(vhds.baothanhhoa.vn) - Người thì muốn trồng cây, cắm biển để lưu danh; người thì mong Thành hoàng làng phù trì cho thăng quan tiến chức, làm ăn phát đạt.

Cái cây của tao đâu rồi

Người thì muốn trồng cây, cắm biển để lưu danh; người thì mong Thành hoàng làng phù trì cho thăng quan tiến chức, làm ăn phát đạt.

Cái cây của tao đâu rồi

(Minh họa: Phạm Nam)

Nếu có dịp ghé thăm làng tôi, quý vị nhất định phải ghé thăm đình làng. Ngôi đình bề thế mà hiền hòa, uy nghiêm mà gần gũi, khang trang nhưng vẫn giữ được nét cổ kính. Và, như tôi đã kể ở những chuyện trước, người làng tôi tin rằng, ông giáo sư chính là người hỗ trợ kêu gọi nguồn lực để trùng tu ngôi đình.

Còn nhớ, ngày khánh thành ngôi đình, cùng với rất nhiều nghi lễ, thì có phần các đại biểu tỉnh, huyện, xã, làng, nhà thầu thi công, con em xa quê thành đạt cùng nhau trồng cây lưu niệm quanh khuôn viên.

Lượng cây trồng hôm ấy, dễ phải nhiều bằng lượng xe ô tô quan khách về dự lễ. Cây trồng thì to nhỏ khác nhau, đủ các chủng loại, nào đa, đề, si, sộp, lộc vừng, sấu, sao đen... Dưới mỗi gốc cây lại được cắm một biển tên, hoặc hoành tráng hơn là một phiến đá có khắc hoặc ghi đầy đủ học tên, chức danh. Đấy là do người trồng cây muốn tránh cho người làng tôi phải đoán mò đoán mẫm rằng: “Cây này to thế, hoành tráng thế, phải là quan to lắm ấy, người dòng họ nào không biết?”.

Mà như tôi đã nhiều lần khoe, bởi truyền thống hiếu học, cần cù lao động mà người làng tôi đỗ đạt, thành danh nhiều lắm. Nên mỗi dịp lễ, tết, các bậc cao niên lên đình tế lễ, nhìn các gốc cây chưa thấy biển tên của con cháu dòng họ mình, là các cụ trách đến tai ngay. Thế là mỗi năm cây một thêm nhiều, biển tên xanh đỏ tím vàng cắm chi chít, từ tận thủ đô xuống đến làng, nào cán bộ tổ chức, giao thông, văn hóa đến doanh nhân buôn đất, chủ quán mát-xa... Người thì muốn trồng cây, cắm biển để lưu danh; người thì mong Thành hoàng làng phù trì cho thăng quan tiến chức, làm ăn phát đạt.

Đất tốt, cây lớn nhanh, cây nọ át cây kia mà sinh sôi, gốc rễ trồi lên, bao nhiêu bảng biển và bia đá bị xô lệch, nghiêng ngả, chữ còn chữ mất. Nào “Chủ tịch HĐQT... N... Văn Tù...” – chắc do bị mất âm “ng”; “Chủ tịch UBND... Đào Văn Dun...” – có lẽ là Dũng chăng?... Một số khác vung vãi, thì được các bà, các chị tiếc rẻ cầm về làm nắp đậy chum nước, vại cà. Có vài cái biển tên, cán và khung bằng kim loại, bác bảo vệ tiếc rẻ nhặt gom vào một góc, rồi bán sắt vụn, đủ mua vài quả cau, lá trầu thắp hương.

Rồi đến lượt các cây cũng phải đánh san bớt ra. Hội đồng làng quyết định mở một cuộc rà soát để xử lý, ban đầu là di chuyển (hoặc chặt bỏ những cây thiếu sức sống) của các vị chức sắc thấp, doanh nghiệp... “ao làng”; sau đến lượt cây của các vị có chức sắc đã về hưu, những vị chưa nghỉ hưu nhưng đã trở thành... “củi tươi”. Số được san ra trồng ven đường tạo cảnh quan, số được đưa ra nghĩa địa trồng lấy bóng mát.

Nhà có ông chú họ xa, nhà trên tỉnh, làm cán bộ Sở. Dạo khánh thành đình, ông cũng có trồng một cây đa sộp. Cây của ông thuộc giống lớn nhanh, chiếm đất nên phải sớm thuộc diện phải nhường đất, dọn đường cho cây của những cán bộ cấp trên, doanh nhân có nhiều đóng góp cho làng, nên được đưa ra nghĩa trang.

Về hưu được mấy năm thì ông mắc bạo bệnh, nguyện vọng được sống những ngày cuối đời ở quê. Hôm con cháu dẫn ra thăm đình, ông cố đi hết một vòng quanh khuôn viên, rồi chừng mệt quá, thở hắt ra hỏi: “Cái cây của tao đâu rồi...?”. Con cháu đành trả lời qua quýt: “Cây lớn nhanh quá, chắc ông không còn nhận ra”.

Sau rồi con cháu đưa ông ra nằm ngay dưới gốc cây ông trồng năm nào ở nghĩa địa. Cái giống đa sộp gặp không gian rộng phát triển càng mạnh, rễ nó cuốn chặt, đang dần nuốt trọn cái biển ghi tên ông ngày còn đương chức, mất gần hết cả dấu với chữ, còn đọc được mỗi từ “Tham...”.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]