(vhds.baothanhhoa.vn) - Chú họ gọi điện thúc giục nói cuối tuần gắng bố trí về chú trao đổi công việc. Cuối năm biết bao việc, nhưng tôi vẫn phải sắp xếp, bởi đã lỡ hẹn chú mấy lần.

Chất chơi của người làng...

Chú họ gọi điện thúc giục nói cuối tuần gắng bố trí về chú trao đổi công việc. Cuối năm biết bao việc, nhưng tôi vẫn phải sắp xếp, bởi đã lỡ hẹn chú mấy lần.

Chất chơi của người làng...Minh họa của Hoàng Hân

Vừa bước vào cổng, chú đã vồn vã nói: Cái anh cán bộ trên tỉnh về rồi đấy à. Chú chờ đỏ cả mắt. Thái độ vừa thể hiện tình cảm, vừa cho thấy sự trịnh trọng của chú làm tôi lo lắng. Cầm chén chè trên tay đầu tôi ngổn ngang suy đoán xem việc gì sẽ diễn ra. Tôi tính từng việc một, nào là xây mộ cho các cụ, làm nhà thờ họ, đóng góp xây dựng nông thôn mới đều xong cả rồi, vậy thì việc gì đây? Hôm nói trên điện thoại, chú cứ nửa kín nửa hở, nói việc quan trọng lắm, cháu về rồi biết. Tàn ấm chè mà tôi vẫn chưa thể nghĩ ra.

Đang tiếp tục vắt não, thì chú bảo thôi chả mấy khi anh về, để chú gọi mấy đứa đến uống rượu. Ý chú là gọi mấy đứa em họ đang sinh sống ở làng cùng đến tiếp tôi. “Không được đâu chú ơi”, tôi nói. “Sao lại không. Mình về quê, uống với em mình chén rượu, chứ phải khách khứa gì đâu. Đấy, cháu nhìn kìa”. Vừa nói chú vừa chỉ vào cặp gà đang nhốt ở chiếc bu nơi góc sân. “Mà thím mày đi chợ rồi đấy, mày để cơm của thím ế, thì lần sau đừng về nữa". Tôi biết tính thím hay khi, nên miễn cưỡng gọi điện xin thay đổi lịch công việc dự kiến trước đó.

Hơn tiếng sau thì mấy đứa em trong họ đến, cơm dọn ra, câu chuyện chính bắt đầu. “Anh cả này, chú với các em có câu chuyện muốn nói với anh. Anh là người sống ở thành phố, làm việc Nhà nước, chỉ có anh mới giúp được”. “Vâng, cháu nghe ạ. Việc của họ trong khả năng cháu sẵn sàng”. “Không phải việc họ. Là việc làng. Việc làng còn to hơn việc họ”...

Sau một hồi cà kê, những chén rượu cứ thế nâng lên, đặt xuống, rồi cũng hết chai thứ hai, tôi thấy lâng lâng. Lúc này thì chú và những đứa em họ mới bắt đầu vào việc chính. “Chả là chuẩn bị đến tết làng ta muốn trang hoàng cho lộng lẫy”. “Tưởng việc gì, nâng cao đời sống tinh thần là việc nên làm mà”, tôi cao hứng góp vào. “Nhưng ngặt nỗi làng mình chỉ có mấy họ, mà họ mình lại có cháu công tác ở trên tỉnh, bác trưởng thôn hôm trước nói chú gọi cháu về xem ý kiến cháu thế nào. Làng ta toàn người làm nông, thu nhập không nhiều, mà việc trang trí tết lần này thì khá nhiều”.

Theo chú thuật lại, bác trưởng thôn dự kiến nào là làm cổng chào, dựng câu liêm điện trang trí, treo cờ bướm suốt tuyến đường chính, cũng hết hơn trăm triệu. “Kinh phí nhiều thế chỉ có thể trông vào sự ủng hộ của những người đi ra như các anh thôi”, chú nói. Lúc này thì tôi không còn cao hứng được nữa, mặt mày tái mét. “Dạ, cháu đồng ý là trang hoàng ngày tết để làng quê đẹp hơn, nhưng cũng chừng mực thôi ạ. Như thế bọn cháu khó kham được. Chú nói lại với bác trưởng thôn xem thế nào, có giảm bớt được khoản nào không”. Tôi vừa dứt lời thì một đứa em đang sẵn chất men trong người, bốc lên nói: “Anh ở thành phố mà chả bằng mấy đứa ở quê. Không làm thì thôi, chứ đã chơi thì ngại gì mưa rơi. Làng ta chuẩn bị lên phố rồi đấy. Người phố phải hoành tráng chứ tẹp nhẹp sao được. Ở Thổ Văn, Xa Hoàng kia kìa, còn làm lớn hơn ta nhiều”.

Tôi chợt nhớ mấy lần về trước chú khoe làng ta sắp thành phố. Chú nghe chủ tịch xã nói là trong quy hoạch xã mình sẽ nhập vào thị trấn huyện nay mai.

Hóa ra cái việc chơi có tính “đi trước, đón đầu” mà người làng tôi đặt ra tết này là để tiệm cận chất chơi của dân phố sao? Tôi tìm cách trì hoãn, nói rằng việc của làng rất hay, nhưng để cho cháu có thời gian chuẩn bị, hôm nay đột ngột quá. Miệng tôi nói thế, nhưng trong lòng tôi ngổn ngang về cái chất chơi của người làng.

Hạnh Nhiên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]