Chú Cúc trưởng thôn!
Chú Cúc trưởng thôn cũng là hàng xóm nhà tôi. Người làng tôi vẫn thường nói mồm miệng chú tuy “láu táu” nhưng sống nhiệt thành, nên ai cũng quý. Từ ngày chú làm trưởng thôn thì sự quý mến dành cho chú càng nhiều hơn.
(Tranh minh họa: Internet)
Chú Cúc ít tuổi hơn nhưng hợp tính nên nhiều năm qua là bạn tâm giao với bố tôi. Nhà chú trước đây vốn khó khăn, sau khi đi bộ đội về, trong khi nhiều người đi Nam (đi làm ăn ở miền Nam) thì chú Cúc ở lại quê nhà. Vợ chồng chú siêng năng, chăm chỉ nên kinh tế dần khấm khá, các con lại chăm ngoan. Người làng tôi vẫn thường lấy chú làm gương, bảo quê mình dẫu nghèo nhưng nếu biết làm ăn thì vẫn có thể có cuộc sống no đủ, đâu nhất thiết cứ phải... tha hương.
Hơn 5 năm trước, chú Cúc được bầu làm trưởng thôn. Khi chú Cúc làm trưởng thôn, nhiều người nói chú... dại. Bởi làm trưởng thôn ví như “người vác tù và hàng tổng”, việc gì cũng đến tay, bận rộn suốt ngày, trong khi đó kinh tế nhà chú Cúc nào có thiếu thốn. Vậy nhưng chú Cúc lại có “cái lý” của mình. Có lần chú tâm tình với bố tôi, chú bảo trong cuộc sống không phải cái gì cũng có thể đong đếm, tính toán thiệt hơn được. Dân làng đã tín nhiệm thì chú sẽ làm.
Thấm thoắt, chú Cúc làm trưởng thôn cũng đã hơn 5 năm. Từ ngày chú làm trưởng thôn người dân lại càng thêm quý mến. Dù chú nói chuyện cỏ vẻ láu táu nhưng tính tình lại rộng rãi, xởi lởi và nhiệt tình. Mọi công việc, phong trào của thôn xóm, lúc nào chú cũng đi đầu. Rồi thì việc làng, việc xã chẳng mấy khi vắng bóng chú. Người làng vẫn thường bảo nhau, cứ nhìn việc chú Cúc làm mà theo.
Tết vừa rồi, bà Dậu - hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất trong thôn chúng tôi cuối cùng cũng có thể đón niềm vui được ở trong căn nhà mới ở tuổi xế chiều của đời người.
Hoàn cảnh nhà bà Dậu thì người làng đều thấu cả. Chồng bà mất sớm, người con trai duy nhất của ông bà vướng vào tệ nạn xã hội khiến mọi tài sản trong nhà đội nón ra đi. Vài năm trước, anh qua đời. Nhiều năm qua, bà Dậu ở trong căn nhà lụp xụp “mưa dột nắng chiếu”. Bà con trong thôn dẫu có thương cũng chỉ có thể thi thoảng giúp bà chắp vá nhà cửa trước mỗi mùa mưa bão.
Cho đến cuối năm vừa rồi, được sự hỗ trợ của Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, bà Dậu được hỗ trợ 80 triệu đồng để xây nhà. Nhưng với số tiền ấy, ở tuổi ngoài thất thập, gia đình lại không có tài sản, bà Dậu đắn đo... không dám nhận. Bởi bà biết, việc làm nhà chẳng thể gói gọn trong số tiền hỗ trợ ấy, mà vay mượn thì bà cũng chẳng biết phải vay ai...!
Trước hoàn cảnh của bà Dậu, chú Cúc trưởng thôn đã họp dân làng và ra quyết tâm phải xây nhà cho bà Dậu. Bên cạnh số tiền được Nhà nước hỗ trợ, gia đình chú Cúc công khai ủng hộ một khoản. Rồi chú lại đến từng nhà trong thôn, kêu gọi người dân, mỗi gia đình một ít.
Chú nói, bà Dậu là người của thôn chúng ta, bà vất vả thì người dân trong thôn cũng đâu thể yên lòng, làm ngơ, đây là cơ hội để bà Dậu có nhà, cũng là cơ hội để người dân trong thôn xây nhà cho bà... Cứ như vậy, người ít, người nhiều, số tiền ủng hộ cũng được thêm một khoản.
Rồi chú Cúc đi gặp đại lý bán vật liệu xây dựng, gặp người làm cửa, người bán gạch... vận động để bán giá tốt cho nhà bà Dậu. Chú còn gặp cả những người làm thợ xây trong thôn để cùng nhau góp công xây nhà cho bà Dậu. Cuối cùng, chỉ sau 3 tháng, bà Dậu đã có nhà mới.
Việc bà Dậu có nhà mới, người trong thôn ai cũng mừng. Và người làng cũng hiểu, để ngôi nhà của bà Dậu được thành hình, công nhiều ở chú Cúc - người trưởng thôn tận tụy. Còn chú Cúc thì vẫn luôn miệng nói, nếu không có bà con chung tay, tôi đâu thể làm được gì!
Bố tôi thường bảo, làm trưởng thôn không khó nhưng để bà con tin quý như chú Cúc thì quả thực không nhiều người làm được. Còn chú Cúc, trong những câu chuyện với bố tôi, chú thường chia sẻ, con người sống trên đời mỗi người mỗi cảnh, chẳng ai giống ai nhưng cốt ở sự nhiệt thành và chân tình đối đãi với mọi người.
Minh Chi
{name} - {time}
-
2025-03-16 11:51:00
Ông Khán làng tôi
-
2025-03-09 11:01:00
Ngược chiều tâm linh: Phạm húy
-
2025-02-27 09:02:00
Bãi rác nơi đồng ruộng