(vhds.baothanhhoa.vn) - Là cậu cháu với nhau nhưng vì lợi ích của bản thân, người cậu là ông Đỗ Xuân Ninh (hiện là Trưởng văn phòng Thừa phát lại Sầm Sơn) đã bội tín hợp đồng góp vốn khiến cho tình thân thương tàn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Từ vụ án góp vốn thành lập văn phòng Thừa phát lại Sầm Sơn: Có hay không tòa án bao che cho sai phạm?

Là cậu cháu với nhau nhưng vì lợi ích của bản thân, người cậu là ông Đỗ Xuân Ninh (hiện là Trưởng văn phòng Thừa phát lại Sầm Sơn) đã bội tín hợp đồng góp vốn khiến cho tình thân thương tàn.

Cực chẳng đã, người cháu là anh Lê Đình Hưng (xã Quảng Minh, TP Sầm Sơn) mới đâm đơn khởi kiện để nhờ tòa phân xử. Nào ngờ, Tòa án nhân dân thành phố Sầm Sơn chẳng những không bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự mà còn vi phạm nghiêm trọng quy định tố tụng dân sự, đẩy vụ án từ chỗ đơn giản trở thành phức tạp, gây mất lòng tin trong dư luận xã hội.

Phủi sạch chứng cứ

Theo hồ sơ vụ kiện, năm 2015, anh Lê Đình Hưng đã bàn với ông Đỗ Xuân Ninh mở văn phòng Thừa phát lại (TPL) Sầm Sơn và 2 bên đã thống nhất việc anh Hưng là người góp vốn để được hưởng lợi nhuận. Việc thỏa thuận bằng miệng này đã được ông Phạm Ngọc Thanh (lúc bấy giờ là công an thị xã Sầm Sơn) đứng ra làm chứng. Để văn phòng sớm đi vào hoạt động, ngoài đầu tư toàn bộ chi phí từ những việc nhỏ nhất (như bàn ghế, máy in, máy tính...) cho đến những việc lớn như thuê nhà, tổ chức lễ công bố thành lập văn phòng, anh Hưng còn là người góp công, góp sức trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý.

Tháng 6/2015, văn phòng TPL Sầm Sơn được công bố thành lập. Sau một thời gian đi vào hoạt động, nhận thấy ông Ninh không còn muốn trao đổi công việc như trước đây nên ngày 24/4/2017, anh Hưng đề nghị với ông Ninh lập Biên bản ghi nhớ thỏa thuận để thành lập văn phòng với sự chứng kiến của con trai ông Ninh là anh Đỗ Văn Đức. Sau đó, anh Hưng yêu cầu ông Ninh thanh toán 4 tháng lợi nhuận và đã được ông Ninh đồng ý chi trả 21 triệu đồng, đồng thời trả một phần tiền đầu tư mua sắm trang thiết bị ban đầu. Cũng sau lần ấy, ông Ninh tuyên bố, Nhà nước bổ nhiệm ông, anh Hưng không có phận sự tại văn phòng nên không được tham gia và hưởng quyền lợi gì.

Vô phúc mới phải “đáo tụng đình”, anh Lê Đình Hưng đã đề nghị lên Tòa án Sầm Sơn buộc ông Ninh phải thanh toán số tiền lợi nhuận hàng tháng như biên bản thỏa thuận đã ký. Thế nhưng, tại phiên tòa sơ thẩm, không chút nghĩa tình, ông Đỗ Xuân Ninh đã trắng trợn khai rằng, chữ ký của ông trong Biên bản ghi nhớ thỏa thuận chỉ là... ký nháp. Điều này khiến cho rất nhiều người tham dự phiên tòa bất bình vì có câu “bút sa, gà chết”, nhất là khi, đó lại là chữ ký trong một văn bản quan trọng. Không ít người đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Ông Ninh là người đã và đang công tác trong ngành Luật mà lại xem chữ ký của mình như một trò đùa thì có khác nào tự nhận mình không hiểu biết pháp luật, hoặc là thần kinh... không được bình thường. Vì Khoản 1, Điều 25, Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định, chữ ký không có giá trị pháp lý chỉ khi chứng minh được, tại thời điểm đó, người ký không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

Một trong những phiếu chi lợi nhuận mà anh Lê Đình Hưng đã từng được nhận.

Luật sư Lê Thị Hiền Lương (Công ty Luật Quốc tế Hoàng Nguyên) - thuộc đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa - người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho anh Lê Đình Hưng cho biết: Lời khai của ông Đỗ Xuân Ninh không nhất quán và có sự mâu thuẫn nhau. Bởi tại biên bản đối chất (bút lục số 123), ông Ninh từng thừa nhận rằng: “Anh Hưng đã góp bàn ghế, tủ và 01 bộ máy vi tính”. Con trai ông Ninh là anh Đỗ Văn Đức cũng khai rõ: “Tôi có biết việc anh Hưng góp vốn với bố tôi và đứng ra mua sắm một số trang thiết bị. Chính anh Hưng đã đi cùng bố tôi đến cửa hiệu nhà tôi làm biển quảng cáo và anh Hưng là người đưa tiền”. Vậy mà đứng trước phiên tòa sơ thẩm, ông Ninh lại phủ nhận, không có chuyện anh Hưng góp vốn mà là do anh Hưng tự ý mang đến văn phòng các trang thiết bị. Thế nhưng, khi anh Hưng cung cấp các phiếu chi số 63, 92, 93... có nội dung “thanh toán tiền lợi nhuận và tiền mua sắm ban đầu” thì ông Ninh lại lập luận rằng, các phiếu chi đó đều không được sự đồng ý của ông. Song, tại phiên tòa, chính thủ quỹ của văn phòng TPL là ông Trịnh Văn Sáu đã đứng ra khai nhận, tất cả các phiếu chi cho anh Lê Đình Hưng đều có lệnh của ông Ninh. Thêm các chứng cứ đặc biệt khác là, ngày 17/9/2017, ông Ninh đã ra Thông báo số 15/VP-TPLSS về việc trả lại Văn phòng TPL Sầm Sơn cho anh Hưng. Tiếp đó, ngày 24/01/2018, ông Ninh lại ban hành thông báo về việc góp vốn mở văn phòng TPL gửi cho anh Hưng. Vậy thử hỏi, nếu không phải do anh Hưng là người góp vốn đầu tư thì tại sao, ông Ninh phải làm tất cả những việc này?

Dân kiện một đằng, tòa xử một nẻo

Trong đơn gửi TAND thành phố Sầm Sơn ngày 18/1/2018, anh Lê Đình Hưng chỉ khởi kiện buộc ông Đỗ Xuân Ninh chi trả lợi nhuận theo đúng Biên bản ghi nhớ thỏa thuận về việc góp vốn thành lập văn phòng TPL. Theo đó, trách nhiệm của tòa án là phải thu thập tất cả các chứng cứ liên quan để giải quyết nội dung đơn kiện, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho đương sự. Tuy nhiên, không hiểu vì lí do gì mà tại phiên tòa sơ thẩm, các chứng cứ và lời khai của nhân chứng đã bị tòa án “lờ” đi, thay vào đó, tòa chỉ căn cứ vào lời khai của ông Ninh để phân tích, suy diễn một chiều. Sai lầm hơn, tòa còn sa đà vào các chứng cứ không liên quan theo kiểu “dân kiện một đằng, tòa xử một nẻo” khi nhận định: thời điểm ký biên bản thỏa thuận, anh Hưng đang là công chức xã Quảng Minh, không được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp nên “nội dung các bên xác lập trong văn bản ghi nhớ thỏa thuận để thành lập văn phòng vào năm 2017 là không phù hợp”. Điều này không chỉ vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu mà còn là hình thức đánh tráo khái niệm, không đúng với nguyên tắc đánh giá chứng cứ và vi phạm nghiêm trọng quy định tố tụng dân sự.

Ông Hoàng Văn Truyền - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hóa trao đổi với PV về một số nguyên tắc trong xử án dân sự.

Khi được hỏi về trách nhiệm quản lý hoạt động TPL của Văn phòng TPT Sầm Sơn liên quan đến vụ kiện này, ông Hoàng Văn Truyền - PGĐ Sở Tư pháp Thanh Hóa cho biết: “Sở Tư pháp chỉ quản lý Nhà nước về tổ chức và hoạt động của văn phòng TPL nên thẩm quyền giải quyết vụ án giữa anh Hưng và ông Ninh là thuộc về tòa dân sự, TAND”. Tuy nhiên, trả lời các câu hỏi: “Công chức được tham gia góp vốn không và nếu vi phạm thì quyền lợi của anh Hưng trong vụ kiện này thế nào?”. Ông Truyền bày tỏ quan điểm: “Đang là công chức mà tham gia góp vốn thành lập và điều hành doanh nghiệp phải xem xét cụ thể mới kết luận: công chức đó vi phạm vào Luật cán bộ công chức hoặc Luật phòng chống tham nhũng. Thế nhưng, trách nhiệm xử lý công chức đó lại thuộc về cơ quan chủ quản, ở đây là UBND xã Quảng Minh. Còn trong vụ kiện dân sự này, quyền lợi góp vốn của anh Hưng vẫn phải được đảm bảo theo quy định của Luật Dân sự, không thể vì vi phạm Luật Cán bộ công chức mà tước bỏ hoặc hạn chế quyền lợi dân sự của công chức đang khởi kiện”.

Được biết, hiện anh Lê Đình Hưng đã kháng cáo để hủy bỏ bản án sơ thẩm của TAND thành phố Sầm Sơn. Dư luận theo dõi vụ kiện hi vọng, tại phiên tòa phúc thẩm, anh Hưng sẽ tìm lại được công bằng cho mình.

P.V


P.V

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]