(vhds.baothanhhoa.vn) - Quê hương tôi không chỉ đẹp bởi dòng sông xanh biếc nằm vắt dài như một dải lụa mềm, những lũy tre xanh và đồng lúa chín thẳng cánh cò bay. Với tôi, quê hương còn đẹp thiết tha qua mùi vị thơm bùi của chiếc bánh đa vừng dày cộm, giòn ngon đến khó cưỡng mỗi khi thưởng thức.

Chiếc bánh đa vừng đánh thức tuổi thơ

Quê hương tôi không chỉ đẹp bởi dòng sông xanh biếc nằm vắt dài như một dải lụa mềm, những lũy tre xanh và đồng lúa chín thẳng cánh cò bay. Với tôi, quê hương còn đẹp thiết tha qua mùi vị thơm bùi của chiếc bánh đa vừng dày cộm, giòn ngon đến khó cưỡng mỗi khi thưởng thức.

Chiếc bánh đa vừng đánh thức tuổi thơ

Chiếc bánh đa vừng không biết đã có tự bao giờ mà trở nên rất đỗi thân thương, quen thuộc và trở thành đặc sản của quê hương xứ Thanh. Hình ảnh về chiếc bánh đa to tròn vành vạnh được rắc thêm những hạt vừng béo ngậy cứ bám riết vào tâm trí tuổi thơ tôi, mãi mãi là hình ảnh rất đỗi gần gũi, gọi mời, mong đợi gợi nhớ hai tiếng quê hương, đánh thức cả tuổi thơ khi nhớ về những ngày ấy.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, nhưng những ngày thơ ấu của tôi vẫn còn đó, dung dị với thật nhiều kỷ niệm. Được cầm trên tay những miếng bánh đa vừng thơm nức mà hít hà, chia cho nhau thưởng thức đã trở thành nỗi khát khao ngây thơ, trong trẻo mà bâng khuâng, xao xuyến đến lạ thường. Mỗi khi được thưởng thức, chúng tôi lại như được đắm chìm trong khoảng khắc thần tiên, thật diệu vợi.

Tuổi ấu thơ của tôi vẫn đẹp mãi như những ngày còn đang cắp sách đến trường, đi trên con đường làng thân thuộc. Trong những chiếc cặp sách của chúng tôi, mà thật ra đó chỉ là những chiếc túi đủ thể loại, mà có khi chỉ là chiếc túi được đan bằng cói. Điều đặc biệt là bên trong chiếc túi “kỳ diệu” ấy lại đựng được rất nhiều thứ, nào là sách vở, đồ dùng học tập, đồ chơi và không quên “trữ” những món ăn vặt mà tụi trẻ con chúng tôi rất yêu thích. Đứa nào đứa nấy, hầu như đều có sự chuẩn bị từ trước khi đến trường. Có đứa còn được chính người thân trong gia đình gói gém những phần quà cẩn thận và bỏ vào cặp sách để phòng khi đói lòng. Phần quà cũng rất mộc mạc, chỉ là những củ khoai nướng, có khi là bắp ngô luộc, vài cái kẹo kéo... nhưng thường xuyên là những miếng bánh đa vừng đùm trong giấy báo. Ăn bánh đa rất tiện lợi và no lâu. Ăn xong, uống nước là có thể no được cả ngày.

Con đường làng tới trường ngày ấy chưa được trải bê tông như bây giờ, chúng tôi thường chân trần rong ruổi suốt hàng tiếng đồng hồ trên con đường đất mịn và thỏa sức nô đùa với đủ các trò chơi, đến khi mệt quá lại đem bánh đa ra chia cho nhau cùng thưởng thức. Đám học trò cứ thỏa sức nô đùa, chỉ đến khi nghe tiếng trống báo hiệu giờ vào lớp đã đến, lúc đó mới ba chân bốn cẳng vội vàng cầm theo sách vở chạy ùa vào lớp học. Có hôm muộn giờ bị cô giáo phạt, bắt cả đám đứng thành một hàng ngang quay mặt nhìn xuống lớp, đứa nào đứa nấy tóc tai rối bù, líu ra líu ríu.

Tôi cũng không thể nào nhớ hết với biết bao nhiêu là kỷ niệm; nhưng những miếng bánh đa vừng tuy ít ỏi dành chia cho nhau trong những tiếng cười giòn tan, thơm lừng, hỷ hả mà sao lại trở thành những kỷ niệm cứ bện chặt vào cả cuộc đời tôi. Có phải chăng cuộc sống của chúng ta đâu phải cần đến mâm cao, cỗ đầy và giàu sang phú quý để nhen nhóm, kết nối tình thân, khắc ghi tình người. Phải chăng trong cuộc sống này dù trong điều kiện hoàn cảnh nào cũng nên tìm cho chính mình những gì đơn sơ, dân dã và gần gũi nhất mà vẫn nhớ, vẫn mong, trong trắng và đẹp thánh thiện đến vô ngần.

Chiếc bánh đa vừng đánh thức tuổi thơ

Những chiếc bánh đa sau khi đã quạt xong có thể ăn ngay.

“Con phải thật ngoan thi thoảng mẹ cho đi chợ”. Đó là lời mẹ thường động viên. Những lần được mẹ cho đi chợ, tôi với mẹ đều ghé qua thăm hàng bánh đa và mua mấy chiếc về làm quà.

Đứng trước hàng bánh đa, tôi như bị hớp hồn bởi đôi bàn tay khéo léo, thoăn thoát trên chậu than hồng đỏ rực. Cô nướng bánh đa ở chợ trạc tuổi mẹ, giống như một người nghệ sỹ đích thực, không chậm trễ một chút nào cứ lật đi, lật lại chiếc bánh. Một tay cầm chiếc bánh nướng trên ngọn than hồng, tay còn lại cầm chiếc quạt đều đều thả gió cho bếp than luôn rực hồng. Tôi mải mê ngắm nhìn, ngửi mùi hương gạo, hương vừng tỏa ra thơm phức... mà quên cả chặng đường về nhà vẫn còn xa. Hình như mẹ tôi đã gọi “cu ơi” đến lần thứ ba tôi mới sực tỉnh.

Sau này tôi mới biết, nướng bánh là công đoạn cuối cùng nhưng rất quan trọng, gần như quyết định đến chất lượng của chiếc bánh đa vừng. Người nướng bánh phải quạt đều tay, lật đi lật lại liên tục, căn chỉnh lửa để cho bánh chín đều không bị cháy xém, thi thoảng uốn nắn để bánh tròn và có hình yên ngựa. Điều đó tưởng chừng như đơn giản nhưng lại cần sự khéo léo, tinh tế và hết sức lành nghề. Chiếc bánh ra lò phải đạt tiêu chuẩn nở phồng, vàng ruộm. Khi thưởng thức, bánh giòn tan, có hương thơm của gạo, vị thơm bùi béo ngậy của những hạt vừng. Hương vị ấy hòa quyện cùng dư vị mặn mòi từ những giọt mồ hôi của những người làm ra chiếc bánh đã tạo nên hương vị mộc mạc, thấm đẫm hồn quê nhưng không kém phần hấp dẫn như nhựa sống, men say.

Cuộc sống mỗi ngày càng phát triển, dường như những miếng bánh đa vừng cũng ít xuất hiện trong cặp sánh của các cô cậu học trò mỗi khi đến trường. Người dân quê tôi cũng vậy, không dùng chiếc bánh đa vừng để thay cho những bữa cơm đầy đủ dưỡng chất. Nhưng chiếc bánh đa vừng vẫn hiện hữu, thân thuộc gắn kết yêu thương trong mọi gia đình với rất nhiều sự kiện.

Lê Xuân Bính (CTV)


Lê Xuân Bính (CTV)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]