng lớn lên ở cái xóm liều này. Ai cũng bảo, họ xứng đôi, vừa lứa. Sau khi tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội, ông về hỏi cưới Nga làm vợ. Khi ấy, Nga mới chỉ 20 tuổi.

- Cái Nga sướng thật, lấy được chồng người nhà nước coi như nở mày, nở mặt! Sau này chắc chắn sẽ được ăn sung, mặc sướng. Kiếm đâu được một gia đình như thế…! – Mọi người trong xóm đều trầm trồ.

Là con thứ 2 trong một gia đình có 2 anh em, bố là liệt sĩ. Bao nhiêu năm qua, bà vẫn đau đáu lời hứa: “Em ở nhà nuôi mẹ thay anh. Lúc nào hòa bình anh sẽ về nuôi mẹ thay em!”. Thế rồi, người anh của bà mang theo lời hứa vĩnh viễn ở lại chiến trường ác liệt.

Chồng con đều hy sinh, người mẹ suy sụp tinh thần càng trở nên tiều tụy, bệnh tật bủa vây. Một mình bà Nga tất tả ngược xuôi chạy vạy thuốc thang, hai mẹ con thường xuyên lấy bệnh viện làm nhà.

Sau khi cưới được một thời gian, ông Lãng lại từ biệt người vợ trẻ trở về chốn phồn hoa đô thị. Bà ở lại cái xóm liều này, vừa chăm sóc mẹ đẻ, vừa chăm sóc bố mẹ chồng, vừa chăm lo ruộng đồng, vườn tược… Nhiều khi, bà chỉ ước mình có thể phân thân ra để mọi thứ được trọn vẹn hơn. Ai cũng bảo, sao bà không theo chồng lên thành phố. Nhưng bà nghĩ, mình đi rồi ai chăm sóc bố mẹ hai bên.

Ấy thế mà, vẫn không ít lời cay nghiệt của mẹ chồng: “Có chồng rồi không lo cho nhà chồng mà suốt ngày chăm chăm về nhà mẹ đẻ. Chẳng làm được cái gì ra hồn cho cái nhà này. Khổ thân thằng con tôi quanh năm vất vả…”. Sau tiếng chì, tiếng bấc là tiếng thở dài thườn thượt.

Thằng Khoa chào đời trong niềm hạnh phúc ngập tràn của cả gia đình. Nhưng dần dần, người ta thấy bà Nga ít nói cười hơn trước, lầm lũi hơn.

Rồi ông Lãng cứ biền biệt không về. Mỗi khi nghe con hỏi: - “Bố sao lâu về vậy mẹ?”, bà đều bảo: - “Bố con bận công việc nên không về được” và ậm ừ cho qua.

- “Nghe đâu ông Lãng đã có con với người phụ nữ khác trên thành phố. Họ làm cùng cơ quan” - Nhiều người thì thầm.

Nghe tiếng bàn ra, tán vào của những người xung quanh, bà Nga chỉ im lặng, ôm một nỗi buồn không tưởng. Bà không chửi bới, không khóc lóc, không làm ầm lên… như những người phụ nữ khi nghe tin chồng mình ngoại tình.

Rồi việc ông Lãng có người khác cả cái xóm liều này đều biết. Nội, ngoại cũng biết cả. Phần vì tuổi già sức yếu, phần vì sốc trước chuyện ông Lãng, thế nên chỉ trong vòng 2 năm, cả mẹ đẻ và bố mẹ chồng của bà đều lần lượt đi ra đi.

Cũng từ đó, bà Nga sống thu mình lại, lặng lẽ hơn… Rồi gần như chẳng thấy ông Lãng về cái xóm liều này nữa.

Thằng Khoa lớn hơn, nó cũng dần cảm nhận được nỗi buồn sâu thẳm trong đôi mắt của mẹ. Nhiều hôm, nó thấy mẹ trằn trọc không ngủ, lặng lẽ quệt nước mắt một mình. Nó không còn hỏi về bố nhiều như trước nữa. Có lẽ, nó sợ mẹ buồn!

Là đứa hiểu chuyện, nên chẳng lúc nào nó để mẹ phải phiền lòng. Năm nào, Khoa cũng đứng đầu lớp về thành tích học tập. Bà Nga lấy con làm niềm vui, cố gắng làm lụng nuôi con ăn học.

Thằng Khoa đi học xa nhà, rồi ở lại thành phố lập nghiệp. Mỗi năm, vì bận công việc nó chỉ về thăm mẹ được dăm ba bận. Nghe đâu, nó đang làm việc cho một công ty của nước ngoài, thu nhập cũng kha khá. Nhiều lần, thằng Khoa về muốn đưa mẹ lên thành phố để tiện bề chăm sóc nhưng bà Nga nhất định không chịu. Bà bảo, bà quen với mảnh đất, con người nơi đây rồi nên không nỡ rời đi.

Hàng tháng, thằng Khoa gửi tiền về cho mẹ dưỡng già. Nó động viên mẹ bỏ công việc đồng áng, nhưng bà nhất định không chịu. Có lẽ, bà đi làm không phải để kiếm miếng ăn như trước mà để tìm niềm vui.

Trong căn nhà mái ngói đỏ, nhỏ xíu xiu, nằm ở cuối xóm trở thành nơi tụ tập của lũ trẻ tự lúc nào. Cứ thấy bà Nga đi làm đồng về, lũ trẻ lại chạy theo. Mỗi lần như thế, bà lại cho chúng ăn, rồi kể cho chúng nghe đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, chuyện thành phố, chuyện “Chú cuội cung trăng”, “Sự tích con muỗi”, … nên đứa nào cũng thích.

Chỉ khi bọn trẻ rời đi, bà lại trầm tư một mình với một vệt buồn thê thiết. Ánh mắt bà hướng về tấm ảnh hiếm hoi của mình chụp chung với chồng nơi đầu giường. Nó như nhắc nhở, rằng bà vẫn còn có một người chồng. Bất giác, bà nhìn ra ngoài ngõ. Ánh mắt thẫn thờ, cam chịu ấy giường như vẫn đang trông mong, chờ đợi điều gì đó mà chỉ chính bản thân bà cũng chẳng rõ…

Cách đây ít hôm, thằng Khoa về, chẳng biết nó nói gì mà người ta thấy bà sửa soạn, ăn vận bộ quần áo mà thằng Khoa mua tặng mẹ từ tháng lương đầu tiên mà bà chưa một lần dám mặc. Rồi lên chiếc xe 4 bánh bóng loáng. Bà rời xóm liều… Lũ trẻ trong xóm nhìn nhau ngơ ngác.

Chiếc xe lăn bánh… bà nhìn mọi thứ xung quanh bằng tất cả sự tò mò, lạ lẫm của một đứa trẻ từ quê lên phố. Nhưng ánh mắt đó không còn vô thức như lúc ở xóm liều nữa.

“Giờ mình có thể tự tin kể cho lũ trẻ xóm liều nghe chuyện phố phường rồi!” - Bà cười hiền, hai má lúm đồng tiền càng hằn rõ.

Truyện ngắn của Tâm Anh


Truyện ngắn của Tâm Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]